“Thẻ học nghề” cho bộ đội xuất ngũ

“… Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ''Về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề''. Theo đó quân nhân xuất ngũ, có nguyện vọng học nghề sẽ được cấp “Thẻ học nghề”... Ông Đào Văn Tiến, Chánh văn phòng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định với chúng tôi sáng 21-8.

Chính phủ ưu tiên việc dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ Ngày 18-2-2009, Thường trực Chính phủ cùng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng… họp bàn về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngày 23-2-2009, trong kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý đến việc triển khai dạy nghề theo cơ chế đặt hàng đối với bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề. Theo đó, đối với bộ đội xuất ngũ (BĐXN) học nghề có trình độ sơ cấp và ở cơ sở dạy nghề thường xuyên được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tương đương 12 tháng tiền lương tối thiểu để tự lựa chọn cơ sở học nghề. Nhà nước thanh toán cho cơ sở dạy nghề khoản chi phí đào tạo này theo “Thẻ học nghề”. Tại buổi làm việc sáng 21-8, ông Đào Văn Tiến, Chánh văn phòng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho chúng tôi biết: Ngay sau khi nhận được kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng dự thảo Quyết định ''Về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề” trình Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, dự thảo đã được các bộ, ngành có liên quan thống nhất các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ như sau: Đối với trường hợp BĐXN học nghề ở trình độ sơ cấp: Mỗi người được cấp một “Thẻ học nghề”. “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức Nhà nước tại thời điểm học nghề. “Thẻ học nghề” có giá trị sử dụng trong thời hạn một năm kể từ ngày cấp. Thẻ được cấp cho bộ đội trước khi xuất ngũ để nộp cho cơ sở dạy nghề khi tham gia học nghề. Nhà nước thanh toán chi phí cho cơ sở đào tạo dựa trên 3 căn cứ: “Thẻ học nghề”, chứng chỉ nghề, chi phí đào tạo thực tế của nghề học, nhưng tối đa không quá giá trị theo quy định của “Thẻ học nghề”. Trong trường hợp chi phí thực tế của nghề học thấp hơn giá trị của “Thẻ học nghề” người học nghề không được nhận phần chênh lệch còn lại. Trường hợp chi phí thực tế của nghề học cao hơn giá trị của “Thẻ học nghề”, người học phải tự chi trả phần kinh phí chênh lệch này. “Thẻ học nghề” sử dụng không đúng quy định sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của Pháp luật… “Thẻ học nghề” là chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khuyến khích BĐXN học nghề, không ảnh hưởng đến các chế độ, chính sách mà BĐXN đang được hưởng theo Luật Nghĩa vụ quân sự (như hỗ trợ phụ cấp 6 tháng học nghề, miễn giảm học phí học nghề tại một số địa phương, cơ sở đào tạo)-Ông Tiến khẳng định. “Thẻ học nghề” là cần thiết Trực tiếp trao đổi với một số cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài quân đội, chỉ huy một số đơn vị, gia đình và quân nhân, chúng tôi đều nhận được sự đồng tình với dự thảo trên. Thượng tá Lê Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm - Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên vui mừng cho chúng tôi biết: “Đây là chính sách đúng đắn và cần thiết nhằm hỗ trợ cho BĐXN được đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chính sách “Hậu phương quân đội”, khuyến khích thanh niên hăng hái nhập ngũ…”. Anh Thanh cũng cho biết, theo chính sách hiện hành, BĐXN thường nhận được tiền hỗ trợ học nghề ngay khi ra quân. Nhưng thực tế, vì nhiều lý do, số tiền hỗ trợ trên thường được chi tiêu không đúng mục đích. Đặc biệt, các gia đình BĐXN có hoàn cảnh khó khăn thì việc tiếp cận với các cơ sở đào tạo nghề là rất khó. Với “Thẻ học nghề”, BĐXN sẽ có điều kiện hơn trong việc học nghề và lựa chọn nghề để học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người. “Hiện tại, Trung tâm đã có kế hoạch phối hợp với chỉ huy nhiều đơn vị, tổ chức tuyên truyền, định hướng học nghề cho đối tượng quân nhân chuẩn bị xuất ngũ” – Anh Thanh cho biết. Theo đồng chí Đào Văn Tiến, dự thảo sẽ được Thủ tướng thông qua trong năm nay và sẽ được triển khai từ đầu năm 2010. Theo đó, giai đoạn đầu, việc đào tạo nghề sẽ do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện. Bộ Quốc phòng cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc in, cấp và quản lý “Thẻ học nghề”; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề cho BĐXN xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề, từng cấp trình độ theo quy định của pháp luật; quy định trình tự, thủ tục đăng ký học nghề cho BĐXN; tổ chức dạy nghề cho BĐXN thông qua các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định; hằng năm, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ BĐXN học nghề… Qua trao đổi với chỉ huy một số đơn vị và cơ sở đào tạo nghề trong quân đội, chúng tôi cũng nhận được ý kiến chung cho rằng: Việc giao cho các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đào tạo nghề cho BĐXN theo “Thẻ học nghề” là hoàn toàn hợp lý. Bởi đến nay, hầu hết các cơ sở dạy nghề trong quân đội đều có đủ năng lực đào tạo được 7 nghề trình độ cao đẳng; 18 nghề trình độ trung cấp; 4 nghề trình độ sơ cấp… Về đối tượng và quy trình thực hiện việc cấp “Thẻ học nghề” cho BĐXN sau khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, ông Đào Văn Tiến cho biết: “Tất cả quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định, có nhu cầu học nghề (trừ các trường hợp đăng ký dự thi đại học, cao đẳng theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục – Đào tạo), đều có thể làm đơn xin cấp “Thẻ học nghề”. Yêu cầu trong đơn ghi rõ nhu cầu học nghề và lựa chọn cơ sở đào tạo. Là người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo, tôi tin rằng, với chủ trương này của Chính phủ, tỷ lệ BĐXN đăng ký tham gia đào tạo nghề sẽ tăng cao, góp phần tích cực giải quyết vấn đề thiếu lao động có tay nghề như hiện nay”. Hiện tại, Bộ Quốc phòng có 26 cơ sở dạy nghề, trong đó có 2 trường cao đẳng nghề; 16 trường trung cấp nghề và 8 trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm .Trong 3 năm (2006-2008), Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ các cơ sở dạy nghề 84 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ: 62,5 tỉ đồng; hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng chính sách: 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy: Mức kinh phí ngân sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề hằng năm vẫn thấp so với nhu cầu kinh phí để đảm bảo hoạt động đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Trịnh Phú Sơn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/22/22/86964/Default.aspx