Thấy gì qua hiện tượng sốt giá cà phê?

Thị trường cà phê robusta đang xảy ra đợt sốt giá được cho là bất thường. Trên thị trường nội địa, giá chào bán có lúc lên đến 105 triệu đồng/tấn. Đấy cũng là mức cao chưa từng thấy nhưng nhiều người tin đà tăng vẫn còn, chưa thể dừng lại tại đó.

Tại sàn kỳ hạn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham khảo, cũng nóng không vừa.

“Nếu như đầu tháng 12-2023 khi vụ thu hoạch nhiều nơi đang bắt đầu rộ, cầu sao cho chốt bán giá các hợp đồng xuất khẩu theo giá niêm yết sàn kỳ hạn ở mức 2.600 đô la Mỹ/tấn, thì mới ngày 4-4-2024 đã chạm đỉnh 3.769 đô la/tấn,” chủ một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu ở Gia Lai cho biết. Cũng từ đó, giá kỳ hạn London cứ lên liên tục, chưa ai dám chắc nó sẽ dừng tại mức ấy.

Thật ra, chẳng ai ngờ giá phóng nhanh đến vậy, thị trường nguyên liệu từ 60-65 triệu đồng/tấn trong những ngày đầu niên vụ đã nhảy lên 90, 95, rồi 100 và nay (5-4-2024) đang ngất ngưởng quanh 102-103 triệu đồng/tấn.

Giá cao là câu chuyện của cung-cầu, nhưng điều lạ là hàng hóa lưu thông trên thị trường hết sức “họa hoằn”. “Năm ngoái, giờ này còn mua được vài ba trăm tấn nếu người mua chấp nhận giá cao, nhưng năm nay kiếm ra được mươi tấn là đã mừng lắm,” một doanh nghiệp thu mua tại Buôn Ma Thuột nói vậy.

Một số bài phân tích thị trường trong và ngoài nước gán chuyện rằng hàng khan là do nhà vườn Việt Nam ém hàng. Nhưng nhiều người cho biết đã bán hết khi “giá lên 60-65 triệu đồng/tấn chứ còn đâu bây giờ để mà ôm”. Giá lên 50 triệu đồng/tấn đã kéo dài hàng năm nay, nên đến mức ấy, nhiều nhà vườn đã không ngần ngại bán, kể cả bán “lúa non”.

Câu chuyện của thị trường cà phê hiện nay cần hiểu rằng giá tăng không do sức ép ngưng, giảm bán từ nhà vườn mà có nguyên nhân từ khâu phân phối, lưu thông, từ các chủ vựa đến các nhà xuất khẩu. Một số nhận định cho rằng dòng chảy hàng hóa “nghẽn” đâu đó mang đậm yếu tố thị trường, nhiều người trữ hàng, chủ yếu là các cơ sở thu mua, tin giá tăng là do Việt Nam mất mùa lớn, nên có thể họ muốn trữ lại để đầu cơ giá lên.

Hơn nữa, trong bối cảnh giá đầu vào cao trong khi nguồn vốn để thu mua rất hạn hẹp, năm nay mua 1 tấn bằng các năm trước làm 2 hay 3 tấn, thì chuyện hàng cà phê lưu thông trên thị trường nội địa ít đi là chuyện dễ hiểu. Giá nội địa tăng, qua niềm tin mất mùa ấy, chỉ cần người này chuyền tay qua người kia, giá trong nước lại được nâng lên…, nhưng hợp đồng bán xuất khẩu mới được cho biết là rất ít vì giá cà phê Việt Nam không còn cạnh tranh được với các nơi khác như Brazil chẳng hạn.

Có những mâu thuẫn trong các nguồn thông tin mà người trên thị trường thường ít kiểm chứng, như được cho là mất mùa nhưng khối lượng xuất khẩu tăng. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Cà phê & Ca cao (Vicofa): Trong 3 tháng đầu năm, “Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỉ USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 57,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cà phê robusta nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỉ USD, còn cà phê nhân arabica chỉ xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD”. Đó là chưa kể tháng 12-2023 Việt Nam xuất khẩu đạt gần 210 ngàn tấn thì số còn lại để xuất khẩu cho 6 tháng cuối niên vụ chỉ còn chừng 500 ngàn tấn.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới ICO (tháng 3-2024), 5 tháng đầu niên vụ 2023/24, cà phê robusta xuất khẩu trên toàn thế giới tăng 9,2% đạt 20,11 triệu bao (bao=60 ki lô gam) so với cùng kỳ 2022 là 18,41 triệu bao.

Như vậy, hiện tượng giá tăng trên sàn kỳ hạn robusta London không thể giải thích do một mình nguyên nhân từ yếu tố cung cầu mà còn do dòng vốn hoán đổi của thị trường tài chính qua sự lèo lái của các tay đầu tư và kinh doanh tiền bạc. Chỉ tính riêng trên sàn robusta London, các quỹ đầu tư trong nhóm quản lý vốn (Money Management) đã trữ một lượng hợp đồng mua khống lớn suốt hơn cả năm nay chưa chịu nhả ra. Tính đến ngày 26-3-2024 họ còn giữ 43.399 hợp đồng mua khống tương đương với 433.990 tấn so với mức cao kỷ lục từng được ghi nhận là 490.430 tấn.

Giá kỳ hạn robusta sẽ rớt trở lại khi các nhà đầu tư chịu xả hàng mua khống này ra. Khi nào? Có lẽ khi tình hình tài chính, ngân hàng các nước tiêu thụ (Mỹ và EU) ổn định, lãi suất ngân hàng bắt đầu đi vào nền nếp… thì mới tính chuyện bán ra đạp giá xuống. Bây giờ thì sao? Đang chờ các “con mồi” nhỏ, khi những nhà kinh doanh nhỏ lẻ mua đủ lượng hàng giấy ở các mức cao, thì bấy giờ mới “tung lưới bắt trọn.

Những điều đáng suy nghĩ: giá xuất khẩu robusta bình quân 3 tháng đầu năn 2024 chừng 3.050 đô la/tấn, trong khi giá nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá sàn London chừng 500-600 đô la/tấn. Trong khi đó giá cà phê robusta tại Việt Nam đang cao hơn của Brazil chừng từ 500-600 đô la/tấn. Chính vì vậy mà nhiều nhà xuất khẩu than không thể giao kịp những hợp đồng đã ký và bán mới…

Giá nội đang đội giá ngoại. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã phải mua robusta của Brazil để giao cho bạn hàng nhằm vừa chống lỗ vừa để giữ uy tín. Nhiều nhà rang xay tại các nước tiêu thụ đã lên tiếng e phải thay đổi công thức phối trộn và hạ tỷ lệ sử dụng cà phê robusta Việt Nam vì hàng không được sẵn sàng… Một số nhà nhập khẩu đang đi tìm nguồn hàng thay thế từ các nước khác do nhiều nhà xuất khẩu trễ nãi trong chuyện giao hàng…

Xem ra vấn đề thiếu hàng đang bị nghi ngờ do giá kỳ hạn và trong nước tăng hơn là hụt nguồn. Nếu tình trạng này tiếp tục, sẽ rất không có lợi cho thị phần cà phê robusta Việt Nam năm nay và các năm sau, “giá nội đội giá ngoại” đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cà phê và không khéo, nếu không tìm cách tháo gỡ, làm mất uy tín của ngành cà phê và triệt tiêu luôn cấu trúc xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều người tại thị trường trong nước chỉ đang nhìn theo hướng giá tăng mà không muốn nhìn theo cách giá xuống. Nếu giá còn tăng, lợi riêng có thể nhiều, lợi chung chẳng được mấy vì giá cao đang ngăn dòng chảy xuất khẩu. Nếu giá xuống, lỗ riêng từng người trữ hàng sẽ không thấy nhưng lỗ to cả xã hội và ngành cà phê gánh chịu là rất lớn.

(*) doanh nghiệp ngành cà phê

Nguyễn Quang Bình (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thay-gi-qua-hien-tuong-sot-gia-ca-phe/