Thêm nhiều mô hình tuyên truyền về IUU

Những ngày qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đồn, Hải đội Biên phòng phối hợp chính quyền địa phương đồng loạt ra quân tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, ngư dân trong việc tuân thủ, chấp hành các thủ tục hành chính, quy chế, quy định hoạt động trong khu vực biên giới biển và phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đại tá Phạm Minh Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy BÐBP tỉnh Cà Mau, cho biết, thực hiện chức năng nhiệm vụ của BÐBP và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BÐBP, UBND tỉnh Cà Mau về công tác chống khai thác IUU, ngày 29/11/2023, UBND tỉnh tiếp tục có Kế hoạch số 101/KH-BCÐ về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đến tháng 4/2024.

Đồn Biên phòng Sông Đốc tặng cờ Tổ quốc và phát tờ rơi cho ngư dân trước khi ra biển.

Trên cơ sở đó, toàn đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật, quy định về phòng, chống khai thác IUU và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, ngư dân trong việc tuân thủ, chấp hành các quy chế, quy định hoạt động trong khu vực biên giới biển. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng, người làm việc trên tàu cá tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định, thủ tục khi ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển; sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng BÐBP và các cơ quan chức năng. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực phát hiện, tố giác đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự; ý thức tham gia xây dựng khu vực biên giới biển của tỉnh.

Tính đến hết tháng 11/2023, tỉnh Cà Mau có hơn 4 ngàn tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó có hơn 1.500 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ. Chỉ tính riêng địa bàn Ðồn Biên phòng Sông Ðốc quản lý (gồm 4 xã, 1 thị trấn của huyện Trần Văn Thời), số phương tiện hoạt động đánh bắt thủy sản đã trên 2 ngàn phương tiện, tập trung nhiều nhất tại cửa biển Sông Ðốc.

Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sông Ðốc và ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc (bên phải) cấp phát Luật Biên phòng và tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân.

Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết, đơn vị thường xuyên tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng, người làm việc trên tàu cá nâng cao nhận thức, tuân thủ, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Ðảng, Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Thông tin về sự gia tăng hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng nước ngoài, để chủ tàu, thuyền trưởng nhận thức rõ quy định của pháp luật cũng như những rủi ro, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hướng dẫn cho ngư dân khai thác hải sản bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khi hoạt động trên biển theo tổ, nhóm để hỗ trợ nhau; biết cách phòng, chống thiên tai; giữ liên lạc với lực lượng chức năng để được hỗ trợ khi cần thiết. Tiến hành cấp phát tờ rơi thông qua các buổi tuyên truyền tập trung, sinh hoạt tổ tàu thuyền an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự; thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại Trạm Kiểm soát Biên phòng hoặc thông qua cán bộ đi địa bàn cấp phát đến từng hộ gia đình.

Ðại tá Phạm Minh Giang cho biết thêm, thời gian qua, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy chỉ đạo cơ quan tham mưu, Chính trị phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ chuyên môn xác định nội dung, biên soạn, in ấn, phát hành tờ rơi tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm, từng nhóm đối tượng, trọng tâm là các loại giấy tờ bắt buộc đối với người, phương tiện, tàu cá phải xuất trình, trình báo tại Trạm Kiểm soát Biên phòng; quy định, thủ tục hành chính khi ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển; các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển; các hành vi vi phạm về phòng, chống khai thác IUU.

Mô hình “Tiếng loa biên phòng” đã đưa các nội dung về chống vi phạm IUU đến gần với bà con ngư dân hơn.

Theo Ðại tá Phạm Minh Giang, thời gian tới, Bộ Chỉ huy tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức mở các lớp tuyên truyền tập trung tại hội trường UBND các xã, thị trấn, đồn biên phòng hoặc trực tiếp đến từng hộ gia đình. Ðẩy mạnh tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên sâu về thực hiện các thủ tục hành chính quy định đối với người, phương tiện khi ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển. Về phòng, chống khai thác IUU, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm; đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, đảng viên đồn biên phòng tham gia cấp ủy địa phương, HÐND các cấp, sinh hoạt chi bộ ấp, khóm và phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển để tuyên truyền, vận động Nhân dân, ngư dân, các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủy sản tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật./.

Lê Khoa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/them-nhieu-mo-hinh-tuyen-truyen-ve-iuu-a30767.html