Thầy giáo 'ô chữ'

Trong hơn 20 năm giảng dạy và công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Cần, giáo viên môn vật lý Trường THCS Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã liên tục tìm tòi, sáng tạo nên nhiều đề tài hay, bổ ích cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Cần (giữa) được Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo giai đoạn 2018 – 2023”

Tại giờ chào cờ đầu tuần của Trường THCS Thủy Phương, sau phần công bố điểm thi đua trong tuần và trò chuyện đầu tuần của thầy hiệu trưởng, các em học sinh của trường ồ lên vui vẻ khi thấy thầy Nguyễn Văn Cần bước ra cùng chiếc máy vi tính. Giờ chào cờ hôm nay vậy là có thêm phần “khởi động đầu tuần”. Phần thi ô chữ ấy về những chủ đề lịch sử, quê hương, đất nước… đã giúp các em học sinh có thêm kiến thức lịch sử, địa lý. Cũng bởi là người “chủ trì” cho phần “khởi động đầu tuần”, nên các em học sinh thường gọi thầy là thầy giáo “ô chữ”.

Trò chơi ô chữ được thầy Nguyễn Văn Cần bắt đầu nhen nhóm thực hiện vào năm 2007. Với trò chơi này, thầy Cần phải tự mày mò công nghệ Visual Basic for Application trong phần mềm trình chiếu power point trên máy tính nhằm tối ưu những phần chỉnh sửa, thêm câu hỏi, hình ảnh… Ấp ủ tròn 10 năm, thầy Cần mới có thể hoàn thiện đề tài trò chơi ô chữ để tham dự Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2017 và đạt giải ba.

Bên cạnh trò chơi ô chữ, thầy Nguyễn Văn Cần là gương mặt quen thuộc của Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Lần đầu tiên thầy tham dự Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh là năm 2013, với đề tài “Xây dựng nguồn học liệu điện tử” dành cho giáo viên sử dụng trong bài giảng môn vật lý cấp THCS. Nguồn học liệu bao gồm những video mô phỏng, những âm thanh, hiện tượng vật lý… “Nhiều lúc đứng lớp, giáo viên không có đủ điều kiện, công cụ để cho các em xem được những hiện tượng được nhắc đến trong sách giáo khoa. Do vậy, tôi đã tự làm các video mô phỏng, các âm thanh… để giúp cho thầy, cô và các em có những tiết học hiệu quả hơn”, thầy Cần chia sẻ.

Đến năm 2015, thầy Cần tiếp tục tham dự Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Ngân hàng số hóa di tích” để học sinh có thể tìm hiểu về lịch sử. Tổng cộng, 147 di tích lịch sử khắp cả nước đã được thầy tìm tư liệu, tổng hợp và đưa vào ngân hàng câu hỏi. Đến năm 2019, phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” do thầy Nguyễn Văn Cần phát triển tiếp tục có giải tại Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Với những cố gắng không ngừng nghỉ, thầy giáo Nguyễn Văn Cần từng 4 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo và 2 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 10 vừa qua, thầy Cần được Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo giai đoạn 2018 – 2023”.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các em học sinh THCS có những bộ sách mới với khối lượng kiến thức có phần mới mẻ hơn so với bộ sách cũ. Các giáo viên cũng phải làm quen với khung chương trình mới, chuẩn bị giáo án mới, thiết bị dạy học, minh họa… để có thể truyền tải kiến thức hiệu quả nhất cho học sinh. Đó cũng là điều làm thầy Cần băn khoăn, khi hiện nay nhiều giáo viên vẫn đang tham khảo và sử dụng nguồn học liệu điện tử của thầy cho việc giảng dạy.

“Theo sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới, nguồn tư liệu điện tử của tôi hiện nay đã trở nên cũ kỹ và xuất hiện nhiều thiếu sót. Hiện nay, tôi cũng có dự định làm mới nguồn tư liệu điện tử này, bổ sung thêm những phần còn thiếu sót để tiếp tục chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo khác”, thầy Cần nói.

Ngoài việc làm mới nguồn tư liệu điện tử, thầy Cần và các đồng nghiệp cũng ấp ủ dự định ra mắt tập sách “Bài tập cơ bản và nâng cao Khoa học tự nhiên lớp 9” trong năm 2024, nhằm giúp các em học sinh rèn luyện thêm những kiến thức đã được học.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/thay-giao-o-chu-135103.html