Thế khó của CSTO

Các diễn biến thời gian qua cho thấy Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đang đối mặt với nhiều thách thức ở cả trong và ngoài khối.

Thái độ của Kyrgyzstan và Armenia về tập trận chung của CSTO cho thấy một số thay đổi đáng chú ý. (Nguồn: Twitter)

Thái độ của Kyrgyzstan và Armenia về tập trận chung của CSTO cho thấy một số thay đổi đáng chú ý. (Nguồn: Twitter)

Ngày 9/10, Kyrgyzstan thông báo đã đơn phương hủy bỏ cuộc tập trận chỉ huy và tham mưu chung của CSTO, dự kiến diễn ra 1 ngày sau đó tại nước này, song không nêu rõ lý do.

Trước đó, cuối tháng 9, Armenia, một thành viên khác của CSTO từ chối tham gia cuộc tập trận mang tên “Tình anh em bền vững 2022” nêu trên.

Ngay sau đó, ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Armenia có quyền không dự tập trận. Song việc hai nước thành viên CSTO bất ngờ bỏ tập trận chung của khối chỉ trong thời gian ngắn đã để lại một số điểm đáng chú ý.

Vậy đâu là lý do đằng sau câu chuyện này?

Năm 2022 đầy thách thức

Trước hết, năm 2022 không phải quãng thời gian dễ dàng cho CSTO. Cụ thể, 4/6 nước thành viên của khối đã vướng vào xung đột, trong đó có xung đột giữa hai nước thành viên, Kyrgyzstan và Tajikistan. Armenia và Azerbaijan tiếp tục đụng độ quân sự giữa tháng Chín, trong khi xung đột Nga-Ukraine vẫn là bài toán nan giải. Những ngày đầu tháng Giêng, Kazakhstan cũng đối mặt hàng loạt cuộc bạo loạn, khiến 227 người thiệt mạng. Trong khi đó, Belarus gần đây đã tỏ ra cảnh giác trước nguy cơ xung đột Nga-Ukraine có thể lan sang lãnh thổ mình.

Quan trọng hơn, đó là phản ứng của CSTO trước các sự kiện này. Là tổ chức an ninh khu vực, CSTO được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho nước thành viên, ít nhất là trong nội bộ khối. Tuy nhiên, phản ứng của CSTO từ đầu năm 2022 tính đến nay dường như chưa khiến Armenia và Kyrgyzstan thuyết phục.

Đáng chú ý, một số phương tiện truyền thông và quan chức của Yerevan, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan, đã bày tỏ quan ngại trước lập trường của CSTO trước xung đột giữa nước này và Azerbaijan giữa tháng 9 vừa qua. Dư luận nước này cho rằng khối đã không hành động đủ: Thay vì cử Lực lượng Phản ứng Nhanh Tập thể tới để lập lại hòa bình hay kích hoạt Điều 4 về tự vệ tập thể, CSTO chỉ điều một phái bộ đến theo dõi, giám sát biên giới Nagorno-Karabakh.

Tương tự, đụng độ quân sự giữa Kyrgyzstan-Tajikistan là xung đột nghiêm trọng nhất tại Trung Á kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, khiến 62 người thiệt mạng, 198 người bị thương. Kyrgyzstan chỉ trích Tajikistan đã “gây chiến”, còn Dushanbe nói Bishkek mới là bên gây hấn và vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Tuy nhiên, CSTO chỉ bày tỏ thái độ quan ngại và nhấn mạnh sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải. Trước đó, ngay cả khi lực lượng của Kyrgyzstan và Tajikistan đụng độ hồi tháng 4/2021, cùng lúc diễn ra Thượng đỉnh CSTO tại Dushanbe, tổ chức này cũng không đề cập các giao tranh cách đó chỉ 300 km.

Ít lâu sau khi đơn phương hủy tập trận, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kyrgyzstan Edil Baisalov đã nói Bishkek “không có vấn đề gì với tổ chức (CSTO)”, song nhấn mạnh rằng đất nước Trung Á này “chưa nguôi ngoai” sau những gì diễn ra ở biên giới.

Bài toán từ bên ngoài

Thêm vào đó, Trung Á giờ đây đang chứng kiến tầm ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc và nhận được sự quan tâm nhất định từ Mỹ.

Thực tế cho thấy mặc dù vẫn duy trì quan hệ an ninh - quốc phòng chặt chẽ với Nga và CSTO, song một số nước Trung Á không còn coi Nga là đối tác số 1 trong lĩnh vực kinh tế.

Đơn cử là Kazakhstan. Mặc dù có 1/3 dân số gốc Nga và có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, song giờ đây Nur Sultan lại coi Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất. Kazakhstan chủ trương thu hút đầu tư từ Trung Quốc để phát triển kinh tế. Đổi lại, Trung Quốc đặc biệt coi trọng vị trí địa lý và nguồn tài nguyên dồi dào của Kazakhstan.

Trong bối cảnh đó, hợp tác kinh tế Trung Quốc-Kazakhstan đã “nở rộ” thời gian qua: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 là 18,2 tỷ USD, chiếm tới 25% tổng kim ngạch thương mại Kazakhstan. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã là 11,26 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với cam kết của lãnh đạo hai nước trong cuộc gặp tháng 9/2022, hợp tác kinh tế song phương chắc chắn sẽ không dừng lại tại đây.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang hiện diện thường xuyên hơn tại Trung Á, khu vực thường được coi là thuộc tầm ảnh hưởng của Nga. Chỉ ít lâu sau khi xung đột Armenia-Azerbaijan bùng phát trở lại, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thăm Yerevan và bày tỏ rõ lập trường đứng về phía Armenia.

Ít lâu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiếp người đồng cấp Suren Papikyan để thảo luận về xung đột này. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng điện đàm ba bên với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan với nội dung tương tự.

Tầm ảnh hưởng về kinh tế từ Trung Quốc, sự quan tâm mới của Mỹ tại Trung Á, cùng thái độ “lạ” của một số nước thành viên chắc chắn là tín hiệu đáng ngại mà CSTO nói chung, Nga nói riêng khó có thể bỏ qua.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-kho-cua-csto-201833.html