'Thế giới khác' của Phạm Nhật Chinh

Có lẽ điều mà ai cũng cảm giác được nhưng khó có thể diễn tả tròn trịa thành lời, khi thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật của Phạm Nhật Chinh, là thấy ở đó song song tồn tại những yếu tố có vẻ như ở hai thái cực đối lập.

Họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

Một bên là sự phóng khoáng của những nhát cọ đang tìm kiếm tự do tuyệt đích, một bên là sự lắng đọng của những hình và màu được dẫn dắt bởi tư tưởng nghệ thuật nội tại.

Một mặt như muốn thu gọn thế giới trong một biểu hình thô sơ và trần trụi, một mặt lại như muốn phá tan và làm nhòe nhoẹt tất cả, khiến mọi thứ vỡ vụn, tung tóe và hỗn độn trong một bố cục phi biểu hình.

Một mặt hàm ẩn những thứ mơ hồ, lạnh lùng, thăm thẳm sâu xa, một mặt phô trương những thứ hiển hiện, ấm nóng, gần gũi giản đơn.

Một bên là thực tại, một bên là mộng mị.

Một bên là phiêu lãng, một bên là nghiêm cẩn.

Một bên là ý thức, một bên là vô thức…

Cứ như vậy, tất cả đan cài, quấn quýt vào nhau. Tưởng như đối lập nhưng thực chất, chúng lấy nghịch lý ấy mà tồn tại. Giống như một thứ pháp lam, phía dưới lớp trang trí mềm mại tinh tế là cái cốt chắc nịch, tĩnh tại, nghiêm nghị cùng những trầm tích ẩn sâu.

Thế giới khác số 08. Chất liệu tổng hợp. Họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

Tranh của Nhật Chinh là thế giới của những điều vừa thực vừa ảo, hoang dã mà hiện đại, ngây ngô mà tỉnh táo ấy. Tác phẩm sắp đặt lại gai góc hơn. Nó như một đối thoại của con người với bản thể của chính mình, để chất vấn về những khổ đau, bấn loạn, những bất ổn dị hợm, những thứ khuất lấp trong tiềm thức con người và đồng thời cũng đăm đắm nhân gian.

Ở triển lãm này, chính tác phẩm sắp đặt ấy, khá lạ lùng và khác biệt, lại là một thứ “chất dẫn” để mở ra cho chúng ta những lối rẽ nhỏ về phía các bức tranh. Như thể người họa sĩ đã dẫn ta đến khu rừng bí ẩn của mình bằng những con đường mà chỉ khi sẵn sàng gạt bỏ mọi rào cản của thói quen tư duy, của quan điểm nghệ thuật đầy cứng nhắc, ta mới có thể tiếp tục. Bởi ở đó, Nhật Chinh đã bày ra tất cả: một bữa tiệc của tự do sáng tạo với những chất liệu và cách biểu hiện không giới hạn, một thế giới rộng lớn mà ở đó thực tại và mộng mị, vật chất và tinh thần, thể xác và linh hồn, ý thức và vô thức… không phản nghịch hay triệt tiêu nhau, chúng thậm chí bám riết như những thân cây quấn cài vào nhau, trong tự nhiên và hoang dại.

Đó là thế giới của Nhật Chinh. Một Thế Giới Khác.

Thế giới khác số 10. Chất liệu tổng hợp. Họa sĩ Phạm Nhật Chinh.

“Thế giới khác” là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Phạm Nhật Chinh. Họa sĩ Phạm Nhật Chinh sinh năm 1984 tại Đồng Lương, Lang Chánh, Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện sống và làm việc tại Long Biên, Hà Nội.

Phạm Nhật Chinh từng tham gia một số triển lãm nhóm: “Kết nối” (Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 2016), “Góc” (Trung tâm Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh, Hà Nội, 2017), “Đao pháp” (Vicas Art Studio, Hà Nội, 2018), “Những gương mặt điển hình của Viet Art Now 2019” (Nhà đấu giá Chọn, Hà Nội, 2019).

Triển lãm “Thế giới khác” bao gồm 20 tác phẩm hội họa (chất liệu tổng hợp) và 01 tác phẩm sắp đặt. Xuất phát từ quan điểm nghệ thuật rộng mở, Nhật Chinh nghĩ rằng hội họa không giới hạn ở bất cứ chất liệu hay cách biểu hiện nào. Các tác phẩm trong triển lãm đều được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: sơn dầu, acrylic, vải, dây dù, thân cây, sắt… Tranh của Nhật Chinh được vẽ theo phong cách trừu tượng và bán trừu tượng. Họa sĩ kể về những giấc mơ của mình, về những khoảnh khắc lóe lên trong tâm trí. Từ nhỏ, Nhật Chinh đã luôn có những giấc mơ lạ kì, anh coi đó cũng là một phần trong cuộc sống của mình, thậm chí anh tin nó luôn tồn tại. Những giấc mơ ấy đã được tái hiện trong tranh và trở thành một thế giới riêng của Nhật Chinh, đầy màu sắc, bí ẩn và nhiều tầng lớp, chiều cạnh.

Đó là thế giới được trộn lẫn giữa giấc mơ và đời thực, một thế giới bồng bềnh không góc cạnh, không sắc lẹm hay gai góc mà mềm mại, đa dạng, đa chiều, đa màu sắc. Nó thường xuyên chập chờn trong tâm trí tôi, nhưng sẽ tan chảy nếu tôi muốn chạm đến”, họa sĩ chia sẻ. Bằng cách phá bỏ hình hài sự vật, để chỉ giữ lại những nét cảm xúc, cảm giác về chúng, tác phẩm của Nhật Chinh đã khơi gợi trong lòng người thưởng lãm những xúc cảm thẩm mĩ, dẫn họ bước vào thế giới của nội cảm, khiến họ suy tư về cuộc đời và về chính mình - một tiểu hành tinh đầy bí ẩn mà chính họ cũng không hiểu hết được. Đứng trước tranh của Nhật Chinh, người ta không chỉ ngắm nhìn bằng mắt, mà phải bằng tất cả tâm tưởng.

Triển lãm sẽ được khai mạc lúc 17h ngày 19/12/2020 và kéo dài đến hết ngày 23/12/2020, tại Vicas Art Studio (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội).

Đăng Tiêu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-khac-cua-pham-nhat-chinh-post109644.html