Thấy gì từ kỷ lục chốt đơn của VinFast VF 3?

Gần 28.000 đơn đặt cọc VinFast VF 3 sau 66 giờ mở bán là kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô Việt Nam từ trước tới nay.

Kỷ lục của thị trường ô tô

Theo thông tin VinFast công bố ngày 16/5, đã có 27.649 đơn đăng ký mua ô tô điện mini VinFast VF 3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm, tương đương gần ba ngày. Trung bình, mỗi giờ có 419 đơn cọc VF 3 và mỗi phút có gần 7 người đặt mua xe.

Đáng chú ý, đây đều là những đơn đặt cọc không được hoàn/hủy, với mức cọc 15 triệu đồng/xe.

VinFast VF 3 có số lượng đặt cọc cao kỷ lục.

VinFast VF 3 có số lượng đặt cọc cao kỷ lục.

Trước đó khi bắt đầu nhận đặt cọc mẫu xe điện đầu tiên của hãng là VF e34 vào ngày 24/3/2021, VinFast ghi nhận 4.000 đơn đặt hàng sau 12 giờ đầu tiên, và hơn 25.000 đơn tính đến cuối tháng 7/2021.

Bộ đôi VinFast VF 8 và VF 9 chính thức nhận đặt trước từ 8h ngày 6/1/2022. Theo VinFast, đến 14h cùng ngày, hãng nhận 11.685 đơn đặt cọc, gồm 7.591 đơn VF 8 và 4.094 đơn VF 9.

Số lượng đặt cọc VF e34, VF 8 và VF 9 kể trên đều được phép hủy và hoàn lại tiền nếu không lấy xe.

Một mẫu xe điện cỡ nhỏ khác của VinFast là VF 5 Plus có 3.293 đơn đặt cọc sau 9 giờ mở bán đầu tiên, từ 8-17h ngày 10/12/2022. Số lượng cọc không được hoàn/hủy là 2.628, và được hoàn/hủy là 665 đơn.

Nhìn vào những số liệu kể trên, có thể thấy sức hút từ VinFast VF 3 lớn hơn rất nhiều những mẫu xe điện mà hãng từng ra mắt trước kia. Theo thống kê từ VinFast, đây là kỷ lục chưa từng có trên thị trường ô tô.

So sánh nhanh, 27.649 đơn đặt cọc VF 3 lớn hơn tổng lượng ô tô các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra trong tháng 4 (24.350 chiếc), và cao hơn gần 8.000 so với mẫu xe bán chạy nhất năm 2023 là Mitsubishi Xpander (19.740 chiếc).

Đánh dấu nhiều cột mốc mới

Màn ra mắt của VinFast VF 3 đánh dấu nhiều cột mốc mới cho hãng xe Việt. Lần đầu tiên tại Việt Nam, sản phẩm ô tô được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee hay VinID, cũng như chốt đơn thông qua 9 phiên livestream do 15 người có ảnh hưởng với cộng đồng (KOLs) phối hợp thực hiện.

VF 3 cũng trở thành mẫu xe đầu tiên đạt lượng đơn đặt hàng trực tuyến vượt 50% tổng số đơn hàng, cho thấy sự phát triển vượt bậc của mô hình kinh doanh O2O (Online-2-Offline).

Việc VinFast nhanh chóng mời các đơn vị báo chí, truyền thông thử nghiệm một mẫu xe chưa hoàn thiện cũng là quyết định táo bạo và chưa có tiền lệ, phần nào cho thấy sức nóng của VF 3.

Sau sự kiện nhận cọc VF 3, cổ phiếu VFS của VinFast giao dịch tại sàn chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Chốt phiên 13/5, VFS tăng 51,5% so với cuối tuần trước lên vùng giá 4,56 USD. Trong phiên giao dịch 15/5, VFS tiếp tục tăng giá 3,16%.

Tại Việt Nam, cổ phiếu VIC trên sàn HoSE tăng nhẹ 0,86% với tin đặt cọc kỷ lục, chốt phiên 16/5 quanh vùng giá 46.750 đồng. Tính từ cuối tháng 4 đến nay, thị giá VIC tăng 12% từ 41.000 lên 46.000 đồng/cổ phiếu.

Sức hút lớn của VinFast VF 3 đến từ nhiều yếu tố, như giá bán thuộc diện rẻ nhất thị trường, kích cỡ và trang bị tốt hơn đáng kể đối thủ cùng phân khúc, hệ thống trạm sạc phủ rộng, hay sự đảm bảo từ một thương hiệu Việt Nam đang sở hữu hệ sinh thái xe điện đồ sộ với chiến lược phát triển bài bản.

Chí Vũ

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/thay-gi-tu-ky-luc-chot-don-cua-vinfast-vf-3-192240517111019907.htm