Thêm yêu văn học qua kịch truyền thanh

Đọc sách bằng tai sẽ giúp độc giả có thể tưởng tượng, bay bổng với câu chuyện kịch

Đầu tháng 6-2023, tại đường sách TP HCM đã diễn ra chương trình "kịch truyền thanh" do Sách Thái Hà kết hợp cùng nhóm kịch "Nhà của thời thơ ấu" tổ chức. Đông đảo khán giả trẻ tham dự và thích thú với hoạt động này.

Mới mẻ và độc đáo

Sherlock Holmes là nhân vật kinh điển trong thể loại trinh thám của văn học thế giới, nhân vật này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật như âm nhạc, ca kịch, điện ảnh, sân khấu... Việc đưa tác phẩm "Vụ án đầu tiên" của Sherlock Holmes: "Cuộc điều tra màu đỏ" (xuất bản năm 1887, của tác giả Arthur Conan Doyle) được xem là bước đột phá để đưa "kịch truyền thanh" đến gần hơn với giới trẻ.

Giao lưu với độc giả về sách sau khi tham gia để thử tài thoại kịch, tại chương trình “kịch truyền thanh” ở đường sách TP HCM tháng 6-2023. (Ảnh do BTC cung cấp)

Theo các nhà chuyên môn, "kịch truyền thanh" là cách làm thông minh, là loại hình kịch mà các diễn viên sẽ diễn đọc lồng tiếng nhân vật, sử dụng âm nhạc để "vẽ" không gian. Chương trình "kịch truyền thanh" do Sách Thái Hà kết hợp cùng nhóm kịch "Nhà của thời thơ ấu" tổ chức tại đường sách TP HCM với câu chuyện "Bí ẩn ở Lauiston Gardens", đã dẫn độc giả đi từ bất ngờ này đến thú vị khác, kết hợp cùng âm thanh gay cấn đã tạo nên một không gian huyền bí và hồi hộp.

Bạn Lý Minh Hùng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết: "Lần đầu được chứng kiến thể loại lồng tiếng cho sách, nên rất thích thú. Tôi tin tương lai loại hình "kịch truyền thanh" sẽ phát triển mạnh vì xu hướng này thật độc đáo".

Yêu văn học, kịch nghệ

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng "kịch truyền thanh" là thể loại báo chí nghệ thuật sử dụng hình thức đối thoại trên sân khấu để chuyển tải thông tin. Những chương trình: "Câu chuyện cảnh giác"; "Văn nghệ quân đội" (VOV), "Kịch truyền thanh" (VOH)... đã tạo được dấu ấn trong tâm thức hàng triệu thính giả từ nhiều năm qua.

NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến, ngoài các đài, các tổ chức xuất bản sách cũng nên hướng đến cách làm này, đưa ra nhiều phương án mới nhằm thu hút thính giả, độc giả đến với các chương trình "kịch phát thanh" ngày một đông hơn. "Có thể có thêm phần dự đoán, bình luận nhân vật, tình huống trong câu chuyện mỗi kỳ để công chúng trẻ tiếp nhận nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng của chương trình cả nội dung và hình thức" - NSND Trần Minh Ngọc gợi ý.

TS Mai Chi, Giám đốc Hệ Văn hóa - Đời sống - Khoa giáo (VOV2), nhấn mạnh: "Kịch truyền thanh là thể loại báo chí nghệ thuật sử dụng hình thức đối thoại sân khấu để chuyển tải thông tin và cũng là nguồn tư liệu quý giá, bổ ích của những người làm sân khấu nói riêng và người làm báo nói chung".

Tại TP HCM, hơn 6 năm qua, chương trình "Sân khấu Truyền thanh" của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) đã tạo điều kiện đưa nhiều kịch bản văn học đến gần hơn với công chúng. Hội Sân khấu TP HCM và VOH đã phối hợp thực hiện chương trình "Sân khấu truyền thanh", dự kiến mỗi năm 6 vở cải lương, 6 vở kịch nói chia thành nhiều kỳ phát sóng.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đánh giá cao chương trình "Sân khấu truyền thanh" và đề xuất Hội Sân khấu TP HCM phối hợp cùng Chi hội tác giả sớm xem xét triển khai hình thức "Kịch truyền thanh" để thu hút bạn trẻ đến với những buổi sinh hoạt chuyên đề văn học - nghệ thuật, qua đó tạo dựng những tâm hồn yêu văn học, kịch nghệ cho thế hệ trẻ.

Theo những người trong cuộc, với guồng quay tất bật của cuộc sống hiện nay, người nghe không có nhiều thời gian và sự tập trung để đọc sách hoặc xem vở tại rạp. Vì thế, đọc sách bằng “tai” sẽ đưa chất liệu văn học, nghệ thuật đến gần hơn với người nghe, nhất là giới trẻ.

THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/them-yeu-van-hoc-qua-kich-truyen-thanh-20230612203457309.htm