Thị phần dệt may Việt Nam tăng tại nhiều nước

(TBKTSG Online) – Trong những năm qua thị phần của hàng dệt may Việt Nam liên tiếp tăng tại nhiều thị trường chính, và dự kiến sẽ tăng cao trong những năm tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).

T.Thu

Thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ tăng từ 3% lên hơn 9% trong 6 năm qua. Ảnh minh họa: LT.

Tại hội thảo giới thiệu về cổ phiếu của Vinatex hôm 4-7 tại TPHCM, ông Trường cho biết xuất khẩu dệt may của Việt Nam hiện chỉ chiếm thị phần hơn 2% trong tổng xuất khẩu dệt may thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay tốc độ tăng trưởng hàng năm của xuất khẩu dệt may Việt Nam là trên 15%, và có những năm đạt trên 30%.

Trong vài năm qua, trong khi nhập khẩu dệt may của các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản đều giảm thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua các nước này vẫn tăng khoảng 25%. Sau 6 năm qua, thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ mức 3% lên trên 9%, ông Trường cho biết.

Theo số liệu của Phòng Dệt May Mỹ (Otexa) của Bộ Thương mại Mỹ được Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đăng tải trên trang web vào cuối tuần qua, nếu trong năm 2013 thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ là 8,38% thì trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên mức 9,37%.

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào Mỹ nhìn chung có tốc độ tăng cao nhất so với các nước khác đang xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường này, tăng trên 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 3 tỉ đô la Mỹ, trong khi từ Trung Quốc chỉ tăng 0,68% về trị giá và 5,43% về số lượng, đạt 11,4 tỉ đô la Mỹ.

Số liệu của Otexa cũng cho thấy, không chỉ Việt Nam, mà thị phần hàng dệt may của nhiều nước khác, như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,… tại Mỹ đều tăng, lấy bớt thị phần của Trung Quốc tại đây. Trong năm 2013, thị phần may mặc của Trung Quốc tại Mỹ là 39,79% nhưng đã giảm xuống còn 34,93% trong 4 tháng đầu năm nay.

Số liệu của VITAS cũng cho thấy, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may có kim ngạch lớn thứ hai sang Nhật Bản, sau Trung Quốc. Thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại thị trường này cũng tăng từ 6,74% (tháng 10-2013) lên 7,62% trong quí 1-2014, trong khi đó Trung Quốc giảm từ 71% xuống còn 66,55%.

Trong 5 nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất sang Nhật Bản, trong quí 1/2014, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 40,52% về lượng và 32,45% về trị giá.

Thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng đều trong các năm qua, nhưng rất ít, từ mức 2,61% trong tháng 9-2012 tăng dần lên 2,7% trong 4 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, thị phần của hàng dệt may Trung Quốc tại đây liên tiếp giảm từ mức 41,94% trong năm 2012 xuống còn 34,36% trong 4 tháng đầu năm nay.

Theo ông Trường, việc hàng dệt may Việt Nam liên tiếp tăng thị phần tại nhiều nước cho thấy năng lực cạnh tranh cao, và dư lượng thị trường để phát triển còn rất lớn.

Ông Trường nói thêm, hiện hơn 60% hàng dệt may của Việt Nam là xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản, trong đó thuế suất trung bình cho hàng dệt may tại Mỹ là trên 17%. Do đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá quan trọng để mở cửa hai thị trường này.

Ngoài ra, theo vị phó tổng giám đốc Vinatex, quan trọng nhất là thị trường EU, vì nhập khẩu dệt may từ ngoài vào EU đạt khoảng 140 tỉ đô la/năm, còn Mỹ là 100 tỉ đô la Mỹ/năm, trong khi đó thị phần của Việt Nam tại EU chỉ 2%. Do đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được xem tạo nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, và có khả năng được thông qua vào cuối năm nay, áp dụng sớm vào nửa cuối 2015.

Liên minh hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan) đang nhập 15 tỉ đô la Mỹ/năm hàng dệt may, nhưng Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang đây không quá 300 triệu đô la Mỹ. Việt Nam gần như chưa tận dụng được thị trường này, do đó FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan sẽ mang lại tiềm năng không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang đây mà mở cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất tại các nước này.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm nay đến ngày 15-6-2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt trên 8,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/117186/