Thế giới 5 triệu người chết vì COVID-19: Nỗi lo chưa kết thúc

Người chết vì COVID-19 trên toàn cầu đã vượt con số 5 triệu và nỗi lo chưa kết thúc khi dịch vẫn lan mạnh ở nhiều khu vực và vẫn còn hơn nửa dân số thế giới chưa được tiêm chủng.

Thống kê của ĐH John Hopkins (Mỹ) cho thấy tính đến ngày 2-11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 248 triệu ca nhiễm COVID-19 với hơn 5 triệu người chết. Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Brazil - tất cả quốc gia có thu nhập trên trung bình hoặc cao - chiếm 1/8 dân số thế giới nhưng lại chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong. Riêng Mỹ có hơn 740.000 người chết, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trên phạm vi toàn cầu, COVID-19 hiện đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, sau bệnh tim và đột quỵ.

Hiện WHO và cơ quan y tế Anh đang giám sát và nghiên cứu biến thể AY.4.2 (còn được gọi là Delta Plus), một nhánh phụ của biến thể Delta. Ở giai đoạn này, chưa có bằng chứng cho thấy AY.4.2 có khả năng kháng vaccine. Trường hợp xấu nhất là AY.4.2 trở thành biến thể thống trị, thay thế toàn bộ các biến thế khác và khiến đại dịch kéo dài.

Số người chết thực tế có thể 17 triệu

Trả lời tờ South China Morning Post, GS Arnaud Fontanet thuộc Viện Pasteur (Pháp) chia sẻ rằng thực tế số người chết có thể cao hơn con số 5 triệu nói trên nhiều. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính số tử vong do COVID-19 có thể cao gấp 2-3 lần con số thông báo chính thức, bởi có nhiều trường hợp bị bỏ sót khi thống kê. Tạp chí The Economist từng dự đoán con số tử vong thực tế sẽ rơi đâu đó vào khoảng 17 triệu người.

Một hệ lụy khác là đại dịch đã gây mức độ tổn thương không thể chủ quan đến sức khỏe tâm thần của mọi người. “Dịch bệnh không chỉ là nguyên nhân duy nhất gây tử vong. Căng thẳng tinh thần đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch kéo dài. Hai quốc gia châu Á là Nhật và Singapore đang ghi nhận tỉ lệ tự tử tăng từ 13% lên 16%. Cách ly, mất thu nhập, nỗi sợ hãi về đại dịch đã gây ra những tổn hại lớn về mặt tinh thần đối với người cao tuổi” - theo GS Fontanet.

Nhân viên y tế Mỹ tại một bệnh viện thuộc TP Salt Lake City, bang Utah hồi tháng 7. Ảnh: AP

GS Fontanet cảnh báo thực tế số ca tử vong và số ca nhiễm vẫn đang tăng chứng tỏ virus đang chuẩn bị bước sang giai đoạn mới. Ông giải thích sự xuất hiện của một chủng virus mới thông thường diễn tiến theo hai giai đoạn. Đầu tiên là “giai đoạn đại dịch bùng nổ”, gắn với việc virus lây lan nhanh trong bộ phận dân cư chưa từng bị lây nhiễm trước đó và gây nhiều ca tử vong. Giai đoạn 2 là thời kỳ virus chuyển sang bệnh đặc hữu, khi các cộng đồng đã tạo được lớp bảo vệ miễn dịch, buộc virus phải thu hẹp khả năng lây lan và tránh giết chết vật chủ quá nhanh để tồn tại.

Cầu nối để đẩy nhanh hơn nữa việc biến COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu là khẩn trương phủ sóng tiêm chủng. Việc tiêm vaccine cho phép tạo kháng thể nhân tạo ở người để chống lại virus. Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, WHO ước tính tỉ lệ tử vong là 2%. Đến những tháng tiếp theo, con số này đã tăng cao tới 7,3% vào tháng 5-2020. Tuy nhiên, nhờ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, tỉ lệ tử vong đã giảm xuống còn 2,02%, phù hợp với ước tính của WHO.

“Giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh diễn tiến ra sao sẽ phụ thuộc vào độ phủ vaccine ở từng quốc gia cũng như mức độ hiệu quả của từng loại vaccine. Sau vài tháng nữa thế giới có thể đạt tới ngưỡng an toàn trên phạm vi rộng khắp. Virus vẫn đang phát tán. Mục tiêu hiện tại không còn là diệt trừ virus nữa, mà là có được lớp bảo vệ tốt, chống được các ca bệnh nặng, tránh cho họ phải nhập viện hoặc tử vong” - GS Fontanet nói.

Chưa tăng được độ phủ vaccine toàn cầu

Theo Giám đốc Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore - GS Leo Yee Sin, ai cũng hiểu rõ vaccine là chìa khóa giúp con người kiểm soát COVID-19 về lâu dài, song vấn đề lớn nhất đến lúc này vẫn chưa giải quyết được là tình trạng thiếu công bằng trong tiếp cận vaccine, trong bối cảnh khoảng 50% dân số trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng.

Trong khi một số quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số và đang lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường, nhiều nước khác vẫn đang thiếu nguồn cung vaccine. Điều này nghĩa là khi một số nước kiểm soát được đại dịch thì nhiều nước khác vẫn tiếp tục bị các làn sóng lây nhiễm mới nhấn chìm.

Ngoài ra, một số quốc gia còn mắc phải một sai lầm cơ bản là không chịu đốc thúc việc tiêm chủng vaccine hàng loạt trong dân, dẫn tới việc số ca tử vong gia tăng đáng tiếc. Ông Leo dẫn ra tình hình dịch bệnh tại Mỹ trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra gần đây. Theo đó, các bang phía tây như California có tỉ lệ tử vong thấp nhờ thái độ quyết liệt của các chính quyền bang bắt buộc tiêm vaccine, trái ngược với một số bang khác ở miền Nam - nơi các thống đốc không quyết liệt về việc tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang, dẫn đến số người chết ở khu vực này cao.

“Nếu tất cả tiểu bang ở Mỹ đều có tỉ lệ tiêm chủng cao đồng đều nhau, hơn 90.000 người có thể đã được cứu sống. Hành động của các quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Sự lãnh đạo quyết liệt, dựa trên cơ sở khoa học, trong đại dịch là điều rất quan trọng” - ông Leo khẳng định.•

Tiềm ẩn nhiều rủi ro về COVID-19 cuối năm 2021

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định thế giới đến nay vẫn chưa thực sự kiểm soát được dịch COVID-19. Số ca bệnh trên thế giới vẫn ở mức cao và biến thể Delta vẫn tiếp tục lây lan. Trong khi đó, mùa đông đang đến và giới khoa học vẫn chưa biết liệu có thêm biến thể mới nào xuất hiện hay không và lại khiến số ca nhiễm, tử vong tăng vọt hay không.

“Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa thoát khỏi trạng thái khủng hoảng trong đại dịch này. Vẫn còn nhiều nơi trên thế giới phải hứng chịu những làn sóng lây nhiễm lớn và hệ thống y tế quá tải, đặc biệt là do sự lan rộng của biến thể Delta. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi dự đoán rằng COVID-19 sẽ không còn gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta giống như trong hai năm qua” - TS Stephen Kissler thuộc ĐH Harvard (Mỹ) trả lời tờ The Straits Times.

Ưu tiên hiện tại vẫn là tăng cường các nỗ lực toàn cầu để đảm bảo nhiều người hơn được tiêm chủng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Ông Kissler nhấn mạnh các nước có vaccine dư thừa nên chia sẻ với các khu vực khác trên thế giới và phải xây dựng năng lực sản xuất vaccine ở những nơi khó khăn trên toàn cầu.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/the-gioi-5-trieu-nguoi-chet-vi-covid19-noi-lo-chua-ket-thuc-1025543.html