Thầy thuốc 'nam tiến' hỗ trợ chống Covid-19

Những ngày qua, hàng loạt đoàn y sĩ, bác sĩ (BS) của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên đường vào chi viện, hỗ trợ các tỉnh phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các thành viên đoàn công tác của Bệnh viện Nhi T.Ư tập huấn chuyên môn trước khi vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ảnh: MINH HẠNH

Các thành viên đoàn công tác của Bệnh viện Nhi T.Ư tập huấn chuyên môn trước khi vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ảnh: MINH HẠNH

Đoàn y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư vào hỗ trợ chống dịch cho thành phố mang tên Bác gồm 15 BS và điều dưỡng thuộc các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm. Đây đều là những thầy thuốc trẻ ưu tú, có trình độ, năng lực và đầy nhiệt huyết, sẵn sàng lên đường chi viện, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn. Trước khi lên đường, bệnh viện tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy định về chuyên môn, quy trình kỹ thuật trong phòng, chống dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cho các cán bộ được cử đi hỗ trợ. Ngoài ra, tất cả y sĩ, BS trong đoàn đều được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (cho kết quả âm tính) và tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19. Theo phân công, đoàn sẽ vào tiếp sức điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2).

PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư tin tưởng với tinh thần nhiệt huyết cống hiến, các BS, điều dưỡng được cử đi tăng cường phát huy năng lực trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, giữ gìn kỷ luật, bảo đảm an toàn và đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. Điều dưỡng Quách Thành Tài (Trung tâm Bệnh nhiệt đới) chia sẻ cảm thấy rất vinh dự được đi tăng cường. Đồng thời xác định cùng tất cả thành viên trong đoàn nỗ lực hết mình, đồng lòng góp sức giúp TP Hồ Chí Minh sớm khống chế được đại dịch. Góp sức, chia lửa khống chế đại dịch Covid-19, những chiến sĩ áo trắng Bệnh viện Nhi T.Ư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ bình yên cho đất nước và sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Đoàn công tác y tế tiếp sức TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện E cũng đã lên đường ngày 27/7. Đoàn sẽ trực tiếp tham gia công tác điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến quận 9. Tham gia đoàn gồm 45 thành viên (15 BS và 30 điều dưỡng) của nhiều chuyên khoa như tim mạch, gây mê hồi sức, gây mê hồi sức tích cực ngoại tim mạch, phẫu thuật cột sống, hô hấp, cơ xương khớp, tiêu hóa, gan mật, thận tiết niệu và lọc máu, thần kinh, tai mũi họng, dị ứng, miễn dịch và lâm sàng… GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, đồng lòng cùng cả nước, Bệnh viện E sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Bệnh viện coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự tin tưởng của Bộ Y tế và cộng đồng xã hội.

Để tham gia đoàn công tác, các BS đã được tập huấn rất kỹ các kiến thức về phòng, chống dịch Covid-19, cách chăm sóc và điều trị người bệnh… TS, BS Phan Thảo Nguyên (Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch), Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện E khẳng định: "Khi Tổ quốc kêu gọi, chúng tôi là những người thầy thuốc sẵn sàng lên đường vào thẳng tâm dịch, bất chấp khó khăn, vất vả, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao". Trong khi đó, ThS, BS Trần Nam Chung (Phó Trưởng khoa Cơ xương khớp) thành viên đoàn công tác chia sẻ: "Các thành viên trong đoàn đã chuẩn bị hành trang đầy đủ về những kiến thức y khoa cũng như cập nhật và bổ sung thông qua các buổi tập huấn của bệnh viện, Bộ Y tế. Đối với người thầy thuốc, thì đây sẽ là một trải nghiệm khó quên, nhưng từ thực tế ở nơi tuyến đầu chống dịch, sẽ giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm học hỏi từ các đồng nghiệp trong công tác chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19".

Đoàn 28 cán bộ y tế của Bệnh viện K, gồm 8 BS, 17 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh trong chiều 27/7. Đoàn sẽ làm việc ở cơ sở hai của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh thực hiện điều trị hồi sức cho người bệnh Covid-19. Đây đều là những cán bộ có kinh nghiệm trong cấp cứu, chăm sóc, điều trị hỗ trợ người bệnh, công tác lấy mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn… BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Trưởng đoàn công tác cho biết: "Khi Bệnh viện K ở trong tâm dịch, cả nước đã hướng về chúng tôi, lúc đó mới thấu hiểu sự chung tay, chia sẻ, động viên dù là một chút thôi cũng rất đáng quý. Miền nam ruột thịt đang ở trong giai đoạn khó khăn, hơn lúc nào hết những đồng nghiệp của chúng tôi ở nơi đó rất cần sự chia sẻ. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng với các đợt tập huấn từ công tác cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; công tác lấy mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn. Là cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, chúng tôi sẵn sàng "chia lửa", đó không chỉ là sự chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ mà đó còn là "mệnh lệnh từ trái tim". Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy, một trong những cán bộ đầu tiên xung phong tình nguyện được chi viện cho miền nam khẳng định: "Ở đâu là tâm dịch, ở đâu cần cán bộ y tế, dù là nhiệm vụ và công việc gì, chúng tôi cũng sẵn sàng lên đường".

Thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian ngắn, hàng trăm thầy thuốc tinh nhuệ ở các bệnh viện tuyến trung ương đã lên đường tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Riêng thầy thuốc của năm bệnh viện: E, Nội tiết T.Ư, Nhi T.Ư, Da liễu T.Ư và Phụ sản T.Ư là gần 150 người. Với tinh thần "chia lửa cho tiền tuyến", những chiến sĩ áo trắng quyết tâm dốc hết sức mình vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp một phần nhỏ bé trong cuộc chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống đại dịch Covid-19.

PV

Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện chống dịch ở TP Hồ Chí Minh

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hai đợt chi viện nhân lực với tổng số: 3.969 người, trong đó có 700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 kỹ thuật viên, các nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên. Số nhân lực này, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp tính chất công việc: Điều trị người bệnh Covid-19 nặng, các bệnh viện dã chiến thu dung và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó có 2.154 người đăng ký tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Như vậy, TP Hồ Chí Minh đã nhận hơn 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng và vẫn rất cần sự hỗ trợ trong thời gian tới để giúp thành phố sớm ổn định cuộc sống trở lại.

HOÀNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/thay-thuoc-nam-tien-ho-tro-chong-covid-19-657128/