Thế khó trong hợp tác với Taliban chống IS

Vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall, Nga, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo - Khorasan (IS-K) thừa nhận đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lớn mạnh của tổ chức này. Giờ đây, các nước rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu muốn hợp tác với Taliban ở Afghanistan để chống IS.

Hiện trường vụ đánh bom liều chết do IS-K thừa nhận tại Kerman, Iran. Ảnh: Ilna, Iran

IS-K, chi nhánh của IS ở Afghanistan đang được xem là tổ chức thống trị các hoạt động của IS trên toàn cầu. Theo các chuyên gia chống khủng bố, kể từ năm 2020, IS-K dính líu đến nhiều cuộc tấn công và âm mưu ở Iran, Áo, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan… tất cả đều liên quan đến công dân Tajikistan. Gần nhất, IS-K đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công liều chết ở Kerman, Iran vào tháng 1-2024 tại lễ tưởng niệm tướng Qassem Soleimani, làm ít nhất 84 người chết và gần 300 người bị thương.

Ngược dòng lịch sử, nhiều thành viên Taliban từng ủng hộ IS trong việc chiếm giữ lãnh thổ cũng như thách thức Mỹ cùng các lực lượng phương Tây khác ở Syria và Iraq. Năm 2014, những bất đồng về chính sách, chiến thuật và khả năng lãnh đạo đã khiến al-Qaeda từ bỏ IS, và IS đã giành quyền thống trị trong phong trào thánh chiến toàn cầu kể từ đó. Mối quan hệ chặt chẽ của Taliban với al-Qaeda chỉ khiến IS kiên quyết hơn trong việc thách thức Taliban ở Afghanistan. Sau khi bị đánh bại ở Syria và Iraq, Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của IS.

Thủ lĩnh IS-K Sanaullah Ghafari là người gốc Tajik. Mặc dù bản thân đất nước Tajikistan không phải là điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, nhưng người Tajik lại chiếm tỷ lệ lớn trong IS-K. Ngôn ngữ Tajik và tiếng Ba Tư - ngôn ngữ chính của Iran - có nhiều điểm tương đồng. Nhiều người Tajik cũng nói được tiếng Nga do từng là đất nước thuộc Liên Xô. Hàng triệu công dân Tajik đến Nga mỗi năm với tư cách là lao động thời vụ. IS-K được cho là đã hỗ trợ hoạt động cho các thành viên IS ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nơi khác.

Theo báo chí Mỹ, hiện tại cộng đồng quốc tế có thể nhận thấy sự cần thiết trong hợp tác với Taliban chống IS-K. Cả các quốc gia trong khu vực và các chính phủ phương Tây có lẽ thấy Taliban là tổ chức duy nhất cầm quyền ở Afghanistan và ngăn chặn mối đe dọa IS-K. Taliban hiện cũng đang đơn độc chiến đấu với IS-K, nhưng không có vũ khí công nghệ cao cũng như sự hỗ trợ trên không như Chính phủ Afghanistan trước đây. Để củng cố vị thế của mình, giới lãnh đạo Taliban đã tìm cách hợp tác với các chính phủ khác. Saudi Arabia và Qatar đang hợp tác thận trọng với Taliban, trong khi Pakistan, quốc gia có lịch sử hợp tác phức tạp với Taliban, vẫn tiếp tục tiến hành đối thoại với họ. Taliban cũng đang mời chào Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, những nước đang tìm cách ổn định Afghanistan và có khả năng khai thác tài nguyên khoáng sản ước tính trị giá từ 1.000 đến 3.000 tỷ USD của Afghanistan. Công dân và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và Nga ở Afghanistan trở thành mục tiêu của IS-K.

Tuy nhiên sự hợp tác đang diễn ra của Taliban với al-Qaeda đã tiếp tục ngăn cản sự hợp tác của phương Tây với Taliban chống IS-K. Bên cạnh đó, chính sách hà khắc của Taliban, nhất là đàn áp quyền phụ nữ cũng khiến cộng đồng quốc tế ác cảm. Trong khi đó, việc Taliban đảo ngược chính sách, trở nên cấp tiến hơn có thể buộc nhiều thành viên đào tẩu sang IS-K. Hơn thế nữa, vì đã chiến đấu với Taliban trong hai thập kỷ, việc nối lại quan hệ với Taliban sẽ là một điều khó thuyết phục đối với phương Tây.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-kho-trong-hop-tac-voi-taliban-chong-is-post732861.html