Thế giới tuần qua: Trọng trách là… ngăn chặn “điều ngu ngốc”

Tuần qua diễn ra hai thái cực đối lập: Một hội nghị tập trung tinh hoa chính trị thế giới lại chỉ là nơi ký kết các hợp đồng thương mại, bên kia chia rẽ nhiều cảm xúc khi ghi dấu ấn chính thức của các nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân túy.

Số 45

Ngày 20/1 (giờ địa phương), Donald J. Trump đã tuyên thệ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với bài phát biểu rất… Trump.

Trang Politico nhìn nhận bài phát biểu của vị tân Tổng thống có tông màu “tối”, nhưng thực ra nó cũng đã sáng sủa hơn nhiều so với những bài phát biểu hồi còn tranh cử của Trump.

Dù vậy, những thông tin bên lề còn thú vị hơn bài phát biểu đó. Chẳng hạn, chuyện Trump muốn có xe tăng tại cuộc diễu hành khai mạc, chỉ có điều bị gạt đi vì lo ngại phá hủy vỉa hè đại lộ Pennsylvania. Ý tưởng của Trump là muốn khoe “sức mạnh Mỹ”. Nhưng Huffington Post đánh giá hành động này chẳng khác gì màn trình diễn của các “đối thủ truyền thống” của nước Mỹ. Hay Cơ quan Dịch vụ Công Hoa Kỳ (GSA) chưa phát hành tuyên bố khẳng định liệu Tổng thống Trump có vi phạm khi hợp đồng cho thuê Khách sạn Trump đứng dưới tên ông, bởi quy định là quan chức được bầu (hoặc người nhà thân cận) không được phép đứng tên cho thuê. Hay chuyện Đệ nhất phu nhân mặc trang phục “copy” phong cách của bà Kennedy thuở nào.

Trang Vox đánh giá những gì ông Trump đã nói trong ngày trọng đại không có phong cách của một Tổng thống, mà chủ yếu muốn nói cho những cử tri đã lựa chọn mình. Có lẽ không khó hiểu khi lượng người đến xem ông nhậm chức khá khiêm tốn so với người tiền nhiệm, bởi ở Washington, “đối tượng của Trump” không đông lắm.

Còn Washington Post đánh giá: Phần lớn bài phát biểu nhìn có vẻ trung tính (vì thế mới nghe khá buồn tẻ), song nếu chú ý kỹ hơn, có thể thấy Donald Trump tái khẳng định các quan điểm trước đó (những gì được nói trong lễ nhậm chức thường cũng sẽ được duy trì trong 4 năm kế tiếp): củng cố phân biệt chủng tộc dưới “màu áo” chủ nghĩa dân túy. (Mặc dù vậy, người được đề cử cho chức vụ Bộ trưởng Nông nghiệp có gốc Latinh, trở thành Bộ trưởng người Latinh đầu tiên trong chính quyền Mỹ kể từ năm 1989. Nhiều khả năng đây là động thái mang tính “xoa dịu”.Ông này vốn là người sáng lập của Atlanta Perdue Partners, một công ty tư nhân giao dịch các sản phẩm thực phẩm và công nghiệp trên toàn thế giới).

Khi Trump bận nhậm chức…

Ông Roberto Azevedo, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham dự một cuộc họp báo vào ngày bế mạcDiễn đàn Kinh tế thế giới Davos (20/1/2017). Ảnh: AP

Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, nơi tập trung giới tinh hoa chính trị và kinh tế toàn cầu, kết thúc vào ngày Donald Trump nhận chức Tổng thống. Ở đây, báo New York Times nhìn thấy một “khủng hoảng của tầng lớp trung lưu” ở các nước phát triển, đã không thấy thu nhập của họ tăng lên, và trong nhiều trường hợp chỉ đơn giản là mất việc làm.

Khi Mỹ trở nên lặng lẽ hơn, Trung Quốc “nhìn thấy và nắm lấy cơ hội”, như nhận định của ông Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển.

Davos năm nay co lại về mặt chính trị (ít nhất đã không có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ), nhưng lại tăng cường thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển, như một cách phản ứng lại xu hướng chủ nghĩa dân túy lan rộng.Tuy nhiên, Vox lại cho rằng: Chủ nghĩa dân túy phát triển là phản ứng với hiện tượng nhập cư và đa văn hóa.

Dù thế nào thì những gì mà một nhóm tỷ phú đã làm ở Davos (thảo luận về các xu hướng kinh tế trong các bữa tiệclấp lánh) chưa đủ để trấn an những con người quan ngại. Khác với bài phát biểu khi ông Obama lên nắm quyền rằng, dù có thế nào, người Mỹ cũng sẽ được hưởng một phần (chưa biết to hay nhỏ), trong chiếc bánh Mỹ. Người Mỹ, hay Anh, hoặc bất cứ nước nào chủ nghĩa dân túy thắng thế, hôm nay không nhìn thấy lời hứa đủ rung động như vậy ở Davos.

Brexit vẫn là… Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Kirsty Wigglesworth / AFP / Getty Images

Nếu như Trump lên làm Tổng thống đúng ngày bế mạc Davos thì Thủ tướng Anh Theresa May lại chọn ngày khi mạc (hôm 17/1) để phát đi thông điệp: Kế hoạch đã có.Anh chắc chắn rời khỏi EU. Thay thế bằng thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và EU.

Quá trình Brexit sẽ chính thức bắt đầu khi Anh khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Trước đây, Thủ tướng May đã từng tuyên bố muốn khởi động Điều 50 vào cuối tháng 3/2017. Nhưng Tòa án tối cao Anh vẫn cần bỏ phiếu thông qua. Khi Điều 50 được kích hoạt, các cuộc đàm phán có thể kéo dài chừng 2 năm, tức là có thể đến năm 2019, Anh sẽ thực sự tách khỏi EU.

Nếu Quốc hội không thông qua thì cũng không thể ngăn cản Brexit. Nhưng sẽ không có thỏa thuận ưu đãi giữa Anh và EU, một trạng thái cũng không quá tốt đẹp.

Trong khi đó, phía Scotland, đã bỏ phiếu để ở lại EU, không bình tĩnh và tìm cách độc lập (thoát khỏi Khối Liên hiệp Anh).

Tân Bộ trưởng Quốc phòng có nhiệm vụ ngăn chặn “điều ngu ngốc”

Tân Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng James Mattis, người đã phá vỡ truyền thống kiểm soát dân sự với quân đội ở Mỹ. Ảnh: Chris Kleponis/AFP/Getty Images

Hôm 20/1, Bộ trưởng đầu tiên dưới trướng Tổng thống Trump cũng được khẳng định: Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng James Mattis, người mới nghỉ hưu khỏi quân đội không lâu. Sau đó, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa John Kelly cũng được xác nhận.

Việc cái tên đầu tiên được chính thức xác nhận lại là Mattis thực sự thú vị. Bởi Quốc hội phải “đặc cách” để ông ấy đủ điều kiện làm Bộ trưởng. Theo quy định, người đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng phải là thường dân, hoặc một ai đó đã rời khỏi quân đội ít nhất 7 năm - còn được gọi là “kiểm soát dân sự” đối với quân đội. Mặc dù trong thực tế, quy định như vậy cũng không đủ khiến quân đội Mỹ bớt “hiếu chiến” hơn, như quyết định đánh vào Iraq.

Việc đưa Mattis lên “đón đầu” khiến những thành viên nội các sau đó được khởi xướng bỗng trở nên… hết sức bình thường, dù rằng không thiếu các nhà đầu tư tỷ phú vốn cũng gây tranh cãi.

Một phần lý do Mattis được “đặc cách” khá khôi hài. Chính Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tuyên bố: Mattis có uy tín rộng rãi, đủ để ngăn chặn “những điều cực kỳ ngu ngốc, nguy hiểm hoặc bất hợp pháp xảy ra”.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/the-gioi-tuan-qua-trong-trach-la%e2%80%a6-ngan-chan-%e2%80%9cdieu-ngu-ngoc%e2%80%9d