Thế khó của Google

Từng là biểu tượng tiên phong về công nghệ ở Thung lũng Silicon, Google hiện nay đang thể hiện sự lạc hậu khi phụ thuộc quá mức vào mảng quảng cáo, còn sản phẩm mới chưa nổi trội.

Ngày 6/12, Google ra mắt mô hình AI thế hệ mới mang tên Gemini. Giám đốc điều hành DeepMind, ông Demis Hassabis khẳng định đây là chatbot mạnh nhất của công ty.

Chỉ hai tháng sau, gã khổng lồ tìm kiếm tiết lộ đã xây dựng một phiên bản còn tốt hơn. Theo Google, Gemini 1.5 lớn, nhanh và đi kèm nhiều tính năng hơn phiên bản tiền nhiệm.

Ngày 15/2, trong một bài đăng trên blog dài 1.600 từ, Gemini 1.5 được giới thiệu một cách thú vị với đầy những cuộn phim hấp dẫn, khiến các nhà nghiên cứu AI và báo chí công nghệ đưa tin rầm rộ.

Đi đầu nhưng bị bỏ lại trong cuộc đua AI

Tuy nhiên, hào quang của Gemini và Google chỉ kéo dài vài giờ.

Cuối ngày hôm đó, sau "cơn sốt" mang tên ChatGPT, OpenAI tiếp tục khiến cộng đồng công nghệ toàn cầu dậy sóng khi giới thiệu mô hình Sora có khả năng tạo ra các video ngắn dưới một phút, với độ chân thực cao chỉ bằng vài dòng lệnh.

Trên mạng xã hội X, nhiều người dùng bày tỏ sự kinh ngạc với chất lượng video từ mô hình AI mới. Không chỉ hình ảnh chân thực, nhiều video ngắn còn cho thấy sự mô phỏng vật lý gần với thực tế.

Mô hình Sora của OpenAI khiến Gemini bị lu mờ. Ảnh: OpenAI.

"Đây có thể là khoảnh khắc khiến mọi người phải thốt lên kinh ngạc với AI", Tom Warren, biên tập viên tại The Verge nhận định.

Không chỉ bị lu mờ, nỗ lực của hãng còn nhận gáo nước lạnh. Ngày 23/2, Google tuyên bố tạm dừng khả năng tạo ra hình ảnh con người của Gemini sau khi công cụ vẽ những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử.

Một số người dùng yêu cầu Gemini tạo hình ảnh của các nhóm hoặc nhân vật lịch sử như nhà khai quốc Mỹ. Kết quả, AI trả về hình ảnh những người không phải da trắng.

Điều đó dẫn đến các thuyết âm mưu rằng Google đang cố tình tránh mô tả người da trắng, đi ngược lại thực tế lịch sử.

“Đó là cơn ác mộng PR đối với công ty. Nhân viên của Google đang tức giận", một nguồn tin nội bộ tiết lộ với Business Insider.

Từ năm 2016, CEO Sundar Pichai đã mô tả Google là công ty đi đầu về AI. Tuy nhiên, cho đến nay, ông lớn công nghệ này vẫn gặp khó khăn trong việc biến những nghiên cứu nền tảng của mình thành các sản phẩm gây ấn tượng.

Có một sự thật là Google đã nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong hơn một thập kỷ. Thậm chí, hãng còn lặng lẽ kết hợp AI vào Tìm kiếm, sản phẩm quảng cáo và đề xuất video trên YouTube.

Google đã mua lại DeepMind, startup tiên phong về AI trong một cuộc đấu giá bí mật được đánh giá là rất khốc liệt vào năm 2014. Đến năm 2017, công ty đã xuất bản một bài nghiên cứu mang tính đột phá giới thiệu cách nhanh và hiệu quả hơn để AI phân tích thông tin.

Bài nghiên cứu này có ảnh hưởng lớn đến mức chính OpenAI đã sử dụng nó làm nền tảng cho ChatGPT sau này.

Vài ngày sau khi ra mắt, Gemini có sai sót nghiêm trọng khi tạo ra các hình ảnh liên quan đến lịch sử. Ảnh: Android Police.

Tất cả đều cho thấy Google chính là một trong những ông lớn đầu tiên tỏ ra nhanh nhạy về triển vọng của AI. Tuy nhiên, làm sao mà một gã khổng lồ công nghệ lại có thể để một startup nhỏ như OpenAI bỏ lại đằng sau?

Một phần câu trả lời có thể nằm ở khả năng chấp nhận rủi ro của Google. Theo Caesar Sengupta, cựu phó chủ tịch Google, nói rằng công ty lo ngại việc phát hành các sản phẩm AI tạo sinh có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội với công chúng nếu chúng có sai sót.

Một kịch bản tương tự cũng xảy ra với trợ lý giọng nói. Cụ thể, theo hai nguồn tin nội bộ của dự án, Google lo ngại việc trở thành công ty đầu tiên tung ra một sản phẩm như Google Mic vốn tiềm ẩn nhiều vấn đề đau đầu về quyền riêng tư.

Cuối cùng, Alexa của Amazon mới là kẻ ra mắt đầu tiên, trong khi Google bị bỏ lại ở vị trí thứ hai.

Gã khổng lồ tìm kiếm có lý do chính đáng để thận trọng, vì sự bối rối của người dùng đối với những công nghệ mới đã được thể hiện rõ ràng.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Google phải giữ lại các sản phẩm mà họ mới là người sẵn sàng phát hành đầu tiên và để các đối thủ làm điều đó.

Khó lạc quan về tương lai

Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Google, nói hơn một năm trước rằng công ty sẽ cắt giảm khoảng 12.000 công việc, tương đương 6% nhân sự.

Văn phòng Google tại Massachusetts, nơi bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải hồi tháng 1. Ảnh: New York Times.

Kể từ đầu tháng 1 năm nay, công ty đã cắt giảm hơn 1.000 công việc, ảnh hưởng các bộ phận như bán quảng cáo, YouTube và sản phẩm trợ lý điều khiển bằng giọng nói.

Các nhân viên nói rằng văn phòng trở nên u ám hơn. Trong khi công ty cố gắng đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo để cạnh tranh với các đối thủ như Microsoft và OpenAI, một số nhân sự từng giúp tạo dựng nên công nghệ của Google cảm thấy bị ghẻ lạnh.

"Nhiều tòa nhà chỉ còn trống một nửa vào 4h30 (chiều)", Hirsh Theriault viết trong một bài đăng trên LinkedIn. "Tôi biết rất nhiều người, bao gồm cả tôi, từng hạnh phúc được làm thêm giờ vào buổi tối hoặc cuối tuần chỉ cho xong việc hoặc chỉ cho vui. Những ngày đó đã qua".

Được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Google vào năm 2015 và Alphabet vào năm 2019, Sundar Pichai đã chứng tỏ mình là một CEO mạnh mẽ trong “thời bình” của công ty.

Ông làm việc hiệu quả và kiên định, bảo vệ tốt mảng kinh doanh tìm kiếm của Google và giỏi dung hòa quan hệ với các cơ quan quản lý.

Dưới trướng ông, cổ đông nhận rất nhiều lợi ích. Vốn hóa thị trường của Google hiện ở mức khoảng 1.700 tỷ USD, tăng từ mức hơn 400 tỷ USD vào năm 2015 khi Pichai tiếp quản.

Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi thay thế CEO Sundar Pichai vì để Google tụt lại sau cuộc đua AI. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, vấn đề là 80% doanh thu của Alphabet vẫn đến từ quảng cáo, mà phần lớn trong số đó đến loại quảng cáo văn bản đơn giản đã xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của Google kể từ đầu thiên niên kỷ.

Trong khi công ty gặp khó khăn về việc đa dạng hóa sản phẩm, nỗi lo về phải tăng chi tiêu tiền mặt ngày càng gia tăng.

Tại Google, những dự án triển vọng rủi ro được xem xét với thái độ hoài nghi, đặc biệt là nếu chúng không phục vụ việc bán quảng cáo.

“Google không thể thoát khỏi con đường riêng của mình vì quá cố chấp trong việc bảo vệ những gì họ có”, một cựu giám đốc giấu tên chia sẻ với Business Insider.

Trong thập kỷ qua, có rất ít sản phẩm thành công đáng chú ý của Google được tung ra thị trường. Ngược lại, hãng đã "khai tử" rất nhiều sản phẩm từ kính thực tế tăng cường cho đến những bước đột phá ngắn hạn vào lĩnh vực chơi game.

Ngay cả các sản phẩm cốt lõi cũng bị tụt hậu đáng kể. Người dùng từ lâu đã phàn nàn, bên cạnh các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra sự suy giảm về chất lượng kết quả tìm kiếm của Google. Sự xuất hiện của những mô hình như AI như ChatGPT chỉ càng làm tồi tệ hơn tình hình.

Theo nhà phân tích Mark Shmulik, vẫn chưa thể nói rằng Google Tìm kiếm đã chết hay bị Generative AI thay thế, cho đến khi người dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng khác

Nhưng điều đó có thể đến sớm hơn bạn tưởng. Gartner gần đây đã dự đoán rằng tìm kiếm truyền thống sẽ giảm 25% vào năm 2026 do AI lên ngôi.

Nếu không sớm có những đột phá, kỷ nguyên ông hoàng tìm kiếm của Google sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Ảnh: The Verge.

Tình cảnh của Google hiện nay có thể gợi nhắc về Microsoft dưới thời CEO Steve Ballmer, khi hãng đã bỏ lỡ trào lưu smartphone, Tìm kiếm, làn sóng điện toán đám mây và lần lượt bị Apple, Google và Amazon vượt qua.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của CEO hiện tại là Satya Nadella, Microsoft đã thực hiện một bước chuyển mình ngoạn mục mà tiêu biểu là sự hợp tác với OpenAI.

Theo nhà phân tích Ben Thompson, Google đang cần một màn cải tổ, tức là loại bỏ những người khiến công ty “hóa điên”, kể cả Giám đốc điều hành Sundar Pichai. Nhận định của ông được nhân viên Google và những người khác ở Thung lũng Silicon lan truyền rộng rãi.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-kho-cua-google-post1464644.html