Thêm cơ hội cho học sinh cuối cấp

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm các cơ sở đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào thay vì sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc có nhiều phương thức xét tuyển cùng nhiều kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức để xét tuyển đầu vào sẽ giúp thí sinh tăng thêm lựa chọn xét tuyển, giúp các cơ sở đào tạo tuyển được sinh viên phù hợp với từng ngành, đáp ứng yêu cầu ở bậc đại học.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Hiện nay, nhiều trường đại học thực hiện tự chủ phương thức tuyển sinh đã lựa chọn kỳ thi đánh giá năng lực là một trong những hình thức xét tuyển, nhất là các trường “tốp trên”. Năm 2022, cả nước có 65 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này. Đây là cơ hội vào đại học song cũng làm gia tăng áp lực khi học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn luyện kiến thức đáp ứng kỳ thi. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thầy và trò các trường THPT đang nỗ lực từng ngày vừa giảng dạy theo chương trình vừa học, ôn luyện các dạng đề thi khác nhau. Thầy Đỗ Quang Hưng, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Bù Đăng, huyện Bù Đăng chia sẻ: Nghiên cứu đề thi đánh giá năng lực qua các năm, tôi nhận thấy đề thi mang tính trải dài ở nhiều bộ môn khác nhau. Do đó, để đạt được kết quả tốt, học sinh phải nỗ lực hết mình.

Nắm vững kiến thức cơ bản là tiền đề quan trọng để học sinh cuối cấp vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực

Các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đều không phát hành sách hay bất cứ tài liệu liên quan. Vì vậy, các thầy cô đang cố gắng truyền đạt để học sinh nắm vững kiến thức nền, có khả năng vận dụng kiến thức, suy luận để đáp ứng yêu cầu bài thi. “Tôi thấy đề thi không nhằm kiểm tra kiến thức mà đánh giá khả năng vận dụng kiến thức. Bởi vậy, các em phải nắm vững nội dung cơ bản của các môn và biết suy luận chứ không chỉ làm theo bài tập mẫu hay các dạng đề như cách ôn thi truyền thống. Điều này đòi hỏi học trò cần có năng lực thực sự” - thầy Hưng cho biết thêm.

Để chọn được người học có năng lực phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường, mỗi cơ sở đại học có nhu cầu sẽ chủ động tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng với các bài thi mang tính đặc thù. Ngoài phần kiến thức chung có liên quan đến kiến thức cơ bản ở cấp học phổ thông, các em sẽ phải trả lời thêm kiến thức mở rộng như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Do đó, ngoài phần kiến thức được truyền đạt trên lớp, học sinh còn phải tự tìm hiểu thêm dựa vào các đề thi mẫu của những kỳ thi trước.

Biến áp lực thành động lực

Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học đã không còn là lựa chọn duy nhất. Song song với áp lực của nhiều kỳ thi thì học sinh có nhiều lựa chọn hơn, không còn quá bị động khi mùa thi đến gần. Các em cũng dần làm quen với các kỳ thi và chuyển hướng ôn luyện. Ngoài 6 môn bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em tự sắp xếp và dành thời gian cho các môn liên quan đến kỹ năng giải quyết vấn đề của kỳ thi năng lực. “Em thường tìm hiểu về các phần thi, chia ra từng phần, phân tích gồm những câu hỏi gì và kiến thức trải rộng ra sao để tự ôn tập” - em Lê Thị Huyền Anh, lớp 12A1, Trường THPT Bù Đăng chia sẻ. Hiện tại, Huyền Anh đang tập trung ôn luyện phần câu hỏi các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh trước. Sau đó, em sẽ dành thời gian cho các môn Vật lý, Hóa học bởi thời lượng của các môn này ít hơn nên sẽ ôn sau.

Tranh thủ mọi thời gian để ôn luyện cho các kỳ thi quan trọng sắp tới

Cũng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, em Huỳnh Võ Xuân Nguyên, lớp 12A1, Trường THPT Bù Đăng lựa chọn thời gian ra chơi trên lớp để ôn tập các câu hỏi. Nguyên cho biết: Kiến thức của thầy cô giảng trên lớp chỉ là một phần, còn lại mình phải tự tìm hiểu, xem thêm bài giảng của thầy cô trên mạng. Em có tìm hiểu trên facebook và thấy một số thầy cô đã tạo group để giải đáp cho những học sinh không biết hoặc chưa nắm bắt được tình hình của kỳ thi đánh giá năng lực. Mình có thể vào đó để tìm hiểu thêm. Áp lực cũng nhiều nhưng em nghĩ mình có thể vượt qua. Đặc biệt, nếu vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực thì cũng đã giải tỏa được một phần áp lực, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ “dễ thở” hơn.

Để chuẩn bị các kỳ thi quan trọng sắp tới, ngoài chuẩn bị kiến thức cho học sinh, các trường cũng luôn theo sát để có định hướng và tư vấn kịp thời. Cô Trịnh Thị Bé, Hiệu trưởng Trường THPT Bù Đăng cho biết, tùy theo năng lực, giáo viên sẽ định hướng cho các em xét tuyển theo hướng nào để phù hợp với khả năng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trao đổi với phụ huynh để xây dựng phương án dài hơi, tránh tình trạng sát đến kỳ thi mới tư vấn thì sẽ không theo kịp. “Trường đã giao Phó Hiệu trưởng phụ trách khối 12 về công tác hướng nghiệp, đặc biệt là theo dõi thời gian các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Theo đánh giá qua các năm, hầu như các em tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đều đạt kết quả cao” - cô Trịnh Thị Bé chia sẻ.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/141775/them-co-hoi-cho-hoc-sinh-cuoi-cap