Thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi, đã tổng kết được chưa?

Từ chỗ bỡ ngỡ, làm quen và cả kỳ vọng, mong chờ, đến nay, người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi gần như đã 'quên' việc thí điểm phân làn trên tuyến này.

Thấy gì từ quá trình thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi vừa qua? Hà Nội có thể tổng kết được chưa, hay nên ứng xử thế nào với yêu cầu phân làn, tách dòng phương tiện?

Mạnh ai nấy đi

7h30 phút sáng 13/4, có mặt tại khu vực cầu Khương Đình, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), PV VOVGT chứng kiến tình trạng phương tiện ô tô, xe máy đi lại khá lộn xộn. Do đang vào giờ cao điểm buổi sáng, phương tiện hướng từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông dù khá thoáng, song tình trạng xe máy đi vào làn ô tô vẫn khá phổ biển.

Ở chiều ngược lại, từ Hà Đông vào trung tâm Thành phố, mật độ phương tiện đông, nên xe máy, ô tô đan xen cả làn ô tô và làn xe máy.

Anh Nguyễn Xuân Kỳ, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, tình trạng phương tiện đi sai làn diễn ra hàng ngày, kể cả khi giao thông không ùn tắc: "Em nghĩ không hiệu quả lắm bởi vì xe đi lại nó nhiều lên, nên xe máy người ta thường hay “điền vào chỗ trống”, trống chỗ nào người ta đi chỗ đấy. Ý thức tham gia giao thông chưa được nâng cao lắm".

Dù thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng, thi thoảng mới đi làm bằng xe máy, song chị Nguyễn Thị Huyền, ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng không khỏi chạnh lòng khi tình trạng phương tiện ô tô, xe máy đi lẫn lộn ở đoạn đường được phân làn, từ nút giao Khuất Duy Tiến đến Ngã Tư Sở, bất chấp thời gian phân luồng đã khá lâu.

Dù phân làn đã lâu, nhưng nhiều xe máy vẫn "điền vào chỗ trống"

"Nếu đi đúng được thì em nghĩ sẽ hiệu quả và cũng an toàn hơn nữa. Nếu có giao thông điều phối thì còn được, chứ còn không thì mọi người cứ đi lộn xộn thôi, gần như không chấp hành. Tình trạng đi lộn xộn diễn ra gần như tất cả các khung giờ", chị Huyền nói.

Tại khu vực lối mở sang đường trước cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tình trạng phương tiện đan xen cũng diễn ra khá phổ biến. Một nhân viên bảo vệ tại khu vực này cho biết: "Đây này, đã tách đâu, không tách được, mạnh ai nấy đi. Dân mình có ý thức đâu".

Trực tiếp tham gia công tác điều tiết, hướng dân giao thông từ những ngày đầu tiên tiến hành phân làn đến nay, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, sau một thời gian phân làn, cũng có những tác động tích cực, cũng có một bộ phận người tham gia igao thông đi đúng phần đường, làn đường. Tuy nhiên, thiếu tá Nguyễn Minh Đức thừa nhận, đa số phương tiện không chấp hành quy định phân làn trên tuyến đường này.

"Do đường Nguyễn Trãi đoạn từ hầm chui Thanh Xuân đến Ngã Tư Sở lưu lượng phương tiện giao thông thường xuyên ở mức rất cao, trong khi đó đoạn này có rất nhiều đường ngang và các điểm mở, một phần là do các phương tiện tăng cao nữa, cho nên có thể đánh giá giao thông phức tạp hơn so với trước đây", Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho biết thêm.

Đường vắng, xe máy đi sai làn vẫn phổ biến

Trước đó, vào tháng 9/2022, sau 1 tháng thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi, Sở GTVT Hà Nội cho rằng có “kết quả tích cực”. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Thành phố đã tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022.

Hiệu quả thấp, chi phí lại cao?

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn với chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy về vấn đề này.

PV: Theo ông, từ những tác động của việc phân làn đường Nguyễn Trãi thời gian qua, đã có những tác động như thế nào đến giao thông?

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy: Tôi ủng hộ việc phân làn, nhưng việc phân làn như thế rất khó khả thi và nó chưa đến mức cần thiết phải làm chiến dịch này, chiến dịch kia. Rõ ràng là các vị không tổng kết là có lý do của các vị đấy. Tổng kết sao được, bây giờ thấy nó như thế thì tổng kết thế nào? Vì việc phân làn tạo ra hiệu quả không cao như những việc khác, ví dụ như nâng cấp, phát triển hạ tầng, phát triển giao thông công cộng…

Việc phân làn ấy không nhất thiết phải làm, nhưng nếu làm được là tốt. Nhưng tôi khẳng định khả năng không làm được là cao. Khó ở đây không phải ý thức của người dân, mà khó ở quy luật đi lại. Vì sao, vì thế giới hàng nghìn Thành phố người ta có phân làn đâu; xe máy, ô tô trong thành phố người ta hầu như không có phân làn, vì 2 loại xe lưu thông tốc độ như nhau, nó đi dày đặc như vậy thì anh phân làn sao được.

Nên dừng hay tiếp tục phân làn đường Nguyễn Trãi?

Cách đây 7-8 năm, việc phân làn đã mất đi của Nhà nước 24 tỷ rồi, lần này có lẽ ít nhất cũng phải 15-20 tỷ. Vì vậy, việc phân làn mà không nghiên cứu kỹ, không thấy tác dụng hay không tác dụng mà lại cứ tập trung làm, đặc biệt là không bao giờ nghe ý kiến của những người có kinh nghiệm…Cái phân làn như vậy thứ nhất là chi phí tốn kém; thứ hai là hiệu quả thấp; và nếu phân làn không hợp lý thì ùn tắc sẽ tăng thêm…Nói tóm lại, việc phân làn vừa qua ý đồ thì tốt, nhưng hiệu quả thì thấp, tính khả thi cũng thấp, chi phí lại cao.

PV: Từ kết quả phân làn đường Nguyễn Trãi thời gian qua, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mức độ tin tưởng của người dân sau mỗi lần thí điểm?

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy: Người dân người ta không nói ra đâu, tôi quan sát người dân không nói ra, vì người ta thấy Hà Nội làm liên tục như thế chứ có cái gì mới đâu. Được hay không được ông cũng im luôn. Chỉ biết rằng, nếu tính toán thì tốn tiền của dân. Khoảng một vài tuần đầu thì ầm ĩ lên, xôn xao lên, cứ như một chiến dịch, cũng giống chiến dịch giải tỏa vỉa hè, nếu thiếu kiên nhẫn, thiếu quyết tâm, không khoa học, không nghiên cứu kỹ thì đổ tiền ra nhưng không mang lại hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông

Nên dừng hay tiếp tục phân làn đường Nguyễn Trãi?

Mặc dù Hà Nội chưa tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác phân làn đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), song Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, định hướng phân tách là đúng và thời gian tới vẫn cần tiếp tục duy trì, bởi trong thực tế việc phân làn đã cho thấy hiệu quả của nó.

Đoạn đường thí điểm phân làn dài khoảng hơn 2 km, từ hầm chui Thanh Xuân đến Ngã Tư Sở.

Điều này cũng đã được chứng minh qua việc phân tách ô tô và dòng xe 2 bánh tại một số tuyến đường có tính chất và quy mô tương tự tại TP. HCM như: đại lộ Mai Chí Thọ, Đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt…Kết quả phân làn tại những tuyến đường này cho thấy vận tốc dòng xe, tình trạng xung đột và vấn đề đảm bảo ATGT được tốt hơn.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn nêu quan điểm: "Vấn đề là đã làm thì phải làm cho khoa học, và phải nghiên cứu trên toàn tuyến. Việc tổ chức này nếu làm manh mún, chỉnh đi sửa lại nhiều sẽ gây ra những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội".

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, việc phân làn phương tiện, đặc biệt là trên những trục hướng tâm có bề rộng mặt đường lớn là giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả, an toàn. Tuy vậy, để quyết định có tiếp tục phân làn, cần thêm những biện pháp gì, Hà Nội cần sớm tổng kết, đánh giá hiệu quả của việc phân làn thực hiện thời gian qua.

"Nếu ở các bộ máy quản trị và tổ chức giao thông có trách nhiệm, phải triển khai theo các giai đoạn khác nhau, và đi cùng với việc phân làn cần kết hợp thêm nhiều biện pháp khác nữa, kể cả việc giám sát, đánh giá, phạt nguội", kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cũng cho rằng, việc tổ chức giao thông trên các trục đường hướng tâm là cần thiết và cần được duy trì. Chính quyền TP. Hà Nội cần chấp nhận phân luồng giao thông trong từng điều kiện hạ tầng cơ sở để thực hiện các biện pháp điều tiết giao thông cho phù hợp: "Vấn đề tổ chức giao thông là cần với tất cả các cơ sở hạ tầng trong bất kỳ tình huống nào. Vấn đề là phương án tổ chức giao thông như thế nào cho phù hợp. Hôm nay có thể thông thoáng, ngày mai có thể do sửa chữa một số đoạn đường, có thể phải quây rào, vẫn cần phải tổ chức giao thông".

Tuy vậy, thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội - đơn vị trực tiếp tham gia phân làn trên đường Nguyễn Trãi, cho rằng, từ kết quả bước đầu chưa thực sự rõ ràng, cùng với việc thời gian tới có thể thực hiện rào chắn hàng loạt trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội cần tính toán việc dừng phân làn để thực hiện tổ chức giao thông phù hợp.

"Thời gian tới, có rất nhiều dự án của Thành phố thi công, ví dụ dự án nước thải Yên Xá, tổ chức rào đường Nguyễn Xiển và Nguyễn Trãi, ảnh hưởng đến giao thông và Đội CSGT sô 7 kiến nghị Sở GTVT kiến nghị dừng xem xét thí điểm trên đường Nguyễn Trãi này".

Một số ý kiến cũng đề xuất, dù tiếp tục hay dừng phân làn trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội cũng cần tổng kết giai đoạn thí điểm, để từ đó rút kinh nghiệm, từ đó đề ra các giải pháp tổ chức giao thông một cách hiệu quả hơn./.

PV/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thi-diem-phan-lan-duong-nguyen-trai-da-tong-ket-duoc-chua-post1014396.vov