Thế giới Thế giới Thái Lan khuyến khích người dân sinh thêm con

Thái Lan đang nỗ lực khuyến khích người dân sinh thêm con để đối phó với xu hướng sụt giảm tỷ lệ sinh những năm qua. Theo đó, nước này sẽ hỗ trợ cho các bậc cha mẹ thông qua việc thiết lập các trung tâm sinh sản và chăm sóc trẻ em, đồng thời thu hút những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội lan tỏa những niềm vui trong cuộc sống gia đình.

Năm ngoái, Thái Lan ghi nhận 544.000 ca sinh, thấp nhất trong gần 6 thập kỷ. Ảnh: Vietnamnet

Chiến dịch này được đưa ra khi số lượng trẻ chào đời ở nước này đã giảm gần 1/3 kể từ năm 2013, khi số ca sinh bắt đầu giảm. Năm ngoái, Thái Lan ghi nhận 544.000 ca sinh, thấp nhất trong gần 6 thập kỷ và gần 563.000 người tử vong, trong đó một phần do các ca tử vong liên quan đến COVID-19.

Mặc dù con đường nhân khẩu học của Thái Lan cũng tương tự các nền kinh tế châu Á khác như Nhật Bản hay Singapore, nhưng với tư cách là một thị trường mới nổi dựa vào lao động giá rẻ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, những tác động từ tình hình nhân khẩu học này của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á được cho là sẽ sâu sắc hơn nhiều.

Teera Sindecharak, một chuyên gia về nhân khẩu học tại Đại học Thammasat, cho biết: “Dữ liệu phản ánh một cuộc khủng hoảng dân số... nơi mà suy nghĩ về việc có con đã thay đổi”.

Trước hiện thực này, quan chức y tế cấp cao Thái Lan Suwannachai Wattanayingcharoenchai nói với Reuters rằng chính phủ nhận thấy đã đến lúc cần phải can thiệp.

“Chúng tôi đang cố gắng làm chậm lại sự sụt giảm số sinh và đảo ngược xu hướng bằng cách thúc đẩy các gia đình sẵn sàng có con nhanh hơn”, ông nói và mô tả kế hoạch đưa ra các chính sách để trẻ sơ sinh nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của nhà nước.

Theo giới chức Thái Lan, các kế hoạch này bao gồm mở các trung tâm hỗ trợ sinh sản, vốn hiện chỉ đang giới hạn ở Bangkok và các thành phố lớn khác, ra khắp 76 tỉnh thành và cũng sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để lan tỏa thông điệp.

Đây được xem là động thái tích cực của Chính phủ Thái Lan, dù có ý kiến cho rằng lẽ ra cần phải triển khai sớm hơn. Ví dụ như với những người như Chinthathip Nantavong, 44 tuổi, những chính sách này có thể đã quá muộn khi cô đã quyết định với người bạn đời của mình không sinh con suốt 14 năm qua.

“Nuôi một đứa trẻ tốn rất nhiều chi phí. Một học kỳ học mẫu giáo đã là 50.000 đến 60.000 baht (1.520 USD đến 1.850 USD) và sau đó sẽ lên đến hàng triệu bath”, cô chia sẻ và cho rằng các quốc gia khác có các cơ sở chăm sóc và chính sách phúc lợi tốt hơn.

“Xã hội siêu già”

Thực tế, Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp, nhưng không giàu có như một số nước phát triển hơn, do vậy, nước này buộc phải dựa vào lao động nhập cư để hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Các chuyên gia cho biết khó có thể đảo ngược tình huống khi các điều kiện xã hội đã thay đổi và thái độ đối với việc có con hiện đang bị lấn át bởi những lo ngại về nợ gia tăng và gánh nặng chăm sóc người già.

Học giả Teera cho biết, Thái Lan đang trên đường tiến tới việc trở thành một “xã hội siêu già”, nơi số lượng người trên 60 tuổi sẽ chiếm hơn 1/5 dân số. Hiện khoảng 18% dân số Thái Lan ở độ tuổi trên 60.

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động trên người cao tuổi trong năm ngoái là 3,4 nhưng đến năm 2040, các quan chức dự báo có thể chỉ còn 1,7.

Phát biểu trong một diễn đàn kinh doanh gần đây, ông Danucha Pichayanan – Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) cảnh báo rằng “lĩnh vực sản xuất sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm năng suất... vì vậy chúng ta phải phát triển lao động có kỹ năng và áp dụng các công nghệ tự động, với vị thế của nhà sản xuất ô tô và điện tử lớn trong khu vực”.

Ông Danucha cũng lưu ý rằng xu hướng nhân khẩu học cũng có thể gây căng thẳng cho hệ thống tài chính của chính phủ. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phúc lợi cho người cao tuổi hiện nay vẫn không được xem là đủ, với các khoản trợ cấp hàng tháng chỉ từ 600-1.000 baht (khoảng từ 18-30 USD/tháng).

Học giả Teera nhận định rằng việc quyết định có con của các cặp vợ chồng Thái Lan đang ngày càng khó khăn hơn, khi chi phí sinh hoạt tăng trong khi tăng trưởng thu nhập lại chậm lại.

Những lo ngại về chính trị, nợ nần gia tăng và chi phí giáo dục cũng là những yếu tố chính quyết định thái độ sinh con, và các biện pháp khắc phục ngắn hạn có thể là không đủ, các chuyên gia cho biết.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nợ hộ gia đình đã tăng lên gần 90% tổng sản phẩm quốc nội, từ mức 59% vào năm 2010.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/thai-lan-khuyen-khich-nguoi-dan-sinh-them-con-a110531.html