Thế giới tuần qua: Những “cú sút xoáy”

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử một danh sách nội các mới gọi nôm na là “luật pháp và trật tự”, làm nền tảng cho cho chủ nghĩa dân túy quay trở lại Nhà Trắng. Sự thật về nhà máy của Ford mà Trump tuyên bố đã cứu. Lại bàn về chuyện biến đổi khí hậu. Facebook và “Fakebook”. Phép thử mới ở Hong Kong và gáo nước lạnh từ Nga.

“Gương mặt thương hiệu” mới lần lượt lên sàn

Nội các đang chờ vào chỗ của Donald Trump đã bắt đầu công bố danh sách các chức vụ hàng đầu. Đêm thứ năm (17/11), thông tin phát đi cho biết Tướng về hưu Michael Flynn sẽ trở thành Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), một động thái thể hiện lập trường ít cứng rắn hơn với Nga. Thứ sáu (18/11), nhóm của Trump thông báo Nghị sĩ Mike Pompeo của bang Kansas sẽ là người đứng đầu CIA. Đây là nhân vật nổi danh về lập trường “diều hâu”: chỉ trích kế hoạch chống biến đổi khí hậu là “thứ phá hoại”, một thành viên mẫn cán của Hiệp hội Súng Quốc gia và cực kỳ ghét những “người thổi còi”. Nghị sĩ Jeff Sessions của bang Alabama, từ lâu đã trung thành với Donald Trump, sẽ trở thành Tổng chưởng lý. Đây là nhân vật cực kỳ ủng hộ các chính sách dưới thời Bush, một con người của chủ nghĩa phản đối người đồng tính, phá thai và người nhập cư, đồng thời phản đối bất kỳ chính sách mềm mỏng hơn với những người bị giam giữ. Ông nổi tiếng vì các động thái hai mặt, chẳng hạn trong khi tuyên bố “không bao giờ” được phân biệt đối xử với cử tri da đen, thị lại truy tố các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi bầu cử của người da đen.

Điều này càng củng cố cho những gì đã diễn ra ở Hội nghị COP22 về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Marrakech, Morocco, vào thứ sáu (18/11). Tuy nhiên, khác với COP21 hồi năm ngoái dẫn đến Hiệp định Paris, COP năm nay không nói về khí hậu, mà tập trung làm sao để “giữ lực lượng” hơn. Bởi Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đó đã tuyên bố rất rõ ràng: “Biến đổi khí hậu chỉ là trò chơi khăm”. Nhiều khả năng, nước Mỹ dưới thời Trump sẽ rút lui khỏi Hiệp định này.

Có thể thấy là ông Trump vẫn chưa quyết định được sẽ giao ai trọng trách phụ trách về kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử đã ngăn chặn thành công việc Ford chuyển nhà máy ở Kentucky chuyên sản xuất dòng xe Lincoln sang Mexico.

Hoặc… cũng có thể chỉ là đòn “nổ” đặc trưng của Trump này. Vì hãng xe đã đính chính họ rất mừng là tân Tổng thống quan tâm đến chuyện sản xuất ở Mỹ, song công ty chẳng hề có ý định chuyển dây chuyền sản xuất Lincoln đi đâu cả. Tuy nhiên, họ vẫn theo đuổi kế hoạch chuyển sản xuất dòng Focus khỏi Michigan để nhường chỗ sản xuất cho hai sản phẩm mới. Xem ra, một Trump hùng hồn của thời tranh cử đã quay lại, sau một thời gian tương đối im hơi lặng tiếng, báo hiệu 4 năm thú vị của nước Mỹ sắp mở màn.

Facebook hay Fakebook?

Ai cũng biết Facebook là một nồi lẩu thập cẩm với thông tin tốt xấu lẫn lộn. Người ta đã không còn lạ gì các cảnh báo về tin tức giả mạo trên đó. Nhưng dường như sự lừa đảo đã phát triển theo hình thái rộng lớn hơn, không chỉ “giật tiền” của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

Theo BuzzFeed News, có điều gì đó đã xảy ra trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống. Những tin tức thổi phồng cho Donald Trump được cho là đã có tác động đến quyết định bỏ phiếu cuối cùng của người dân.

Tuy nhiên, Facebook lên tiếng khẳng định thông tin chính trị giả không có tác động lên tâm trí của bất kỳ ai. Nếu điều đó là đúng, vậy thì đã đến lúc, các nhà quảng cáo nên xem xét lại chính sách đặt hàng với Facebook. Bấy lâu nay, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh hăm hở rót tiền cho mạng xã hội vì tin rằng người dùng có thể bị ảnh hưởng bởi những gì họ nhìn thấy trên “tường nhà”.

Dù đính chính, công ty cũng hứa hẹn sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng bài viết trong thời gian tới. Tuy nhiên, bộ lọc này có hiệu quả hay không thì còn phải chờ xem. Vì CNN Money cho hay, Facebook có tiến hành kiểm soát tin tức, nhưng rõ ràng không quá hiệu quả. Còn Gizmodo lo ngại liệu có tiếp tục xảy ra hành vi thiên vị trong nỗ lực lọc tin này?

Dù thế nào thì nền chính trị và kỹ trị cũng đã phải chịu một trong những trái đắng nhất: mọi dự báo và sự ủng hộ của truyền thông lớn trước đó cuối cùng lạc dòng nghiêm trọng.

Đòn thử ở Hong Kong

Hai nhà thành viên Hội đồng lập pháp bị bãi nhiệm. Ảnh: Anthony Wallace / AFP / Getty Images

Hôm thứ ba (15/11), một thẩm phán Hong Kong đã phán quyết bãi nhiệm hai thành viên mới, vốn là các nhà hoạt động dân chủ, được bầu vào Hội đồng lập pháp, chỉ một ngày sau phán quyết do chính quyền Trung Quốc ban hành. Lý do là hai nghị sĩ Sixtus “Baggio” Leung, 30 tuổi, và Yau Wai-ching, 25 tuổi, đã thay đổi lời tuyên thệ trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 12/10. Lời tuyên thệ này bị cho là có ý xúc phạm Trung Quốc.

Trong lúc Tòa án còn đang làm việc, Quốc hội Trung Quốc đã can thiệp vào điều chỉnh diễn giải Luật Cơ bản, tức hiến pháp của Hồng Kông, trong đó nhấn mạnh những người bày tỏ quan điểm ly khai sẽ không thể trở thành nghị sỹ. Đây được xem là động thái can thiệp mạnh nhất của Bắc Kinh vào Hồng Kông kể từ khi vùng đất này được trả về Trung Quốc năm 1997. Mặc dù động thái này bị cho là có phần hơi mạnh mẽ qua so với chính sách vỗ về xưa nay, nhưng Foreign Policy cho rằng đây có thể là đòn thử xem mức độ tiếp nhận Đại lục của Hong Kong.

Quả thực, vụ việc đã dấy lên căng thẳng, khiến hàng nghìn người biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao, trong khi cảnh sát giải tán bằng dùi cui và đạn hơi cay. Nhà hoạt động Kevin Yam đánh giá “diễn giải hiến pháp này có thể làm suy yếu hệ thống tư pháp” của vùng đất này, từ đó, làm suy yếu về quyền tự chủ của Hong Kong.

Gáo nước lạnh từ Nga

Theo Sputnik News, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ tư (16/11) đã ký sắc lệnh để Nga chính thức rút khỏi Quy chế Rome, cơ sở hoạt động cho Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

ICC là thiết chế pháp lý đặc biệt chuyên xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng và chống lại loài người. Thực tế, Nga đã ký tham gia Quy chế Rome từ năm 2000 nhưng chưa chính thức phê duyệt. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự thất vọng với cách ICC hoạt động. Thông tin được đưa ra , chỉ một ngày sau khi ICC đưa ra báo cáo về hoạt động của nước này ở Crimea. Trong đó cáo buộc Nga “chiếm đóng tạm thời Crimea”, phân biệt đối xử với người dân Crimea và mô tả những gì xảy ra ở đây chỉ là biểu hiện cho “xung đột vũ trang quốc tế giữa Nga và Ukraine”.

New York Times đánh giá, dù chỉ là cử chỉ tượng trưng, song cũng dội đủ nước lạnh vào nền chính trị và tư pháp thế giới.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/the-gioi-tuan-qua-nhung-%e2%80%9ccu-sut-xoay%e2%80%9d