Thế hệ doanh nhân kế nghiệp và câu chuyện đưa thương hiệu ra thế giới

Đồng Nai là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội. Từ mảnh đất Đồng Nai, với sự nỗ lực, nhiều DN đã ra đời, phát triển lớn mạnh và từng bước vươn ra tầm quốc gia, quốc tế.

Doanh nhân Trương Quốc Cường (Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai, bìa trái) giới thiệu sản phẩm với các đối tác khi tham quan nhà máy

Với các doanh nhân độc lập khởi nghiệp, chặng đường trải qua rất chông gai, áp lực nhưng đối với các doanh nhân nối nghiệp trên nền tảng kinh doanh ban đầu của gia đình, áp lực lại càng tăng hơn. Để giữ gìn và phát huy, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, họ cũng đã có rất nhiều nỗ lực, nhiều trăn trở trong mỗi chặng đường đi của DN.

Đưa DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Xác định tư duy làm ăn lớn, mạnh dạn đổi mới công nghệ, làm đúng quy chuẩn sản xuất tiên tiến, kể cả từ con ốc vít trở đi, là giải pháp mà Giám đốc Công ty TNHH Tương lai (H.Long Thành) Trương Quốc Cường thực hiện để đưa sản phẩm của DN mình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty của ông Cường tiền thân là một HTX cao su từ những năm 1980-1990 do cha ông làm chủ nhiệm, chuyên sản xuất theo kế hoạch các sản phẩm như: vỏ, ruột xe và một số mặt hàng kim khí điện máy... Sau này, HTX làm ăn khó khăn, rút lại quy mô sản xuất thành xưởng nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng.

Tiếp quản cơ sở sản xuất của cha từ năm 2000, sau khi đi “tu nghiệp” làm việc cho nhà máy sản xuất xe máy thuộc Tập đoàn SYM, ông Cường sản xuất và bán các sản phẩm linh kiện nhỏ cho xe máy. Khi thị trường xe máy trong nước bắt đầu bùng nổ với nhiều hãng lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc “nhảy” vào thì ông sản xuất túi đồ nghề kèm theo xe, bao gồm các sản phẩm cơ khí đơn giản như: cờ lê, mỏ lết, tuốc nơ vít… để cung cấp cho thị trường.

Dần dần, ông Cường đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn từ nhựa, cao su, tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và thậm chí trở thành một trong số ít DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng đi Nhật Bản. Hiện mỗi năm DN sản xuất được 2 triệu sản phẩm, linh kiện. Hơn 80% trong số đó là tiêu thụ nội địa với đối tác là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp và một số nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, xe ô tô, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đầu tư cho công nghệ hiện đại là giải pháp mà ông Cường nỗ lực thực hiện để nâng tầm DN của mình. Hàng trăm tỷ đồng được ông đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng và DN đang từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ.

“Để có thể tham gia và hội nhập với thế giới, không thể giữ tư duy sản xuất cũ, mà phải liên tục đổi mới, đổi mới và đầu tư để đạt các quy chuẩn mà đối tác đặt ra. Công nghệ thôi chưa đủ, con người vẫn là nhân tố quan trọng nhất. Khi có đủ năng lực thực sự, nhân viên của công ty có thể dễ dàng tiếp nhận những kỹ thuật, xu hướng mới trong quá trình sản xuất, từ đó tạo nên sản phẩm chất lượng hơn” - vị giám đốc này chia sẻ.

Định hình từ thương hiệu găng tay cao su

Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) xuất phát điểm là một xưởng sản xuất gia đình. Thành lập năm 1998, DN chuyên sản xuất dây thun, dần dần phát triển thêm các sản phẩm mới, trong đó có găng tay.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, chuyên ngành Polymer của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, ông Lê Bạch Long về làm cho công ty của gia đình và trở thành Giám đốc Công ty Nam Long từ năm 2006.

Doanh nhân Lê Bạch Long (Giám đốc Công ty TNHH Nam Long, bìa trái, hàng trước) giới thiệu sản phẩm với đối tác nước ngoài

Học đúng ngành sản xuất của gia đình, sau khi về làm việc cho công ty, ông Long đã cho cải tiến và đưa thêm nhiều máy móc, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất. Thời điểm đó, sản lượng cung cấp ra thị trường của Nam Long mới đạt gần 4 triệu đôi găng tay/năm. Đến 2016, con số này tăng lên 25 triệu đôi, gấp hơn 6 lần trong vòng 10 năm. Đến nay, sản phẩm DN cung ứng ra thị trường đến 50 triệu đôi găng tay cao su, tăng khoảng 7%/năm.

Ông Lê Bạch Long lấy phương châm hoạt động là “Mong muốn trở thành bạn đồng hành thân thiết của các nhà nội trợ và các công ty thủy sản hàng hải” để xây dựng thương hiệu của mình. Ngoài các công ty thủy sản, Nam Long còn sản xuất găng tay sử dụng trong gia đình để bán cho thị trường trong và ngoài nước. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chính của DN này với khoảng 30% sản lượng, do có khí hậu lạnh, nhu cầu dùng găng tay khi làm việc nhà khá nhiều. Việc xuất khẩu, theo ông Long, chủ yếu là để nâng cao tay nghề của công nhân.

Không chỉ giỏi điều hành DN của mình, hiện ông Lê Bạch Long còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Là một trong những hội DN chủ lực ở địa phương, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đang nỗ lực mở rộng hội viên của mình, xây dựng thêm các chi hội trực thuộc tại các huyện, thành phố. Nhiều năm qua, hội trở thành cánh tay đắc lực, cầu nối giữa chính quyền và DN trong việc hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển.

Trong các buổi tiếp xúc với cộng đồng DN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định Đồng Nai sẽ luôn nỗ lực để đồng hành cùng DN, tạo sự phát triển bền vững cho địa phương. Sự thành công của DN cũng là sự thịnh vượng chung của tỉnh nên việc chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố liên quan nhằm thu hút đầu tư là rất quan trọng.

Giám đốc 9X với khát vọng “vươn ra biển lớn”

Thuộc thế hệ 9X, sau một thời gian thử thách trên thương trường, đủ kinh nghiệm, anh Nguyễn Tấn Lộc về tiếp quản một bộ phận quan trọng trong DN của gia đình. Dưới sự điều hành của mình, anh đã góp phần đưa Công ty CP Kết cấu thép GSB phát triển thành một trong những đơn vị hiếm hoi trên địa bàn Đồng Nai có thể thực hiện được những dự án, công trình xây dựng kết cấu thép lớn, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Theo anh Lộc, tiềm năng, cơ hội cho ngành kết cấu thép ở Việt Nam hiện rất lớn do nhu cầu bùng nổ, nhưng ngoài một vài đơn vị, tập đoàn, tổng công ty lớn, truyền thống thì hầu hết các DN trong ngành quy mô còn nhỏ. Mong muốn của anh là sẽ đưa DN của mình trở thành tổng thầu lớn về xây dựng và kết cấu thép không chỉ tại Việt Nam, mà còn vươn ra thế giới.

GSB là một đơn vị thành viên của Công ty TNHH Xây dựng Võ Đắc. Võ Đắc khởi sự từ năm 2003, thời điểm ấy ngành xây dựng phát triển khắp cả nước với nhịp độ sôi nổi và đầy hứa hẹn. Sau nhiều biến động và bước phát triển thăng trầm của thị trường, đến nay Võ Đắc tự hào đã hoàn thành gần trăm dự án lớn nhỏ trong nước với nhiều đối tác uy tín và lớn mạnh. Các công trình của Võ Đắc đã và đang tiếp tục được sử dụng, phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất của các DN.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Tấn Lộc (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kết cấu thép GSB, thứ 6 từ trái sang) ngoài điều hành sản xuất, kinh doanh giỏi, còn là người thường xuyên có nhiều hoạt động thiện nguyện

Năm 2011, để mở rộng quy mô và hoạt động sang lĩnh vực kết cấu thép, nhà tiền chế, Công ty CP Kết cấu thép GSB ra đời, hoạt động có sự độc lập với Võ Đắc. Nhà máy sản xuất kết cấu thép nằm trong khuôn viên 6ha tại Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Với năng lực sản xuất 16 ngàn tấn kết cấu thép/năm, tương đương 1 triệu m2 nhà xưởng, công ty đủ năng lực đảm nhận các dự án công nghiệp từ lớn đến rất lớn trên cả nước. Lẽ dĩ nhiên, là người đứng đầu, thành quả này đặc biệt quan trọng, nhất là với một người còn rất trẻ khi điều hành DN.

Anh Lộc cho hay, những người tiếp nối sự nghiệp gia đình như anh còn áp lực lớn hơn so với các doanh nhân tự lập. Bởi họ thừa hưởng thành quả cha mẹ để lại, nhiệm vụ của họ là làm sao giữ vững, phát huy để đưa DN tiến lên một tầm cao hơn. Không những thế, khi đã hội nhập với thế giới sâu rộng, cuộc chơi là sòng phẳng, DN chỉ tồn tại được khi có năng lực và dám đổi mới. Ngay cả những thương hiệu lớn, nếu đi sai đường, không phù hợp thị hiếu, nhu cầu của khách hàng thì cũng đổ gãy. Hàng loạt tên tuổi đến và đi, thành công rồi thất bại trên thương trường đã cho thấy điều đó. Vị giám đốc trẻ này nhận định, thành quả hôm nay không đảm bảo để DN tiếp tục được sự phát triển trong tương lai nếu không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Bởi thế, việc học hỏi kinh nghiệm, liên tục cải tiến là bài học nằm lòng của bất cứ mỗi doanh nhân nào.

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đồng Nai đã ban hành các kế hoạch, nghị quyết để hỗ trợ DN từ nay đến năm 2030.

Một số chỉ tiêu phấn đấu là đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đến năm 2030 đạt khoảng 62,8%. Tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tối thiểu 20%; có 40%/tổng số DN thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, DN Việt có thể được hỗ trợ đến 30% chi phí thực hiện dự án tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ nhằm chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/the-he-doanh-nhan-ke-nghiep-va-cau-chuyen-dua-thuong-hieu-ra-the-gioi-6db3ec4/