Thêm bước đi khẳng định mục tiêu đảm bảo quyền con người

Giữa tháng 11/2023, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính vừa tổ chức phiên họp thứ 2, tiếp thu ý kiến đại biểu để chỉnh lý, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, làm cơ sở cho các bước tham vấn tiếp theo. Dự án luật được đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt là người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBT).

Các nghiên cứu cho thấy, cộng đồng LGBT chiếm tỷ lệ từ 3 - 7% dân số thế giới. Trong đó, tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hormone) chiếm từ 0,3% - 0,5% dân số. Hiện đã có 72 quốc gia thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp.

Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ quan điểm: “Lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”; “không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”, bao gồm tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử, kỳ thị nào, kể cả yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”.

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”. Sau khi bộ luật được thông qua, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại Châu Á hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính; thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội trong bảo vệ quyền của người chuyển giới. Đồng thời là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của cộng đồng LGBT, quyền của người chuyển giới.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể hiện thực hóa quyền này trên thực tế; cơ quan có thẩm quyền chưa xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới chưa rõ ràng. Sự kỳ thị của xã hội khiến khả năng tiếp cận tới người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa; hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế trên, Kết luận 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2024. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thống nhất đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Dự án luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận là người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch.

Từ đó, hướng đến mục tiêu bảo đảm cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trên cơ sở tự nguyện của người đề nghị chuyển đổi giới tính; không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chuyển đổi giới tính và gia đình họ; tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính. Việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin, cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân - gia đình, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.

Dự án luật còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm, như: Kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bạo lực đối với người có mong muốn chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính; cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục hoặc có các hành vi trái pháp luật khác; bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do chuyển đổi giới tính; tiết lộ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà không được người chuyển đổi giới tính đồng ý; lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ pháp luật…

Hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần tập trung làm rõ nội dung liên quan đến quyền của người chuyển giới, trong đó có quyền tư vấn, quyền can thiệp y tế và cả quyền của nhân thân của người chuyển giới; làm rõ cơ chế xác định sự tự nguyện chuyển đổi giới tính, thủ tục, thẩm quyền công nhận giới tính, giá trị giấy xác nhận giới tính. Bên cạnh đó, quy định rõ về hội đồng xác định giới tính, chính sách Nhà nước về chuyển đổi giới tính; bổ sung nội dung giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật liên quan khi luật được ban hành...

T.M

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/them-buoc-di-khang-dinh-muc-tieu-dam-bao-quyen-con-nguoi-a380934.html