Thế hệ Millennials đang chìm trong nợ nần

Các ngân hàng liên tục đưa ra các ưu đãi tín dụng tiêu trước trả sau, khách hàng của họ là những người trẻ trong độ tuổi 22-35. Điều này đã tạo ra một thế hệ nợ nần.

Nhờ có các chương trình ưu đãi tín dụng, "vay trước trả sau" mà nhiều người trẻ dễ dàng mua được các món hàng hiệu vượt quá khả năng chi trả của họ. Ảnh: VnEconomy.

Mười lăm năm trước, tôi gia nhập Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia (CBA) và hợp tác mật thiết với cả hai đội Internet banking và marketing thị phần người trẻ khi chúng tôi phát triển hệ thống mobile banking và chiến lược thanh toán cho ngân hàng này.

Chúng tôi xem xét cách công nghệ di động sẽ cách mạng hóa sự tương tác của con người với ngân hàng thế nào và, cụ thể, dân số Thế hệ Millennials đang nổi lên, họ có những kỳ vọng khác ra sao về thế giới và vị trí của họ trên thế giới.

Thông qua di sản của CBA và sự cam kết không ngừng về am hiểu tài chính, ngân hàng này nắm giữ cơ sở khách hàng là người trẻ lớn nhất so với bất kỳ loại hình tổ chức nào khác tại Australia và họ hiểu rất rõ điểm này. Tôi còn nhớ các tổ chức lớn khác trong các ngành khác đã tìm đến ngân hàng này để học cách đạt được thành công thông qua các chương trình dành cho người trẻ.

Trong khi các ngân hàng khác nhắm tới thị trường người trẻ khi họ ra trường và bắt đầu làm ra tiền, CBA lại đầu tư mạnh vào tài chính toàn diện (financial inclusion) và các chương trình giáo dục ở những mặt mà khả năng sinh lợi của khách hàng vẫn còn bỏ ngỏ.

Với kiến thức thương mại của mình, tôi tự đặt câu hỏi tại sao ngân hàng này lại đầu tư thu hút các khách hàng không lợi nhuận? Câu trả lời là, “Vì một ngày nào đó họ sẽ sinh lợi, và sự trung thành chúng tôi có được khi đầu tư vào họ hôm nay sẽ một ngày nào đó trở lại với chúng tôi dưới dạng những mối quan hệ trung thành và sinh lợi”.

Chính giây phút đó tôi bỗng cảm thấy tò mò, thích thú và ám ảnh về Thế hệ Millennials. Cuộc hội ngộ của thay đổi hành vi và công nghệ kỹ thuật số với nhóm dân số này sẽ tạo ra đột phá thế giới về mặt kinh tế theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy ở các thế hệ trước.

Giờ đây, chúng ta sẽ bàn đến sức mạnh kinh tế của Thế hệ Millennials về các mặt năng lực tạo thu nhập, năng lực đầu tư và sức chi tiêu, cũng như tác động và ảnh hưởng đi kèm.

Để hiểu được giá trị tương đối của dân số Thế hệ Millennials so với giá trị của toàn dân trong một quốc gia, tôi tạo ra một phép đo mà tôi gọi là Giá trị kinh tế bình quân (average economic value - AEV).

AEV là một phép đo về năng lực kinh tế được xác định bằng tổng giá trị cân đối của cả hai quỹ tiền gửi và nợ phải thu với một thể chế tài chính được thể hiện theo đồng USD Mỹ. Để phân tích giá trị này, tôi đã nghiên cứu 6.078 người thuộc Thế hệ Millennials tại 15 quốc gia trên toàn châu Mỹ, châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Trung bình tại 15 quốc gia này, giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials đạt 70% giá trị kinh tế bình quân của tất cả các nhóm tuổi, nghĩa là họ đã là một thế hệ có giá trị.

Nếu sử dụng phép đo năng lực này, giá trị của họ sẽ chỉ tăng lên và giá trị kinh tế bình quân của thế hệ này sẽ vượt qua giá trị kinh tế bình quân của các nhóm khác.

Chúng ta có thể kỳ vọng năng lực kinh tế của Thế hệ Millennials sẽ tăng lên theo thời gian khi họ tích lũy tiết kiệm và tăng nợ. Tuy nhiên, nợ nần lại trở thành một vấn đề lớn. Đối với Thế hệ Millennials, nợ chiếm 41% giá trị kinh tế bình quân của họ, so với 34% tổng bình quân thị trường. Phần nhiều giá trị kinh tế của người thuộc Thế hệ Millennials là do nợ cấu thành.

Ở cấp độ quốc gia, ta thấy mức độ phân bố rộng giữa giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials, so với giá trị trung bình tương ứng trên toàn dân. Tại một số đất nước, giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials đã vượt giá trị trung bình của toàn dân.

Ví dụ, tại Trung Quốc, giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials vượt giá trị kinh tế bình quân của toàn dân là 22%. Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn sẽ thấy Thế hệ Millennials tại Trung Quốc dùng nợ để chi phối giá trị kinh tế bình quân của họ (42%), khi so với nợ bình quân trên toàn dân (31%).

Đây cũng là hiện trạng ở Pháp, với giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials bằng giá trị trung bình của toàn dân. Tuy nhiên, 51% giá trị kinh tế bình quân của thế hệ này là do nợ cấu thành, so với 35% trong giá trị kinh tế bình quân của toàn dân.

Tại Australia và Anh, giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials nằm trong khoảng 5% giá trị kinh tế bình quân của toàn dân, khiến thế hệ này trở thành thị phần mà các tổ chức ưu tiên nhắm tới. Cũng như Thế hệ Millennials tại Pháp, thế hệ này tại Australia và Mỹ có nợ chiếm khoảng một nửa giá trị kinh tế bình quân (lần lượt 47% và 50%); tỷ lệ này thấp hơn đối với Thế hệ Millennials tại Anh với nợ chiếm khoảng 35% giá trị kinh tế bình quân.

Tại Canada, mặc dù giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials bằng 71% giá trị kinh tế bình quân của toàn dân, nhưng họ có tỷ lệ nợ trong giá trị kinh tế bình quân cao nhất (57%) trong 15 quốc gia được nghiên cứu. Thế hệ Millennials tại Singapore, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ai Cập có nhiều tiền gửi hơn đáng kể trong tổng giá trị kinh tế bình quân và ít lệ thuộc nợ hơn.

Nhìn vào phần tiền gửi, có thể thấy tại 15 quốc gia được nghiên cứu, Thế hệ Millennials có lượng tiền gửi đạt 62% tiền gửi trung bình nắm giữ bởi toàn dân, trái với quan niệm cho rằng Thế hệ Millennials không giỏi tiết kiệm.

Ở cấp độ quốc gia, Thế hệ Millennials tại Trung Quốc nắm giữ nhiều tiền gửi hơn mức trung bình trên toàn dân.

Tại Úc và Anh, lượng tiền gửi của Thế hệ Millennials đạt 84% trung bình toàn dân. Như vậy có thể thấy tầm quan trọng ngày càng tăng về giá trị kinh tế của Thế hệ Millennials tại các quốc gia này.

Cách biệt lớn nhất giữa tiền gửi trung bình của Thế hệ Millennials so với tiền gửi trung bình của toàn dân là ở Singapore là 71%, tiếp theo là Mỹ với cách biệt 66%.

Quan sát giá trị kinh tế bình quân của Thế hệ Millennials so với toàn dân tại nhiều quốc gia khác nhau, có thể kết luận rằng năng lực kinh tế ngày càng lớn của thế hệ này và các ảnh hưởng đi kèm tác động đến cách chúng ta nên nghĩ về chính sách kinh tế, thị trường tài chính và xã hội. Thế hệ Millennials là sản phẩm của thời đại kinh tế. Cần giải nghĩa giá trị kinh tế bình quân của thế hệ này và xem xét ảnh hưởng của nó đối với tích lũy tài sản cũng như tiêu sản.

Rocky Scopelliti/ Best Books và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-he-millennials-dang-chim-trong-no-nan-post1463707.html