Thi công chức, viên chức tại Hà Nội: Hộ khẩu không thể là rào cản

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ông Vân cho rằng, Hà Nội nên tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhân tài về làm việc. Đây không chỉ là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, mà là trung tâm của cả nước. Trọng dụng nhân tài để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh hoa về cho Hà Nội là điều rất nên.

Xếp hàng nộp đơn thi tuyển công chức của một cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: T.L

Xếp hàng nộp đơn thi tuyển công chức của một cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: T.L

Nên ban hành luật trọng dụng nhân tài

Cách đây 2 năm, tại Hà Nội đã dấy lên những ý kiến trái chiều về điều kiện trong tiêu chí dự tuyển công chức là thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Theo đó, đối với trường hợp không có hộ khẩu, muốn thi công chức Hà Nội năm 2015, người đó phải đáp ứng một trong số các tiêu chí là: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; hoặc có bằng tiến sĩ tuổi đời dưới 35 tuổi; hoặc có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi. Và điều kiện đó vẫn tồn tại cho đến nay.

Đặc biệt, mới đây nhất khi TPHCM đã “cởi trói” việc không áp dụng điều kiện về hộ khẩu đối với những người muốn thi công chức, viên chức vào làm việc tại thành phố này thì ngược lại Hà Nội vẫn đang còn im ắng. TPHCM đã “cởi trói” được điều kiện này thì nhiều người có hộ khẩu ở tỉnh lẽ lại đang mong chờ một chính sách rộng mở của Hà Nội. Thực sự những người tài, người có tâm muốn cống hiến cho Thủ đô nhưng đang bị điều kiện về hộ khẩu làm rào cản. Họ cho rằng, có vẻ Hà Nội vẫn cứng nhắc và quá khắt khe đối với những người ngoài tỉnh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại biểu Quốc hội Khóa 14 Lê Thanh Vân (thuộc đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau) cho biết, về vấn đề này không còn là mới, nhưng khi TPHCM đã “cởi trói” được thì nhiều người lại đặt hy vọng vào Hà Nội. Theo đại biểu Vân, thu hút người tài là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trên nhiều diễn đàn, địa phương ở đâu cũng nói rải thảm đỏ cho người tài. Tuy nhiên, hiện nay việc làm này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào. Có nơi làm thế này, có nơi làm thế kia.

“Cách đây hơn 5 năm, lúc đó tôi đang là Đại biểu Quốc hội khóa 13. Ngay từ kỳ họp đầu tiên tôi đã đề ra nghị phải thống nhất thành các quy tắc chung cho toàn xã hội. Quốc hội nên ban hành luật trọng dụng nhân tài để nhất quán chủ trương đó bằng pháp luật. Để cho tất cả các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện như nhau. Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật nên việc địa phương này có chính sách này địa phương kia có chính sách khác…” - ông Lê Thanh Vân nói.

Để dẫn chứng cho việc này, ông Vân lấy ví dụ: Như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội ai có cũng có những chính sách thu hút nhân tài cho riêng mình. Tuy nhiên, khi TPHCM lại có những chính sách rất thông thoáng tại sao các tỉnh khác mà điển hình như Hà Nội lại không?

Xem xét bỏ điều kiện có hộ khẩu

Theo ông Vân, có lẽ đến lúc Hà Nội cũng phải xem xét lại quy định này. Bởi vì trọng dụng người tài mà ngày xưa cha ông ta gọi là cầu hiền thì nó phải thực dụng và chí thành. Chọn được người tài phải có ba đặc trưng đó là: Có cống hiến, có tài năng và có cam kết chứ không phải là người tài chung chung. Nếu trọng dụng những đối tượng có ba đặc trưng đó thì không cần thiết phải có rào cản như là về hộ khẩu hay điều kiện khác.

“Trọng dụng nhân tài ở đây còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, gỡ bỏ hết mọi điều kiện. Đó mới là lòng chí thành thực thụ để chiêu mộ nhân tài” - ông Vân chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Thành Can - Học viện Hành chính Quốc gia - chia sẻ, đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những thí sinh vừa ra trường, thậm chí những người đạt bằng giỏi họ cũng quan tâm.

Theo PGS Ngô Thành Can, chúng ta nên ủng hộ cách làm, chính sách mở cho những người giỏi muốn về địa phương đó chứ không nên quá cứng nhắc. Ví dụ ở Hà Nội, có rất nhiều người giỏi của các tỉnh về đó muốn cống hiến thì nên có chính sách mở. Chúng ta đang dần dần tiến tới một tiêu chuẩn Quốc gia nhất định. Tức nếu người nào đó phục vụ cho Quốc gia, nếu là công chức hay viên chức ở ngành nào, mặt bằng khu vực đấy người đó phải đều đáp ứng được. Nếu chúng ta sợ gói gọn trong khu vực thì có thể đảm bảo được tiêu chuẩn khu vực chứ không thể đảm bảo được tiêu chuẩn lớn hơn.

“Cần phải có chính sách, những chính sách đáp ứng được để chiêu mộ người tài. Trước hết không vi phạm pháp luật thì chúng ta nên ủng hộ, chính vì vậy tôi rất ủng hộ TPHCM khi mở rộng việc này”. Cũng theo PGS-TS Ngô Thành Can, thực tế trong các văn bản kể cả luật và nghị định không hề nói đến người có hộ khẩu tại địa phương đó hay không. Tuy nhiên, thông thường là các địa phương thì họ lại ưu tiên cho con em của địa phương đó.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam - cũng không đồng tình với điều kiện thi tuyển công chức của Hà Nội năm 2015. Trong số đó có cả việc điều kiện về thi tuyển công chức, viên chức phải có hộ khẩu ở Hà Nội. Vị này phân tích: Khi tuyển công chức thì tiêu chí đầu tiên phải tuyển người nào đáp ứng được yêu cầu của công việc đó. Việc học ở nhà trường và được nhà trường đánh giá qua bằng cấp cũng là một tiêu chí cần thiết.

Cao Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/thi-cong-chuc-vien-chuc-tai-ha-noi-ho-khau-khong-the-la-rao-can-676027.bld