Thế giới đang ở đâu trong tiến trình thực hiện các SDGs?

Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trừ khi chúng ta nỗ lực gấp đôi hành động toàn cầu.

Đó là nội dung được nêu ra trong Báo cáo của Liên Hợp Quốc có tựa đề “Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững 2023: Ấn phẩm đặc biệt”, vừa được công bố. Báo cáo của LHQ cảnh báo, nếu chúng ta không gia tăng gấp đôi các nỗ lực toàn cầu để đạt được SDGs sẽ dẫn tới bất ổn chính trị leo thang, thiệt hại kinh tế và môi trường không thể khắc phục.

Các SDGs là gì?

Vào tháng 9.2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc với sự nhất trí của 193 nước thành viên.

Các mục tiêu này bao gồm: 1. Xóa nghèo; 2. Xóa đói; 3. Y tế và phúc lợi; 4. Giáo dục chất lượng. 5. Bình đẳng giới; 6. Tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh; 7. Tiếp cận năng lượng bền vững; 8. Tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm tốt cho tất cả mọi người; 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới. 10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội; 11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững; 12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; 13. Ứng phó với biến đổi khí hậu; 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển; 15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh và công lý cho mọi người; 17. Thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

17 mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ

17 mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ

Được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030, các SDGs có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nguy cơ bỏ lỡ SDGs

Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng đạt được các SDGs theo đúng lộ trình là vô cùng khó khăn. Trong phiên họp công bố bản báo cáo tại Đại Hội đồng LHQ hôm 10.7.2023, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres thừa nhận: "Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ SDGs". Đây là lần đầu tiên người đứng đầu LHQ thừa nhận nguy cơ này, dù nó đã được cảnh báo từ lâu.

Báo cáo SDGs 2023 đã chỉ ra rằng, các tác động cộng hưởng của khủng hoảng khí hậu, xung đột ở Ukraine, kinh tế toàn cầu suy yếu và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã khiến những khát vọng đặt ra trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đang gặp thách thức lớn.

Theo báo cáo, trong số khoảng 140 mục tiêu có thể được đánh giá, thì có 50% trong số đó cho thấy độ lệch vừa phải hoặc nghiêm trọng so với quỹ đạo mong muốn và hơn 30% trong số các mục tiêu này không có tiến triển hoặc thậm chí tệ hơn là thụt lùi dưới mức cơ sở năm 2015.

Đại dịch Covid-19 là một biến số bất ngờ. Không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của toàn bộ hành tinh, nó còn kéo lùi đáng kể sự phát triển của xã hội, ít nhất là theo những chỉ số mà SDG đặt ra. Báo cáo mới nhất của LHQ chỉ rõ: Những tác động của đại dịch Covid-19 đã kéo lùi tiến bộ ổn định trong ba thập kỷ về giảm nghèo, khi số người sống trong cảnh nghèo khó cùng cực đã gia tăng lần đầu tiên trong một thế hệ. Một thống kê cho thấy, sau ba năm dịch bệnh hoành hành, có thêm từ 119-124 triệu người đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, trong đó khu vực Nam Á chiếm 60% con số này. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2030, 575 triệu người sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực, đồng thời ước tính 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường. Đây là những nội dung chính mà SDG 1 (Xóa nghèo) và SDG 2 (Xóa đói) đề cập, và đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Một trong những tác động rõ rệt nhất của dịch Covid-19 là sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống đi xuống. Sự chuyển hướng của các dịch vụ y tế do đại dịch gây ra đã làm mất đi tiến bộ hàng thập kỷ hướng tới SDG 3 (Sức khỏe). Những nỗ lực cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người hiện trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết.

SDG 4 (Giáo dục chất lượng), trụ cột cơ bản của chương trình nghị sự phát triển bền vững, cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vào năm 2020, những nỗ lực phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch đã làm gián đoạn hành trình giáo dục của hơn 1,52 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn thế giới. Điều này đã xóa bỏ tiến bộ giáo dục trong gần hai thập kỷ trước đó. Hậu quả của sự thụt lùi này sẽ được cảm nhận qua nhiều thế hệ tiếp theo.

Suy thoái kinh tế cũng nghiêm trọng không kém. Thế giới đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ năm 2008. Trong năm 2020, tổng GDP của thế giới giảm 3,4%, cho thấy sản lượng kinh tế sụt giảm đáng kể. Làn sóng Covid-19 thứ hai khiến khoảng 7,5 triệu việc làm bị mất, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực khác nhau và đe dọa đến mục tiêu SDG 8 (Việc làm ổn định và Tăng trưởng kinh tế).

Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine cùng nhiều cuộc xung đột vũ trang khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình nghị sự SDG. Tác động của những cuộc xung đột vượt xa sự tàn phá do bom đạn gây ra. Cuộc đối đầu lan sang lĩnh vực kinh tế. Những lệnh cấm thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã gây ra khủng hoảng sâu rộng hơn ở những khu vực rất xa tiếng súng. Nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái tiếp tục đẩy những người có thu nhập bấp bênh lún sâu trong đói nghèo.

Cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga cũng dẫn đến tình trạng di cư trên một khu vực rộng lớn. Theo LHQ, khoảng 14 triệu người đã phải di dời do xung đột ở châu Âu. Vấn đề di cư cũng là một mục tiêu xuyên suốt toàn bộ Chương trình nghị sự 2030, ảnh hưởng đến tất cả 17 SDGs. Các mục tiêu liên quan đến di cư bao gồm lao động, giáo dục, buôn người, kiều hối... Chính LHQ, trong bản báo cáo mới nhất đã kêu gọi các nước cần "nhận biết và giải quyết các mối liên kết phức tạp giữa di cư và SDGs".

Cùng nhau, chúng ta tạo ra hy vọng

Bên cạnh những hạn chế, báo cáo của LHQ cũng chỉ ra những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được. Trong số đó, nổi bật nhất là tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021, với gần 800 triệu người khác được kết nối.

Báo cáo cũng cho biết, số người sử dụng Internet đã tăng 65% kể từ năm 2015, đạt 5,3 tỷ người trong quy mô dân số thế giới vào năm 2022.

Những thành tựu phát triển quan trọng như vậy chứng tỏ rằng chúng ta có thể thực hiện những bước đi đột phá để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người thông qua sự kết hợp giữa hành động tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ cũng như việc sử dụng hiệu quả các công nghệ, nguồn lực và kiến thức sẵn có. Cùng nhau, cộng đồng toàn cầu có thể khơi lại tiến trình đạt được các SDG và kiến tạo nên một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/the-gioi-dang-o-dau-trong-tien-trinh-thuc-hien-cac-sdgs--i342968/