Thầy giáo mầm non duy nhất ở điểm trường '4 không' trên cao nguyên đá Đồng Văn

Thầy giáo Lương Đình Vệ (sinh năm 1992) là giáo mầm non duy nhất của huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Vượt định kiến, “ươm mầm trên đá”

Thầy bắt đầu nhận công tác từ tháng 3/2013, đến nay, thầy Vệ đã có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Sinh ra và lớn lên ở địa phương, lại là người con dân tộc Giáy, thầy Vệ luôn trăn trở làm sao có thể đưa “cái chữ” đến cho những đứa trẻ dân tộc thiểu số nơi đây.

“Gia đình tôi thuộc diện chính sách, một trong những hộ nghèo nhất huyện, nên cả hai anh em tôi được Nhà nước hỗ trợ ăn học đến hết năm 18 tuổi. Một phần vì thế mà ước mơ từ tấm bé của tôi đã là được trở thành một thầy giáo, chăm sóc và dạy chữ cho những em nhỏ nơi đây giống như mình” - thầy Vệ nhớ lại.

Ước mơ cao đẹp đến vậy mà chàng trai năm ấy đã từng phải phải giấu bạn bè, người thân và cả những người quen biết để theo đuổi công việc giáo viên mầm non.

Thầy Vệ tâm sự: “Thực ra, thời điểm mà tôi đi học, tôi vẫn phải giấu gia đình, bạn bè, ai cũng nghĩ là tôi học sư phạm tiểu học, chứ không phải mầm non. Buổi đầu vào lớp, giáo viên Mỹ thuật ở trường cao đẳng cũng ngỡ tôi vào nhầm lớp, vì chỉ có mình tôi là nam. Thầy còn định mời tôi ra khỏi lớp để các bạn học tập, nhưng khi biết tôi đích thị là sinh viên của lớp sư phạm mầm non, thầy rất bất ngờ và bày tỏ xin lỗi. Nhưng cũng nhờ kỷ niệm khó quên đó, mà hai thầy trò sau này lại càng trở nên thân thiết hơn và thường xuyên giữ liên lạc.

Đến cả khi tôi học xong ra trường, đi xin việc, cũng ít ai biết tôi làm thầy giáo mầm non, cho đến tận khi tôi được tuyển dụng và bắt đầu đi làm. Ở khu tôi sống, định kiến giới vẫn còn in hằn khá sâu, nên việc tôi trở thành giáo viên mầm non, khiến nhiều người không hiểu được, thậm chí, có người còn nghi ngờ về giới tính của tôi, gọi tôi là “cô Vệ”...

Những ngày đầu lên lớp, nhiều đồng nghiệp cũng trêu, mà học sinh cũng chỉ gọi tôi là cô giáo, thậm chí gọi bác, gọi chú, chứ không gọi là thầy giáo”.

Theo lời kể của thầy Vệ, phải đến khi lập gia đình, những tin đồn về giới tính của mình mới được đập tan: “Bởi vì, trước đó, định kiến giới trong lòng mọi người quá lớn, nên có nhiều dị nghị, nghĩ rằng giáo viên mầm non là nghề chuộng múa hát, chỉ có các bạn nữ mới lựa chọn. Tuy nhiên, bản thân tôi từ rất lâu đã nghĩ ngành mầm non sinh ra không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ, giống như nhiều người cứ nghĩ làm việc nhà của phụ nữ, nhưng không phải vậy... Tôi kiên định theo đuổi ước mơ, cũng là để cho mọi người nhìn thấy rằng, việc gì phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được, như vậy mới là bình đẳng”.

Một mình đến điểm trường “4 không”

Hiện tại, thầy giáo Lương Đình Vệ là giáo viên mầm non duy nhất tại điểm trường Nhìa Lũng Phìn, Trường Mầm non Tả Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Nơi đây được mệnh danh là điểm trường “4 không” - tức là không có điện, không có nước sạch sinh hoạt, không có sóng điện thoại (muốn liên lạc thì sang xã khác) và không có phòng học.

“Ở đây, trước từng có lớp tiểu học, nhưng vì học sinh quá ít nên đã được dồn qua một điểm trường khác, lớp mầm non của tôi hiện chưa có phòng học nên học nhờ ở lớp tiểu học đó” - thầy Vệ lý giải.

Nam giáo viên cũng bộc bạch: “Tôi dạy lớp ghép với khoảng 20 trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Một mình một lớp, tất cả đều phải tự quán xuyến. Đôi khi, học sinh học cả ngày, tôi lại đi xin mì tôm và rau để nấu cho các em. Bởi không phải gia đình em nào cũng có cơm trắng để mang theo, có những em chỉ có lưng cặp lồng mèn mén mang theo lót dạ qua bữa, nhìn thấy thương lắm”.

Hít một hơi thật sâu, thầy Vệ nhớ lại những năm tháng đầu tiên làm quen với nghề giáo: “Thú thực, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng điều kiện như hiện nay cũng đã được cải thiện rất nhiều rồi. Ngày đầu tiên lên nhận công tác, tôi đã được phân công đến xã xa xôi nhất của huyện Đồng Văn - xã Vần Chải. Hồi ấy, để đi được vào đến điểm trường, chúng tôi phải vất vả lắm, xe cộ không sẵn như bây giờ, mà giả dụ có xe cũng chưa chắc đã đi được vì đường quá khó đi, chỉ có thể đi bộ. Mỗi lần đi như vậy cũng mất khoảng 2 tiếng rưỡi.

Vì lẽ đó, giáo viên ăn ngủ tại điểm trường là chuyện hết sức bình thường. Đồng Văn là mảnh đất khan hiếm nước, tất cả nước sinh hoạt chỉ trông vào nước mưa, chứ cũng chẳng tìm được nước nguồn, nên phải tiết kiệm nước một cách triệt để. Mỗi tuần, mới đi về trung tâm một lần để giặt quần áo và mua thực phẩm cho cả tuần.

Thời điểm đó, các thầy cô ở 3 điểm trường cùng dồn lại 1 điểm để ăn uống, sinh hoạt cho tiết kiệm. Ngày tạnh ráo thì không sao, chứ hễ trời mưa là dột lỗ chỗ, các thầy cô phải dịch chuyển đồ khắp nơi, có khi cả đêm không ngủ vì “chạy mưa”. Những điểm trường này, cho đến nay vẫn chưa có điện, thầy cô chỉ có thể tranh thủ soạn bài vào buổi sáng hoặc sử dụng đèn tích điện mang từ trung tâm vào.

Hài hước nhất là sóng điện thoại, vào vùng này mà dùng điện thoại cảm ứng là có khi chịu, không dò được sóng, chỉ có điện thoại “cục gạch” 1280 là bắt được. Chúng tôi phải bọc túi bóng kín lại, để đỡ bị dính nước mưa, rồi treo điện thoại ở một vị trí cố định ở sân mới có sóng nhận được tin nhắn”.

Bản thân là người Giáy, nhưng học sinh chủ yếu lại là người dân tộc Mông, nên thầy Vệ cũng gặp không ít khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ: “Phụ huynh ở đây cũng không biết tiếng phổ thông, nên việc giao tiếp thoạt đầu rất khó khăn, nhiều khi phải minh họa cả bằng hình ảnh hay ngôn ngữ hình thể”.

Thầy Vệ chia sẻ, một trong những thuận lợi nữa ở điểm trường hiện tại chính là được Ủy ban nhân dân xã Tả Phìn hỗ trợ lắp máng nước để hứng nước mưa vào bể dự trữ.

“Khi học sinh đến lớp, nếu có đùa nghịch bẩn tay, bẩn chân, tôi có thể dùng nước trực tiếp ở đó để rửa cho các em. Không chỉ vậy, tôi cũng thường xuyên dành thời gian cắt móng tay, móng chân cho các em, để đảm bảo vệ sinh” - thầy giáo mầm non kể.

Vào mùa đông, khi khí hậu trở nên lạnh giá, phụ huynh học sinh lại góp những bó củi nhỏ để thầy giáo có thể đốt lửa sưởi vào những ngày rét buốt. Trong không gian ngay giữa lớp học, thầy Vệ đã tự tay cải tạo lại nền bê tông để chống cháy nổ, sau đó xếp đá thành một vòng tròn, và đốt lửa sưởi ấm mỗi khi nhiệt độ xuống thấp hoặc có mưa phùn rét mướt.

“Những ngày như vậy, thầy trò ngồi quây quần bên nhau, cùng học hát, đọc thơ. Các em vừa được ấm áp, lại có những bài học hay” - thầy Vệ chia sẻ về kỷ niệm những ngày diễn ra giờ học đặc biệt.

Theo thầy Vệ, làm giáo viên trên bản sâu, ai cũng phải có bí quyết giữ học sinh: “Với các thầy cô ở điểm trường, thì việc lúc nào cũng giữ kẹo trong người cũng là một mẹo để vận động học sinh đi học. Từ sáng sớm, khi các em đi học thì tôi chưa cho kẹo, nhưng nếu các em học ngoan đến chiều mới về, sẽ được nhận kẹo. Hôm nào tôi cũng dặn: Ngày mai các em lại đi học để nhận thêm kẹo nhé! Như vậy các em mới thích đi học”.

Miệt mài với lớp xóa mù chữ miễn phí cho phụ huynh

Thầy Vệ tâm sự, làm thầy giáo ở vùng khó, ấn tượng lớn nhất chính là đón nhận được tình cảm của người dân.

“Mặc dù người dân ở đây đều còn nghèo khó, nhưng tình cảm lúc nào cũng ấm áp, đong đầy. Không chỉ riêng ngày lễ Tết, mà vào ngày thường, phụ huynh cũng thỉnh thoảng lại mang rau, thịt, trứng gà... đến cho thầy giáo. Mỗi khi bể dự trữ của thầy cô khan nước, trưởng thôn lại họp với dân, phân công mỗi nhà góp 20 lít nước để hỗ trợ thầy cô” - thầy kể.

Với thầy giáo mầm non 32 tuổi, niềm vui lớn nhất chính là giúp các em học sinh biết chào hỏi, giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Không chỉ vậy, những tối ở lại điểm trường, nhiều phụ huynh cũng đến nhà nhờ thầy Vệ dạy chữ. Thế nên, mặc dù không có trong kế hoạch, thầy giáo trẻ vẫn miệt mài bên những lớp xóa mù chữ miễn phí cho người dân. “Nhìn thấy người dân có thể nhận biết mặt chữ và mệnh giá tiền, tôi cũng thấy vui trong lòng” - nam giáo viên khẽ mỉm cười.

Dù còn nhiều vất vả, nhưng thầy giáo Lương Đình Vệ vẫn luôn cho rằng, lựa chọn nghề này là hoàn toàn đúng đắn.

“Dẫu có bao nhiêu khó khăn, tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, chỉ cần nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ khi được học điều mới. Nhất là sau nhiều năm, học sinh cũ gặp lại vẫn nhớ đến thầy, đó là niềm hạnh phúc không gì có thể diễn tả” - thầy Vệ bày tỏ.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thay-giao-mam-non-duy-nhat-o-diem-truong-4-khong-tren-cao-nguyen-da-dong-van-post236315.gd