Thế khó của nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK do căng thẳng Mỹ-Trung

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng kế hoạch nâng cấp nhà máy ở Trung Quốc của nhà sản xuất chip SK hynix Inc (Hàn Quốc) có thể gặp trục trặc do bị Mỹ phản đối.

Thế khó của nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix do căng thẳng Mỹ-Trung. Ảnh: Yonhap

Theo hãng tin Yonhap, ngày càng có nhiều lo ngại rằng kế hoạch của nhà sản xuất chip SK hynix Inc (Hàn Quốc) nhằm hoàn tất việc nâng cấp nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất tại Trung Quốc có thể gặp trục trặc do bị Mỹ phản đối.

Đầu tuần qua trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ở Seoul, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai thẳng thắn thừa nhận rằng Washington phản đối nỗ lực của SK hynix khi công ty này có ý định đưa các máy móc tiên tiến đến nhà máy sản xuất chip của họ ở Vô Tích, Trung Quốc.

Bà Katherine nhấn mạnh: “Có sự quan ngại chính đáng về những rủi ro đối với an ninh quốc gia khi công nghệ này được đưa ra nước ngoài”, ngụ ý rằng những thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự và các ngành chiến lược khác của Trung Quốc.

Công nghệ cao được đề cập trên là kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) của công ty Hà Lan ASML Holding, công đoạn cốt yếu để gắn các bóng bán dẫn siêu nhỏ trong các bảng vi mạch làm cho chúng có tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.

Tình trạng khó khăn do cục diện địa chính trị gây ra mà SK hynix gặp phải hoàn toàn trái ngược với kế hoạch mới công bố của công ty Samsung Electronics Co, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, khi quyết định triển khai dự án đầu tư 17 tỷ USD tại Mỹ. Hai ngày sau khi bà Katherine Tai đưa ra bình luận với SK, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới ở bang Texas.

Nhà máy này sẽ sản xuất các chip tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng di động, mạng viễn thông 5G, máy tính hiệu năng cao và trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ EUV để tăng cường lợi thế cạnh tranh của Samsung trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Washington ngay lập tức hoan nghênh thông tin này. Các quan chức Mỹ nói rằng: "Đảm bảo chuỗi cung ứng của Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông", và quyết định này của Samsung sẽ giúp "bảo vệ chuỗi cung ứng của chúng tôi, hồi sinh cơ sở sản xuất của chúng tôi và tạo ra việc làm tốt ngay tại quê nhà".

Samsung đã hợp tác chặt chẽ với ASML từ đầu những năm 2000 để có những đột phá kỹ thuật trong phát triển chất bán dẫn. Samsung đã trở thành một đối tác thân thiết, một nhà đầu tư và cũng là khách hàng của công ty Hà Lan. Samsung đang nắm giữ 1,5% cổ phần của ASML và đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển các giải pháp công nghệ sản xuất chip thế hệ tiếp theo.

Tháng 3/2020, “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc đã trở thành công ty đầu tiên trong ngành công nghiệp chip áp dụng thành công công nghệ EUV trong sản xuất chip DRAM. Tháng trước, công ty này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip DRAM với kích cỡ 14 nanomet (nm), nhỏ nhất trong ngành. Dựa trên công nghệ tiên tiến này, hiệu suất của đĩa bán dẫn (wafer) tăng thêm 20% trong khi giảm mức tiêu thụ điện đi khoảng 20%.

SK hynix, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới sau Samsung và cũng bị xem là người theo sau khi áp dụng công nghệ EUV. Sau khi đưa thiết bị EUV vào nhà máy ở Incheon hồi tháng Hai, công ty cũng bắt đầu sản xuất chip 10 nm dựa trên EUV từ tháng 7/2021.

Giám đốc điều hành SK hynix Lee Seok-hee trong một phát biểu hôm 22/11 cho rằng công ty sẽ phản ứng "khôn ngoan" trước căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cấp cơ sở sản xuất chip tại Trung Quốc. Ông Lee Seok-hee đồng thời nói thêm rằng "vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể áp dụng công nghệ tương tự tại nhà máy Trung Quốc của chúng tôi".

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời người phát ngôn của công ty SK hynix ngày 26/11 cho biết, chưa có cuộc thảo luận nào để đưa thiết bị EUV đến Trung Quốc cũng như không có kế hoạch triển khai công nghệ này ngay lập tức. Người phát ngôn cho SK nhấn mạnh rằng còn quá sớm để nói về một hạn chế từ phía Mỹ (nếu có) đối với kế hoạch nâng cấp nhà máy của hãng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị Giám đốc điều hành của SK hynix được cho là đã nêu vấn đề với giới chức Mỹ trong chuyến thăm của ông hồi tháng Bảy nhằm cân bằng áp lực mà công ty phải xử lý trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao và cuộc chiến thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2020, Chính phủ tiền nhiệm của Mỹ đã vận động thành công Chính phủ Hà Lan ngăn chặn thương vụ bán máy EUV của ASML cho một khách hàng Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Và chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng cho thấy không có ý định đảo ngược chính sách đó.

Bất chấp những chướng ngại bất ngờ, SK hynix đã hoàn tất việc ký hợp đồng 5 năm với ASML vào đầu năm nay để mua thêm khoảng 20 máy EUV, một khoản đầu tư lớn để nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cạnh tranh. SK hynix ước tính sở hữu 2-3 máy EUV, ít hơn nhiều so với số lượng 17-19 máy của Samsung và khoảng 40 máy của Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc)./.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-kho-cua-nha-san-xuat-chip-han-quoc-sk-do-cang-thang-my-trung/223165.html