Thi công đường cao tốc qua Bình Thuận: Tìm lời giải vật liệu đắp nền phù hợpQuanh chuyện đá nonGỡ vướng theo tuần

Ngoài thành lập Tổ công tác liên ngành, Sở Tài nguyên - Môi trường và các sở, ngành liên quan phải ưu tiên giải quyết hồ sơ đầu tư, môi trường, đất đai, cấp phép khai thác các mỏ trong thời hạn 3 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.

Thi công đường cao tốc qua Bình

Bài 1: Vì sao chưa có sự thống nhất chung?

Bài 2: Không chỉ hối hả trên công trường

Đến đầu tháng 4 này, tại tuyến Phan Thiết - Dầu Giây, 2 gói thầu khởi công lần lượt vào tháng 11/2020 và tháng 1/2021 đã có khối lượng thực hiện đang nhiều lên. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, tại gói thầu số 1, dài 16,4km trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, nhà thầu đã tổ chức 7 mũi thi công với các khối lượng chủ yếu như thu dọn, đào bóc hữu cơ được 15 km; đắp K95 được khoảng 29.000 m3; thi công xong bản đáy hầm chui, 25 cọc khoan nhồi tại các cầu; xây dựng hoàn thành bãi đúc dầm và trạm trộn bê tông xi măng. Còn gói thầu số 2 dài 31,272 km đi qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, nhà thầu đã tổ chức thi công 11 mũi, trong đó 5 mũi thi công cầu, 6 mũi thi công đường với các khối lượng chủ yếu như đã phát quang được 8,2 km, làm đường công vụ được 12 km, hoàn thành móng cọc khoan nhồi 13/48 cầu, đắp thử đất nền đường được 1.450 m³… Không khí hối hả thấy rõ trên các khâu, công đoạn khác, riêng khâu đắp nền đường thì vẫn đang chờ đợi.

Những ngày qua, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long cùng các đơn vị thi công trên toàn tuyến này đã thông tin sau khi tận dụng hết lượng đất điều phối, tức các gò, bãi nằm trên tuyến đường đi qua thì hiện đang thiếu khoảng 2 triệu m3 đất nền. Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức cuộc khảo sát các mỏ nằm trên tuyến Phan Thiết – Dầu Giây có sự tham gia của các bên liên quan. Bước đầu, nhà thầu đã có những ý kiến về vật liệu đắp nền tại các mỏ cũng như những giao kết. Cụ thể như tại 1 mỏ đất dăm sạn bồi nền ở xã Tân Lập – Hàm Thuận Nam, với khối lượng cung ứng hơn 800.000 m3, liên danh nhà thầu ý kiến rằng có thể đáp ứng được 200.000 m3 đất đắp cho cao tốc nên cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép cũng như làm đường đi. Còn tại một mỏ khác cũng ở xã Tân Lập, trong khi chủ mỏ khẳng định trong hơn 1,5 triệu m3 đất đá chung của mỏ thì có 1,3 triệu m3 đất đắp bảo đảm cho thi công cao tốc nhưng nhà thầu cho rằng tầng phủ của mỏ có đất lẫn đá xen kẽ nên chưa sử dụng trực tiếp được, phải gia công lại mới đảm bảo chất lượng cho thi công dự án.

Thi công gói XL 01 ở Hàm Thuận Nam - tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Không chỉ các mỏ khác trên tuyến này mà cả 24 mỏ nằm trên tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết, qua lần khảo sát mới đây của Ban 7 thì phần lớn cũng ở tình cảnh tương tự trên. Hơn thế, ở tuyến này với 4 gói thầu hiện đã và đang triển khai những công việc như phát quang, bóc hữu cơ, xây dựng những móng cọc và cả thi công đào đắp nền đường trên những km đầu tiên từ đất tận dụng, chuyện chưa thống nhất nhau về chất lượng vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật giữa các bên liên quan theo thời gian đã đẩy lên cao trào. Trong 2 ngày đầu tháng 4, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa các bên. Và những tranh cãi giữa hàm lượng đá trong đất, kích cỡ đá non đạt tiêu chuẩn hay không đạt… đã xảy ra. Trong khi bên các chủ mỏ khẳng định chất lượng vật liệu mỏ đưa vào sử dụng có thể chưa đạt tiêu chuẩn hệ số đầm nén K98 nhưng chắc chắn đạt tiêu chuẩn hệ số đầm nén K95 thì các nhà thầu, đơn vị thi công chưa đồng ý. Tất cả khiến việc mua bán vật liệu đất đắp cho thi công cao tốc tại tuyến này chỉ bắt đầu trở lại, sau khi có kết quả mẫu tại từng mỏ…

Việc tìm tiếng nói chung giữa bên mua và bên bán vật liệu đất cấp 3 trên chỉ là một bước trong quá trình giải quyết cung cấp khối lượng đất đắp nền còn thiếu theo yêu cầu của chủ đầu tư 2 tuyến cao tốc tại tỉnh. Tại Thông báo 45 ký ngày 10/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường bên cạnh việc phối hợp kết nối các bên liên quan để thống nhất nhu cầu còn thiếu của từng gói thầu, là khẩn trương tăng công suất khai thác hoặc mở rộng quy mô khai thác của các mỏ có phép đang hoạt động trong phạm vi quy hoạch cũng như triển khai nhanh thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vừa trúng đấu giá… Để thực hiện điều trên, sở tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành để đẩy nhanh tiến độ tham mưu cấp phép, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án và báo cáo tình hình thực hiện định kỳ 1 lần/tuần. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan ưu tiên giải quyết hồ sơ đầu tư, môi trường, đất đai, cấp phép khai thác các mỏ trong thời hạn 3 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, Tổ công tác liên ngành đã được thành lập vào ngày 11/3 do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng. Ngày 17/3/2021, tổ đã họp, các thành viên thống nhất đề nghị 2 ban quản lý dự án nhanh chóng phối hợp với đơn vị thi công làm việc với các chủ mỏ để có báo cáo đề xuất về các trường hợp mỏ cần nâng công suất khai thác… gửi về Trung tâm Hành chính công cho Tổ công tác liên ngành có hồ sơ tham mưu giải quyết kịp thời. Ngoài ra, tổ đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế giải quyết thủ tục hành chính song song đối với các thủ tục về cấp chủ trương đầu tư (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì), thẩm định thiết kế kỹ thuật (do Sở Xây dựng chủ trì) và thẩm định nhu cầu sử dụng đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) để cắt giảm thời gian giải quyết các thành phần hồ sơ đủ điều kiện cấp phép.

Đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, đã nhận được 2 đơn đề nghị hướng dẫn thủ tục cấp phép nâng công suất mỏ. Đồng thời đó, đã làm việc với một số công ty để thúc đẩy thực hiện nhanh các hồ sơ thủ tục được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Như trên tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện có 8 mỏ đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng như thuê đất… nên có thể trong 1 - 2 tháng nữa sẽ được phép đi vào khai thác với trữ lượng đất, đá non lên xấp xỉ 10 triệu m3. Nhưng như yêu cầu chung từ các chủ đầu tư, các nhà thầu thì phần lớn khối lượng của các mỏ trên cũng phải gia công lại nên để bảo đảm tiến độ thi công, thời gian trước mắt nên tính đến phương án sàn vật liệu hoặc xay nghiền đá tại các mỏ đang khai thác trong điều kiện cự ly vận chuyển và bài toán hiệu quả kinh tế.

Nghiền xay đá để thay thế đất cấp 3 là bài toán mà lời giải chưa chính thức, vì hơn 100m thi công thực nghiệm tại Vĩnh Hảo – Tuy Phong mà Ban 7 đã trình đang chờ phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải. Điều đáng chú ý, trong những ngày này, khi các gói thầu tại Tuy Phong đang chựng lại khâu đắp nền đường, do thiếu đất cấp 3 thì cũng ngay trên cùng địa bàn, bãi chứa tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân đang đầy lên từng ngày gây ô nhiễm môi trường trong mùa gió chướng. Và việc cung cấp vật liệu đất đắp nền trên còn tiếp tục bàn bạc gỡ vướng trong cuộc họp vào chiều ngày 6/4 của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chủ trì.

Theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9436: 2012, nền đắp là loại nền đường hình thành bằng cách đắp đất, đá (hoặc vật liệu khác) cao hơn mặt địa hình tự nhiên tại chỗ. Có 3 loại nền đắp gồm nền đắp đất, nền đắp đất lẫn đá và nền đắp đá. Riêng nền đắp đất là đất các loại có thể lẫn dưới 30% khối lượng là đá, cuội sỏi có kích cỡ từ 19mm trở lên cho đến cỡ hạt lớn nhất 50 mm.

Bích Nghị

Bài 3: Giữ gìn hiệu quả mang lại từ cao tốc

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thi-cong-duong-cao-toc-qua-binh-thuan-tim-loi-giai-vat-lieu-dap-nen-phu-hop-bai-2-khong-chi-hoi-ha-tren-cong-truong-136465.html