Thấy gì từ các phim chiếu Tết năm 2024?

Phim tư nhân, phim nhà nước, phim Tết 'chính danh' và phim Tết không 'chính danh', đủ cả. Thế nhưng kết quả ra rạp của mỗi phim lại mỗi khác.

Dịp Tết (nguyên đán) năm 2024 vừa qua, nhìn vào những phim điện ảnh Việt Nam ra rạp, ta thấy có cả thảy sáu phim, trong đó bốn phim do tư nhân sản xuất và hai phim do nhà nước đầu tư, đặt hàng. Cả bốn phim tư nhân: “Mai” (nhà sản xuất/ đạo diễn Trấn Thành), “Trà” (đạo diễn Lê Hoàng), “Sáng đèn” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường), và “Gặp lại chị Bầu” (đạo diễn Nhất Trung) đương nhiên đều là những phim Tết “chính danh”. Bởi hàng chục năm nay, từ khi có điện ảnh thị trường, các nhà làm phim tư nhân nhạy bén đã thừa biết rằng Tết chính là khoảng thời gian vàng để họ có thể đưa phim ra rạp mà kiếm bộn tiền. Ngã ngũ thắng thua thế nào thì chưa ai dám chắc, nhưng Tết nằm trong tính toán của họ, một sự tính toán chặt chẽ đến mức có thể khẳng định không bộ phim tư nhân nào mà lại ra rạp vào dịp Tết theo cách ngẫu nhiên cả.

Theo cái lý ấy thì hai bộ phim nhà nước: “Hồng Hà nữ sỹ” của nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Nguyễn Đức Việt, và “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là những phim Tết... không “chính danh”. Vì trên thực tế, cả hai phim đều được hoàn thiện khoảng cuối năm 2023, nhưng sau một buổi chiếu giới thiệu với báo chí thì... thôi, cất kho, ngẫu nhiên làm sao đúng dịp Tết Giáp Thìn (tháng 2 năm 2024) lại có lệnh công chiếu, tất nhiên ở một cụm rạp thuộc sở hữu và quản lý của nhà nước, tức Trung tâm chiếu phim Quốc gia nằm trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Thế là bỗng dưng chúng thành phim chiếu Tết.

Hơn nữa, cho đến tận bây giờ thì vẫn vậy thôi, phim do nhà nước đầu tư, đặt hàng nghĩa là những bộ phim mà nhà nước chỉ quan tâm đến việc rót tiền vào khâu sản xuất – sau một quy trình duyệt kịch bản khá khắt khe – sau đó là duyệt phim, chứ không quan tâm đến việc phát hành, quảng bá phim, không quan tâm việc phim phải bán được vé để thu hồi vốn và có lãi (có chăng là mang phim ra chiếu vài buổi nhân các dịp kỷ niệm nào đó mà thôi), nên Tết thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Bức tranh chung là như vậy: phim tư nhân, phim nhà nước, phim Tết “chính danh” và phim Tết không “chính danh”, đủ cả. Thế nhưng kết quả ra rạp của mỗi phim lại mỗi khác, cả về doanh thu phòng vé lẫn hiệu ứng tâm lý với công chúng khán giả. Đáng để nói nhất là trường hợp của hai phim: “Mai” và “Đào, phở và piano”.

Với phim “Mai”, kể từ ngày ra rạp (mồng 1 Tết nguyên đán) đến trung tuần tháng 3 năm 2024, khoảng tháng rưỡi, nó đã tung hoành ở mọi cụm rạp trên cả nước, đạt doanh thu 500 tỉ, xô đổ mọi kỷ lục phòng vé từ trước đến nay, khiến Trấn Thành có thể xứng đáng được gọi là “siêu nhà sản xuất của điện ảnh Việt Nam”. Tại sao như vậy?

Vì phim “Mai” được truyền thông cực tốt, cả về mức kinh phí khổng lồ bỏ ra cũng như về tính chuyên nghiệp, bài bản của sự truyền thông cho một bộ phim.

Thứ hai, vì qua các phim Tết gần đây như “Bố già” hay “Nhà bà Nữ”, nói theo giọng xã hội học, Trấn Thành đã tích lũy được số vốn tư bản tượng trưng cần thiết để làm nên một cái tên thừa sức kéo khán giả nói chung phải ào ào đến rạp xem phim “Mai” của mình.

Thứ ba, vì mục đích của “Mai” là phim phòng vé, hướng đến số đông công chúng, nên Trấn Thành đã quyết liệt, bằng toàn bộ tiền bạc, kinh nghiệm và tài năng của mình để đạt được mục đích đó, và anh đã thành công. Phim “Mai” kể những câu chuyện đời thường theo một cách đầy hấp dẫn, với nhiều tình huống số phận éo le, theo đủ các cung bậc cảm xúc khiến cho đa số công chúng khán giả - như nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Minh Tuấn nhận xét - bị cuốn đi, và họ đã thích thú được khóc được cười khi xem phim vì thấy một phần nào chính mình, diện mạo tinh thần và cuộc đời mình, ở trong đó.

Phim “Mai” xô đổ mọi kỷ lục phòng vé từ trước đến nay.

Nhưng cũng chỉ thế thôi. Phim “Mai” tạo được kỷ lục phòng vé đáng mơ ước chỉ chứng tỏ rằng nó là một bộ phim thương mại đã chiến thắng một cách ngoạn mục, tại phòng vé. Còn ngoài ra, những cái gì đó thuộc về nghệ thuật cinema, những cái gì đó như sự tìm tòi một ngôn ngữ điện ảnh mới, mang đậm dấu ấn sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thậm chí đặc dị của cá nhân đạo diễn, những cái gì đó khiến việc làm phim như một nghệ thuật có thể nhích thêm lên một chút, thì ở phim “Mai” không hề có.

Cũng chẳng nên bắt nó có, vì đó không phải mục tiêu mà nhà sản xuất/ đạo diễn đặt ra, không phải sứ mạng mà anh ta phải gánh hay thích gánh. Việc này cần được phân biệt cho rõ, không nên lẫn lộn giữa những phim như phim “Mai” của Trấn Thành với phim như “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân, chẳng hạn.

Về phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, thì đây lại là một trường hợp đặc biệt theo cách khác. Tôi từng có một bài viết gọi phim này là một “bí mật của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Bởi vì, nhắc lại, nó là phim do nhà nước đặt hàng. Và như mọi phim nhà nước từ trước đến nay, ngoài việc kinh phí sản xuất khá hạn chế, nó rất ít được quan tâm để đầu tư cho khâu truyền thông, quảng bá.

Thế mà, sau vài ngày đầu im ắng, “Đào, phở và piano” chợt bùng lên dữ dội, khiến Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã phải từ 3 buổi chiếu/ ngày tăng lên đến hơn 20 buổi chiếu/ ngày mà vẫn không đủ vé phục vụ nhu cầu khán giả. Nhà biên kịch điện ảnh Trịnh Thanh Nhã từng giả định giải thích rằng đây là do “truyền thông bản năng”, nghĩa là khán giả xem phim thấy thích, thấy xúc động, nên họ tự phát lan truyền trong cộng đồng và khiến cho bộ phim có được hiệu ứng xã hội rộng lớn.

Đào, phở và piano”, xét ở chủ đề/ đề tài, gọi là phim lịch sử, phim chiến tranh cách mạng hay phim về văn hóa truyền thống dân tộc (ở đây là phong cách/ tính cách “người Hà Nội” trong tình thế lịch sử đặc biệt) đều được. Chủ đề/ đề tài ấy, cộng thêm việc nhà làm phim không phải chịu sức ép của việc phải bán vé, theo tôi nghĩ, có khi lại là những tác nhân tích cực để nó hướng đến trở thành một phim nghệ thuật đích thực.

Nhưng, bất chấp cái hiệu ứng xã hội mà nó tạo được – cũng chỉ trong việc chiếu ở phạm vi Trung tâm chiếu phim Quốc gia thôi, tôi nhấn mạnh – tôi thấy đây vẫn là một bộ phim nghệ thuật... dang dở.

Vì, thứ nhất, nó nhiều sạn về bối cảnh, trang phục, đạo cụ, những cái lỗi không nên có ở những tác phẩm điện ảnh tái hiện diện mạo một thời chiến tranh vệ quốc.

Thứ hai, nó nhiều sự không-khớp trong câu chuyện được kể lại: không-khớp giữa các chi tiết trước/ sau trong “văn bản điện ảnh”, không-khớp giữa logic của hành động trong phim với logic của hiện thực lịch sử được tái hiện. Ví như: đang cảnh Hà Nội tiêu thổ kháng chiến, quân ta quân giặc đang cầm cự nhau quyết liệt thì một cô tiểu thư quay lại, nhất quyết đòi đưa cây đàn piano to tướng từ tầng trên xuống mặt đất, chuyển đi, thì để làm gì?

Các anh tự vệ thủ đô cũng chiều cô, xúm lại, ra sức đưa cây đàn xuống, có tin được không? Lính Tây thấy thế liền nã súng, nhưng không bắn người (địch quân) mà lại bắn vào cây đàn, có thể nào ngớ ngẩn đến thế? “Thâm ý” gì ở đây, trong những chi tiết... trời ơi như vậy? (Tôi nhấn mạnh: đây là một bộ phim tái hiện hiện thực lịch sử. Chứ nó mà là phim theo ngôn ngữ biểu hiện/ tượng trưng như “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân, hay “Xuân, Hạ, Thu, Đông, rồi lại Xuân” của đạo diễn Hàn quốc nổi tiếng Kim Ki Duk, thì tôi đã không thắc mắc).

Đó là những gì mà tôi thấy, tạm chưa có kết luận, về phim chiếu rạp của Tết Giáp Thìn năm 2024.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Hoài Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-gi-tu-cac-phim-chieu-tet-nam-2024-a654799.html