Thế giới Thế giới Nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050

Theo những gì được thảo luận trong hội thảo mới nhất do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) phối hợp tổ chức có thể thấy rằng, nhu cầu về khí đốt tự nhiên, một loại nhiên liệu chính trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng để đạt được mức trung hòa Carbon sẽ tăng gấp đôi ở khu vực ASEAN, cụ thể là lên mức 350 tỷ m3 vào năm 2050.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên đang ngày càng tăng ở Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Một số quốc gia ASEAN bao gồm Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã công bố các mục tiêu trung hòa Carbon của nước mình. Trên thực tế, Campuchia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công bố kế hoạch đạt được trung hòa Carbon vào năm 2050 thông qua lộ trình của mình, được biết đến với tên chính thức là “Chiến lược dài hạn về mức trung hòa Carbon”.

Theo thông cáo báo chí của ERIA, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA cho hay, các hệ thống năng lượng khử Carbon đòi hỏi phải nhanh chóng nhân rộng các nguồn và công nghệ năng lượng sạch hơn hiện có với sự hỗ trợ cần thiết cho các ưu đãi chính sách, tài chính và tiền tệ, cũng như thiết kế thị trường phù hợp.

Một ý kiến khác có liên quan, Tổng Thư ký GECF Mohamed Hamel dự báo, khu vực ASEAN sẽ chứng kiến nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng hơn gấp đôi, lên hơn 350 tỷ m3 vào năm 2050. Tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong hỗn hợp năng lượng của khu vực được dự đoán sẽ tăng liên tục lên 24% vào năm 2050.

Phản ánh về triển vọng thị trường khí đốt tự nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho năm 2023, Yui Torikata của công ty tư vấn Kpler cho biết, xu hướng cho thấy nguồn cung LNG toàn cầu ước tính tăng lên khoảng 420 triệu tấn vào năm 2023, trong khi nhu cầu ở Trung Quốc tăng do mở cửa nền kinh tế trở lại và nhiều yếu tố khác.

Để đảm bảo lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong trung và dài hạn, đầu tư vào các dự án sản xuất LNG là rất quan trọng vì thương mại LNG và khí tự nhiên dự kiến sẽ tăng lên 430 triệu tấn vào năm 2023.

Trước tình hình này, ông Tetsuya Watanabe, Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch ERIA đã liệt kê các chiến lược giúp khu vực Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu năng lượng và củng cố vị thế xuất khẩu của mình trên thị trường khí đốt toàn cầu, đồng thời đạt được nguồn vốn cần thiết để khai thác không chỉ các nguồn khí đốt tự nhiên thông thường mà cả các nguồn tài nguyên phi truyền thống, cùng lúc có các chiến lược đầu tư kịp thời và có kế hoạch tốt trong chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên, cũng như giới thiệu các công nghệ và kỹ thuật thân thiện với môi trường trong các dự án sắp tới.

Riêng với Campuchia, Giám đốc Quốc gia của EnergyLab Campuchia Natharoun Ngo Son, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là nhiên liệu cần thiết giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Campuchia.

Dù vậy, nước này cần lập kế hoạch sử dụng nhiều hơn năng lượng mặt trời và tính toán lượng khí sẽ sử dụng thay thế cho than chưa được sản xuất. Quốc gia này không nên nhập nhiều LNG hơn mức cần thiết bởi nếu không, nó sẽ làm giảm không gian dành cho năng lượng sạch và làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. LNG phải được sử dụng một cách khôn ngoan như một phương tiện để Campuchia áp dụng năng lượng sạch hơn cho hiện tại và tương lai sau này.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhu-cau-khi-dot-tu-nhien-cua-asean-se-tang-gap-doi-vao-nam-2050-a124719.html