Thay khớp gối thành công cho bệnh nhân 56 tuổi

Bệnh nhân Nghiêm Thị H (56 tuổi, ở Hà Nội), bị thoái hóa khớp gối phải độ IV từ 10 năm nay đi lại rất khó khăn bởi các cơn đau liên tục hành hạ. Vì thế, ngày có thể 'chia tay' những cơn đau dai dẳng suốt nhiều năm, tự mình đi lại được trên đôi chân của mình với chị như một giấc mơ có thật.

Chị Hạnh cho hay, từ khi bị đau khớp gối phải, việc đi lại, sinh hoạt của chị rất khó khăn. "Nếu tôi muốn đi đâu tôi đều phải vịn đồ đạc xung quanh, hoặc có ai ở gần thì nhờ một tay. Dù cố gắng hay đi rất chậm nhưng tôi cũng khổ sở vô cùng vì đau. Có bệnh thì vái tứ phương”, gia đình đưa tôi đi điều trị “đông tây” đủ cả nhưng bệnh tình không đỡ. Tôi đã phải sống chung với những cơn đau hành hạ suốt 10 năm nay".

Bệnh nhân Hạnh tập đi bằng khung trợ đỡ vào ngày thứ thứ 4 sau mổ.

Vừa qua, chị Hạnh đã tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám với hy vọng sẽ có “phương thuốc” cứu chữa cho bên chân đau của mình. Sau khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ xác định chị đã bị thoái hóa khớp gối phải độ IV và cần phẫu thuật, nếu không các cơn đau không thể dứt điểm.

Trước khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân các bác sĩ đã phân tích rất thận trọng. BSCKII. Trần Quang Toản – Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa Hà Đông, người phẫu thuật cho bệnh nhân Hạnh nhận định: Tình trạng thoái hóa khớp gối phải của bệnh nhân rất nặng nguy cơ ca phẫu thuật sẽ diễn ra khó khăn.

"Đứng trước một ca phẫu thuật phức tạp và lại là lần đầu tiên thực hiện chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng các phương pháp điều trị để xử trí trước mổ, trong cuộc mổ và sau mổ, đảm bảo an toàn cho ca mổ và khả năng phục hồi cho người bệnh. Chọn phương pháp thay toàn bộ khớp gối phải bằng kỹ thuật ít xâm lấn, có đường mổ nhỏ. Kỹ thuật này có những ưu điểm vượt trội là tổn thương mô mềm quanh khớp ít nhất có thể, giúp bộc lộ chính xác vào ổ khớp cần thay. Do đó, bệnh nhân được giảm thiểu đau do phẫu thuật và phục hồi nhanh, phù hợp với độ tuổi và thể lực hiện tại", bác sĩ Toản phân tích.

Các bác sĩ đã tiến hành đo trên phim Xquang trước mổ và trên chân của người bệnh để tính toán được kích thước của khớp gối thay phù hợp. Từ đó sẽ giải phóng và cân bằng phần mềm khớp gối hợp lý để giúp bệnh nhân sau mổ có thể đi lại bình thường.

Ca mổ kéo dài 2 tiếng và thành công như dự kiến. Với hai bên chân cân xứng, chị Hạnh đã tập phục hồi chức năng từ ngày thứ 2. Có thể bước đi với khung trợ đỡ vào ngày thứ thứ 4 sau mổ. Tất cả triệu chứng đau khớp gối phải của chị đã không còn, vết mổ liền tốt.

Từ ca bệnh trên, bác sĩ Trần Quang Toản cũng khuyến cáo: Khi xuất hiện đau khớp hoặc nghi ngờ tổn thương khớp thì nên đi khám tại các cơ sở y tế sớm. Các trường hợp đau khớp, tổn thương khớp kéo dài và điều trị nội khoa không hiệu quả sẽ được bác sĩ cơ xương khớp khám kỹ càng để xem xét khả năng điều trị nội khoa, hay cần can thiệp thay khớp.

Hiện nay, các thủ thuật điều trị nội khoa hoặc can thiệp trực tiếp vào khớp, từ hút dịch, tiêm thuốc vào khớp… đều cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định tránh tình trạng tổn thương khớp, nhiễm trùng, dính khớp… Với các trường hợp thoái hóa khớp gối (độ III, IV) và người bệnh đau nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì phẫu thuật thay khớp với đường mổ nhỏ là một phương pháp tốt nhất giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thay-khop-goi-thanh-cong-cho-benh-nhan-56-tuoi-92230.html