Thi đua khen thưởng trong trường học: 'Giật gấu vá vai'

Đa số nhà giáo khẳng định cần quan tâm đến chính sách, nguồn khen thưởng để kịp thời động viên người có thành tích.

Tặng bằng khen của UBND tỉnh cho cán bộ, giáo viên tỉnh Sóc Trăng dịp tổng kết năm học học 2022 - 2023. Ảnh minh họa

Luật Thi đua, khen thưởng sau khi có hiệu lực cần được thực thi để vừa có khen, vừa có thưởng.

“Chạnh lòng” vì không có quỹ

Cuối năm 2022, một trường THCS - THPT ở huyện Thới Bình (Cà Mau) thu tiền xã hội hóa quỹ khen thưởng. Ngay sau đó có phản ánh, hiệu trưởng phải chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm trả lại cho toàn bộ phụ huynh hơn 178 triệu đồng. Trước đó, nhà trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm và thống nhất thu mỗi lớp cấp THCS 7 triệu đồng, THPT 9 triệu đồng.

Tháng 3/2023, Trường THPT Tạ Quang Bửu (Quận 8, TPHCM) bị giáo viên phản ánh, đã tổ chức trao bằng khen tại lễ tổng kết năm học 2021 - 2022 (tháng 5/2022) nhưng không kèm tiền thưởng. Đây là những giáo viên có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm học liên tục 2019 - 2020 và 2020 - 2021 được UBND TPHCM tặng bằng khen.

Theo lý giải của lãnh đạo trường, khi Công đoàn cử người đi nhận tiền về đã bàn giao ngay cho thủ quỹ. Vì không nắm rõ nên thủ quỹ ghi chú là tiền khen thưởng tập thể. Kế toán trường tiếp nhận số tiền thi đua nói trên và ra phiếu thu tháng 5/2022. Kế toán biết đó là tiền khen thưởng nhưng vì không kèm theo quyết định, danh sách khen thưởng nên không biết chi thế nào. Mặt khác, do ghi chú “khen thưởng tập thể xuất sắc” nên đinh ninh là tiền tập thể nên tiến hành nhập quỹ.

Thực tế cho thấy, còn những khó khăn trong việc khen thưởng cán bộ, nhà giáo, đặc biệt là khen thưởng bằng khen cấp Bộ. Nhận được khen thưởng là niềm vui, sự động viên lớn lao nhưng giáo viên thiệt thòi bởi không có thưởng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do quỹ khen thưởng các nhà trường có hạn; UBND cấp huyện, tỉnh lại chưa có văn bản, quy định rõ ràng, cụ thể việc khen thưởng nên khó chi kinh phí…

Theo cô Trần Thị Bích - Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu, sau khi nghe giáo viên phản ánh, hiệu trưởng đã yêu cầu rà soát, chi trả ngay. “Bản thân cũng nằm trong danh sách được khen thưởng và không hề biết có tiền thưởng... Đây là thiếu sót trong việc phối hợp giữa các bộ phận - bài học kinh nghiệm cho công đoàn, kế toán. Lãnh đạo nhà trường đã phê bình và yêu cầu các bộ phận làm việc có sự phối hợp để không lặp lại sự việc tương tự…”, nữ hiệu trưởng thông tin.

Trao đổi về việc khen mà không có thưởng, nhà giáo Lê Xuân Bột - nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Khen thưởng kịp thời các phong trào thi đua nói chung và trong ngành Giáo dục nói riêng rất cần thiết. Qua đó động viên cá nhân đóng góp nhiều hơn cho ngành, xã hội, tăng hiệu suất làm việc.

“Vừa qua, tôi dự lễ kỷ niệm ngày 20/11 tại một trường THPT, hiệu trưởng tâm tư rằng mấy chục giáo viên có thành tích, nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục mà không biết lấy gì chi khen thưởng. Các thầy, cô giáo lên sân khấu nhận bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương cũng tâm trạng. Trong khi đó, một số trường có mạnh thường quân hỗ trợ thì thầy cô có thưởng. Trường có thưởng, trường không cũng khiến giáo viên tâm tư, chạnh lòng!”, nhà giáo Lê Xuân Bột chia sẻ.

Các cá nhân Trường ĐH Trà Vinh được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dịp khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa.

Mong luật mới sớm đi vào cuộc sống

Theo chia sẻ một lãnh đạo phòng GD&ĐT, khen thưởng là điều đáng quý nhưng cán bộ, giáo viên tâm tư khi được trao bằng khen nhưng chưa nhận được tiền thưởng. Một số đơn vị, nhà trường cũng không rõ quy định cấp, cơ quan nào chi thưởng cho giáo viên được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen nên cũng không dám trích từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục vì sợ không đúng quy định. Cũng có ý kiến sử dụng nguồn chi thường xuyên để thưởng, tuy nhiên việc này sai về nguyên tắc tài chính nên các trường không thực hiện...

Trước bất cập này, nhà giáo Lê Xuân Bột kiến nghị các sở, phòng GD&ĐT, trường nên linh hoạt. Trước mắt vận động mạnh thường quân, công ty, xí nghiệp trên địa bàn hỗ trợ nhưng theo quy định. Đề xuất Bộ GD&ĐT ngoài bằng khen, giấy khen, cờ thi đua các cấp thì kèm theo mức khen thưởng. Đồng thời khẩn trương có văn bản dưới luật khi Luật Thi đua, khen thưởng mới có hiệu lực.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Thạch Sa Quên - giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết thêm: Luật Thi đua, khen thưởng 2022 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 có quy định mới về quỹ thi đua khen thưởng. Đây là cơ sở quan trọng để việc khen, thưởng nói chung và trong ngành Giáo dục nói riêng thực hiện thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Qua đó việc khen, thưởng trở thành nguồn động viên lớn lao để cán bộ, giáo viên tiếp tục cống hiến, đóng góp…

Chia sẻ về việc khen và thưởng, lãnh đạo Trường THPT Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết: Cán bộ, giáo viên nhà trường được nhận khen thưởng cấp địa phương (huyện, tỉnh) thì chi tiền thưởng có quy định cụ thể, rõ ràng. Trường được khen thưởng cấp Bộ, Trung ương việc chi tiền thưởng cũng thực hiện kịp thời. Lý do là ngành Giáo dục địa phương có những quy định, hướng dẫn cụ thể. Nhà trường căn cứ vào các quy định, hướng dẫn đó làm đề nghị chi khen thưởng. Dù số tiền không lớn, nhưng là nguồn động viên cần thiết, ý nghĩa.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-dua-khen-thuong-trong-truong-hoc-giat-gau-va-vai-post666099.html