Thêm yêu Đắk Nông qua từng trang sách

Đắk Nông hiện là một trong 20 tỉnh hoàn thành và đưa Tài liệu Giáo dục địa phương (GDĐP) vào giảng dạy. Qua thực tế tài liệu GDĐP đã cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông

Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, tiết học GDĐP của lớp 10 Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) diễn ra sôi động, hào hứng. Các em đã được cô giáo gợi mở, tìm hiểu về các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Không chỉ nội dung phát huy giá trị di sản, mà đối với từng chủ đề bài học, giáo viên đều linh hoạt khai thác thêm kiến thức để mở rộng và có minh chứng sinh động tạo sự hấp dẫn cho nội dung bài học.

Cô giáo Lại Thị Sen, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh cho biết: “GDĐP là môn học mới với cô và trò, nhưng nội dung của nó rất gần gũi, cần thiết, giúp học sinh hiểu hơn về vùng đất mình đang sinh sống. Ngoài tài liệu, để làm phong phú bài giảng, tôi tìm thêm những tư liệu ở sách báo, trực tiếp tại các làng nghề, những người sinh sống lâu năm ở Đắk Nông...”.

Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Tp Gia Nghĩa) đưa Tài liệu GDĐP vào giảng dạy.

Trong chương trình GDĐP tỉnh Đắk Nông, ngoài nội dung liên quan đến di sản văn hóa, các em học sinh lớp 10 còn được tìm hiểu thêm văn học dân gian tỉnh Đắk Nông; sự phát triển của nghề truyền thống và các hoạt động kinh tế chủ lực, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Em Phạm Thị Trà My, lớp 10 Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Qua môn học, em hiểu thêm nhiều hơn về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Đắk Nông... Qua các buổi học, em được khám phá nhiều hơn về vùng đất con người Đắk Nông. Trong dịp lễ sắp tới, em sẽ cùng với gia đình dự kiến khám phá một số danh lam, thắng cảnh của tỉnh”.

Học GDĐP, em hiểu thêm về tinh thần yêu nước, đoàn kết của các dân tộc trong tỉnh Đắk Nông qua các cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ đó, em thêm tự hào, "khoe" với các bạn khi giới thiệu về Đắk Nông để cùng đến khám phá, tìm hiểu.

Nguyễn Thị Phương Quý, lớp 10 Sinh, Trường THPT Chuyên
Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa)

Tại Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn (Gia Nghĩa), để thực hiện hiệu quả chương trình GDĐP, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng khối giúp học sinh có thể nắm bắt các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, dân cư, cảnh quan, môi trường tự nhiên.

Tài liệu GDĐP tỉnh Đắk Nông lớp 7 cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về địa lý dân cư - xã hội, ngôn ngữ và văn hóa địa phương; lịch sử của Đắk Nông từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII; các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển kinh tế của địa phương. Qua đó, học sinh phần nào nhận biết được nét đẹp truyền thống của tỉnh Đắk Nông.

Đối với Chương trình GDĐP sau khi có văn bản hướng dẫn, trường ban hành kế hoạch cụ thể, phân chia số tiết, nội dung để đáp ứng yêu cầu đề ra. Qua mỗi tiết học, trường yêu cầu giáo viên thông tin thêm về đặc trưng riêng của xã Đắk Nia như nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần hay phong tục tập quán của người M’nông, Mạ...

Thầy Lê Hữu Vọng, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn

Được xây dựng trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản về tự nhiên, địa lí, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, an sinh xã hội, kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh, nội dung tài liệu GDĐP gắn lí thuyết với thực hành bảo đảm mức độ yêu cầu chung của giáo dục phổ thông trong tỉnh. Đặc biệt, qua những bài giảng, những hình ảnh minh họa sinh động đã hun đúc, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống và có thể tự tin giới thiệu, quảng bá mảnh đất Đắk Nông đến với bạn bè trong nước.

Mỹ Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/them-yeu-dak-nong-qua-tung-trang-sach-146275.html