Thế giới tuần qua: Thảm họa cháy rừng ở Hawaii, Trung - Mỹ lại 'lục đục'

Nhiều sự kiện đáng chú ý đã được ghi dấu trong tuần từ ngày 7 - 13/8, trong đó, dành được sự quan tâm hàng đầu vẫn là những thảm họa từ thiên nhiên. Cũng trong tuần này, mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng trước một sắc lệnh mới từ phía Washington.

Thảm họa cháy rừng ở Hawaii

Ít nhất 3 đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8/8 ở bờ biển phía Tây đảo Maui thuộc bang Hawaii và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Lahaina là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui, với 2 triệu du khách/năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo.

Tính tới ngày 12/8, các lực lượng cứu hộ có ít nhất 80 người không qua khỏi sau thảm họa này. Đây là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii kể từ năm 1960.

Theo các phương tiện truyền thông, các đám cháy bùng phát do gió khô thổi mạnh và nhanh chóng lan sang các khu dân cư. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao và hạn hán đã góp phần biến các khu vực của Hawaii thành một chiếc hộp đánh lửa tạo nên một trong những đám cháy nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Ngoài ra, những cơn gió lớn do Bão Dora hình thành trên Thái Bình Dương đã giúp đám cháy lan qua vùng ven biển Lahaina với tốc độ đáng báo động. Ngọn lửa lan nhanh đến nỗi một số cư dân phải nhảy xuống biển để thoát thân. Đến sáng 9/8, thị trấn lịch sử này về cơ bản đã bị san phẳng.

Lahaina, được thành lập vào những năm 1700 và từng là thủ đô của Vương quốc Hawaii, gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Những con đường rợp bóng cây với các phòng trưng bày nghệ thuật và cửa hàng nổi tiếng đã bị thiêu rụi. Các quan chức cho biết ít nhất 1.700 công trình, bao gồm nhà cửa, trường học và nơi thờ cúng đã bị phá hủy hoặc hư hại.

Tòa nhà cổ nhất ở Maui, Bảo tàng Baldwin Home, đã bị hỏa hoạn san bằng. Cây đa 150 tuổi ở đây đã cháy xém, mặc dù nó vẫn đứng vững. Nhà thờ Waiola – được coi là nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên ở Maui - và ngôi chùa Phật giáo Hongwanji Shin 90 tuổi cũng đã bị phá hủy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành tuyên bố thảm họa lớn đối với Maui vào ngày 10/8, khi các trung tâm sơ tán chật kín và khách du lịch bỏ chạy khỏi hòn đảo sau đám cháy rừng lan nhanh.

Các quan chức đã cảnh báo rằng các đội tìm kiếm với chó nghiệp vụ vẫn có thể tìm thấy nhiều người chết hơn trong vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi gần 2.000 tòa nhà và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa, đi kèm theo đó là hàng tỷ USD và nhiều năm để kiến thiết lại. Một ước tính sơ bộ gần đây từ CoreLogic, các vụ cháy rừng tàn khốc ở Maui gây thiệt hại ít nhất 1,3 tỷ USD.

4 ngày sau thảm họa, vẫn chưa rõ liệu một số cư dân có nhận được bất kỳ cảnh báo nào trước khi ngọn lửa nhấn chìm ngôi nhà của họ hay không. Hòn đảo có còi báo động khẩn cấp nhằm cảnh báo thiên tai và các mối đe dọa khác, nhưng chúng dường như không vang lên trong đám cháy.

Theo các quan chức Lahaina, cả 3 đám cháy lớn hiện đã được kiểm soát từ 50 - 85%, trong khi đó, công tác cứu hộ vẫn được gấp gáp thực hiện.

Thị trấn ven biển Lahaina gần như bị xóa sổ sau những cơn cháy rừng.

Thị trấn ven biển Lahaina gần như bị xóa sổ sau những cơn cháy rừng.

Trung Quốc ban hành cảnh báo da cam về lũ quét

Năm 2023 dường như là một năm không mấy tốt lành cho Trung Quốc, khi nước này không chỉ mất đà tăng trưởng kinh tế, mà còn phải "vật lộn" với những thảm họa từ thiên nhiên. Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc ghi nhận tình trạng nắng nóng với nhiệt độ cao đáng báo động, rồi lại tới những trận lụt lịch sử sau 5 cơn bão đổ bộ, trước khi đón cơn bão thứ 6 có tên Khanun vào ngày 12-13/8.

Theo Hãng tin AFP ngày 11/8, số người chết vì lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc đã lên tới 78 người. Chưa kịp khắc phục sau trận lụt trước, thì cơn bão thứ 6 trong năm nay tại nước này đã kéo tới, dự kiến gây mưa lớn và làm gián đoạn hoạt động đường sắt tại các tỉnh miền Đông Bắc trong hai ngày 12 - 13/8.

Bão Khanun đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào khu vực ven biển tỉnh Liêu Ninh đêm 11/8 nhưng gió thổi mạnh và mưa to sẽ vẫn trút xuống tỉnh này vào cuối tuần. Thành phố ven biển Đại Liên được dự báo có gió mạnh lên tới 88 km/h trong hai ngày 12 - 13/8. Cơ quan phòng ngừa lũ lụt của thành phố này cũng cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Giới chức đường sắt tại thủ phủ Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh cho biết sẽ đình chỉ hơn 20 chuyến tàu chở khách trong hai ngày 12 - 13/8, trong đó có 2 chuyến đến từ Bắc Kinh và một chuyến đến từ thành phố Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông.

Dự báo, tỉnh Hắc Long Giang cũng sẽ có mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ lụt khi mực nước tại 6 con sông và 3 hồ chứa đã vượt mức cảnh báo lũ lụt vào lúc 8h ngày 12/8.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 12/8, Bộ Tài nguyên và Cục Khí tượng Trung Quốc đã ban bố cảnh báo da cam về nguy cơ xảy ra lũ quét ở một số khu vực miền núi. Đây là mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo nguy cơ thời tiết theo 4 màu: đỏ, da cam, vàng và xanh dương của Trung Quốc.

Theo cảnh báo, từ 20h ngày 12/8 đến 8h ngày 13/8, một số khu vực ở các tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, phía Bắc Trung Quốc nhiều khả năng xảy ra lũ quét. Khu vực phía Đông tỉnh Liêu Ninh và phía Nam tỉnh Cát Lâm có mức cảnh báo màu vàng.

Giá gạo châu Á lập đỉnh 15 năm

Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, giá gạo tiêu chuẩn của châu Á, tăng lên 648 USD/tấn trong tuần này, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. So với một tháng trước, giá đã tăng 20% và tăng 50% từ đầu năm.

Ông Joseph Glauber, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, cho biết: “Giá gạo cao hơn sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo ở các quốc gia tiêu thụ gạo lớn ở châu Á”.

Còn theo ông Timmer, người đã làm việc với các chính phủ châu Á về phản ứng chính sách của họ trước bối cảnh thị trường lương thực biến động, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu việc tăng giá sẽ diễn ra từ từ, giúp người tiêu dùng có thời gian điều chỉnh mà không hoảng sợ hay sẽ tăng đột biến lên 1.000 USD/tấn hoặc cao hơn hay không.

Đợt tăng giá mới nhất làm gia tăng căng thẳng đối với thị trường thực phẩm toàn cầu. Theo Bloomberg, lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn đang làm gia tăng rủi ro về làn sóng bảo hộ thương mại mới khi các chính phủ tìm cách đảm bảo dự trữ lương thực dồi dào. Sự quay trở lại của kiểu thời tiết El Nino đang làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.

Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden ngày 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Sắc lệnh yêu cầu các công ty phải báo cáo Chính phủ Mỹ về kế hoạch đầu tư mới vào ba lĩnh vực nói trên ở Trung Quốc.

Sắc lệnh dự kiến có hiệu lực từ năm tới, nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Sắc lệnh này tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.

Theo Financial Times, động thái này sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm, cũng như nhà đầu tư Mỹ trong liên doanh với đối tác Trung Quốc.

Động thái này được cho là có thể gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.

Bộ thương mại và ngoại giao Trung Quốc đã lập tức có phản ứng mạnh mẽ chỉ vài tiếng sau khi ông Biden ký ban hành sắc lệnh.

“Trung Quốc cực kỳ không hài lòng và kiên quyết phản đối việc Mỹ nhất quyết đưa ra các hạn chế đối với đầu tư vào Trung Quốc. Đây là sự ép buộc kinh tế trắng trợn và bắt nạt công nghệ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho hay.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Mỹ đã hạn chế các công ty nước này đầu tư ra nước ngoài và tham gia vào việc "tách rời và cắt đứt dây chuyền" trong lĩnh vực đầu tư dưới chiêu bài giảm rủi ro.

"Động thái của Mỹ đã phá vỡ nghiêm trọng an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu", Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ. Bộ này kêu gọi Mỹ “tôn trọng nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng” và “kiềm chế cản trở thương mại toàn cầu một cách giả tạo và đưa ra những trở ngại cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), thì cho biết Bắc Kinh rất thất vọng về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố các hạn chế mới đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Tháp Eiffel bị đe dọa đánh bom

Chiều 12/8, cảnh sát Pháp nhận cảnh báo có bom ở tháp Eiffel tại thủ đô Paris, khiến họ phải phát lệnh sơ tán người dân, khách du lịch ở tháp Eiffel cùng khu vực lân cận ở thủ đô Paris. Đợt phong tỏa bắt đầu từ khoảng 13h30 và kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, sau đó tháp Eiffel mở cửa và trở lại hoạt động bình thường.

Đơn vị quản lý Tháp Eiffel (SETE) cho biết các chuyên gia xử lý bom và lực lượng cảnh sát đang lục soát khắp khu vực này, trong đó có cả nhà hàng nằm trên một trong số các tầng của Tháp Eiffel. Theo người phát ngôn của SETE, đây là thủ tục thông thường trong tình huống như vậy nhưng hiếm khi xảy ra.

Điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô nước Pháp thường đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh, trong đó có nguy cơ bị đánh bom. Quy trình an ninh buộc cảnh sát phát lệnh sơ tán dân thường ngay khi nhận cảnh báo rủi ro, nhằm đề phòng tình huống bất trắc.

Tháp Eiffel đã hai lần phải sơ tán trong năm nay vì lý do tương tự, lần lượt vào ngày 30/3 và 9/8. Địa điểm này cũng phải đóng cửa trong hai giờ sau khi một người đàn ông dọa tự sát hồi giữa tháng 6.

Thủy Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/the-gioi-tuan-qua-tham-hoa-chay-rung-o-hawaii-trung-my-lai-luc-duc-20180504224287625.htm