Thế giới không coi thường đại dịch cúm A/H1N1

Phòng bệnh cúm A/H1N1 ở Brazil

(CATP) Các nguồn tin mới nhất về đại dịch cúm A/H1N1 cho thấy cả thế giới không dám coi thường căn bệnh nguy hiểm đối với tính mạng của con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến cáo rằng, cúm A/H1N1 mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng hậu quả là khá nghiêm trọng và cũng có thể tương đương với đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi 1918 - 1919 đã từng khiến cho GDP của nhiều nước giảm từ 4 - 8%! Các quan chức WHO cho biết, tuy mới bùng phát trong vòng bốn tháng, nhưng virus cúm A/H1N1 đã xuất hiện tại 160 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cướp đi sinh mạng của gần 800 người. Ngay cả nước Mỹ là quốc gia phát triển, các quan chức y tế Mỹ cũng cảnh báo sẽ có khoảng 40% người Mỹ có thể nhiễm cúm A/H1N1 trong năm nay và năm tới, thậm chí vài trăm nghìn người có thể chết nếu chiến dịch tiêm vaccine thất bại. Virus cúm A/H1N1 đã khiến 300 người Mỹ chết. Người phát ngôn WHO Gregory Hartl tuyên bố, cho đến thời điểm hiện nay chưa có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ virus cúm A/H1N1 đã biến đổi và sự lan rộng nhanh chóng của nó chỉ là về mặt địa lý chứ không kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng hơn. WHO nhận định, trong vòng hai năm tới sẽ có khoảng hai tỉ người (1/3 dân số thế giới) bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Cũng theo cảnh báo của WHO, đại dịch cúm A/H1N1 sẽ tiếp tục lan rộng trong thời gian tới và với tốc độ như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa virus cúm A/H1N1 sẽ có mặt tại tất cả các nước trên thế giới. Một hiện tượng nguy hiểm có liên quan đến dịch bệnh này là khả năng biến đổi của virus, khiến cúm A/H1N1 có thể kháng thuốc Tamiflu bởi đã có bốn trường hợp kháng Tamiflu được thông báo ở Đan Mạch, Nhật Bản, Hồng Kông và Canada. Nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng ngừa virus cúm A/H1N1. Tuy nhiên, WHO cũng đưa ra khuyến cáo quá trình này phải diễn ra đúng quy trình, không được tiến hành một cách vội vã nhằm đảm bảo tính an toàn cho con người. WHO cam kết, sẽ có đủ liều vaccine để cung cấp cho các nước đang phát triển. Được biết, hai hãng dược Sanofi-Aventis và GlaxoSmithKline đã hứa tặng 150 triệu liều vaccine cho những nước nghèo. Đối với Việt Nam, cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố và có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ngày 25-7-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chủ tịch UBND các cấp triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là hạn chế tối đa tử vong. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống để toàn dân tham gia chống dịch. Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các địa phương tập trung đông dân, nơi có nguy cơ bùng phát dịch, chú ý các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=26150&mod=detnews&p=