Thêm một mùa lũ buồn (Bài 2)

Hàng năm, mùa nước nổi (mùa lũ) về mang lại nhiều sinh kế cho người dân, người giăng câu, giăng lưới, người hái bông súng, bông điên điển,... Nước lũ về còn mang theo lượng lớn phù sa bồi đắp đồng ruộng, góp phần cho vụ mùa mới bội thu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lũ thấp, thậm chí không về làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân.

Bài 2: Lũ thấp, nông dân gặp khó

Lũ về không chỉ mang theo nguồn lợi thủy sản mà còn bồi đắp phù sa cho ruộng đồng, nhưng năm nay, lũ thấp không cung cấp đủ phù sa dẫn đến chi phí đầu tư trồng lúa tăng. Bên cạnh đó, các loại sâu, bệnh, chuột cũng có nguy cơ hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Nông dân gặp khó khi lũ về thấp

Nông dân gặp khó khi lũ về thấp

Người nuôi thủy sản mùa lũ gặp khó

Những năm qua, việc nuôi thủy sản trong mùa lũ góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân vùng lũ, thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cá tạp ngày càng khan hiếm. Để chuẩn bị cho mùa lũ, cứ khoảng tháng 5 hàng năm, ông Nguyễn Văn Sỏi (một hộ nuôi cá ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) bắt đầu làm vèo ươm cá giống. Khoảng 2 tháng sau, khi cá phát triển, ông tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ nguồn cá tạp để nuôi cá. Đến khoảng tháng 10, 11, nước lũ rút cũng là thời điểm thu hoạch cá. Mùa lũ năm nay, ông thả nuôi 2.000 con cá lóc. Đã hơn chục năm nuôi cá, nhưng chưa năm nào ông Sỏi thấy khó khăn như năm nay, lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi rất ít. Hiện cá nuôi được hơn 2 tháng đang cần nguồn thức ăn khá lớn.

“Mọi năm mùa lũ về, cá tạp dồi dào, giá mua rất rẻ (2.000-3.000 đồng/kg), nhưng năm nay rất khó kiếm, giá lại cao (8.000-10.000 đồng/kg). Để bảo đảm cho cá sinh trưởng và phát triển phải mua thêm thức ăn, tính ra, tốn gấp 2-3 lần tiền thức ăn so với những năm trước” - ông Sỏi nói.

Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm qua, theo kinh nghiệm của anh Dương Văn Tèo (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) thì thông thường, nuôi cá lóc khoảng 6-7 tháng đạt trọng lượng từ 0,7-1,5 kg/con. Những năm trước đây, trung bình mùa lũ, gia đình anh thả nuôi từ 40.000-50.000 con cá lóc nhưng năm nay, anh chỉ thả nuôi 10.000 con. Theo anh Tèo, do lượng cá tạp làm mồi cho cá nuôi ngày càng khan hiếm, phải mua với giá cao gấp 2-3 lần so với trước, làm tăng giá thành nên người nuôi cá không có lãi cao.

Người nuôi thủy sản gặp khó

Người nuôi thủy sản gặp khó

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng - Phan Văn Oanh cho biết, những năm trước, vào mùa lũ, trên địa bàn có khoảng 50 hộ dân nuôi thủy sản, chủ yếu là cá lóc, cá bông, cá trê bằng hình thức nuôi vèo, bè. Mấy năm gần đây, do giá đầu ra của cá nuôi bấp bênh, lượng cá từ thiên nhiên làm mồi cho cá nuôi dần khan hiếm, làm tăng chi phí trong quá trình nuôi, nhiều hộ dân thua lỗ buộc phải bỏ nghề. Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn còn khoảng 10 hộ dân nuôi cá trong mùa lũ, giảm 70-80% số hộ nuôi so với trước đây.

Khó khăn trong sản xuất

Anh Lê Văn An (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) cho biết, hàng năm, vào thời điểm này, hơn 3ha đất sản xuất của gia đình anh, nước đã vào trắng đồng, nhưng đến nay chưa thấy lũ về. Theo anh, lũ năm nay nhỏ, ruộng đồng không được vệ sinh.

Còn anh Lê Văn Thanh (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) lo lắng: “Lũ thấp như thế này, lượng phù sa bồi lắng giảm, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón sẽ tăng. Điều đó đồng nghĩa với chi phí sản xuất sẽ tăng lên”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo cho biết, hiện khoảng 70% diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện nước lũ đã ngập đến, những vùng trũng, thấp, nước ngập sâu khoảng 1m. Huyện cũng tuyên truyền, vận động nông dân xả lũ đón phù sa. Trước tình hình lũ thấp, địa phương khuyến cáo nông dân không nên nôn nóng mà phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ, tập trung vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống lúa Đông Xuân 2021-2022.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân 2021-2022

Nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân 2021-2022

Còn tại huyện Tân Hưng, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Yên, từ khi lũ về, huyện chủ động xả nước vào các cánh đồng, vừa giúp tạo sinh kế cho người dân đánh bắt thủy sản mùa lũ, vừa mở đồng đón phù sa. Đến thời điểm này, có khoảng 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nước lũ chưa ngập đến, tập trung ở các xã vùng cao của huyện như Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà; khoảng 27.000ha nước lũ ngập từ 20-90cm. Nước lũ về thấp không cung cấp đủ phù sa để bồi đắp cho đồng ruộng dẫn đến chi phí đầu tư trồng lúa tăng cao hơn. Bên cạnh đó, các loại sâu, bệnh, chuột cũng có nguy cơ hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Lũ thấp không chỉ khiến những người làm nghề mưu sinh theo con nước gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nên ai cũng mong chờ con nước về tràn bờ để có thể khai thác sản vật mùa nước nổi và hứa hẹn vụ mùa mới thuận lợi hơn./.

Văn Đát

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/them-mot-mua-lu-buon-bai-2--a124926.html