Thay đổi quản lý về an toàn thực phẩm: Nhà nước và doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), doanh nghiệp (DN) được tiết giảm đáng kể về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) giảm áp lực công việc, tiết kiệm ngày công, chi phí quản lý.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Thanh)

Điển hình về cải cách phương thức quản lý

Ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP (NĐ 15), thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38)

Tại Hội thảo “5 năm triển khai NĐ 15 về ATTP: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu Kinh tế TW (CIEM) tổ chức hôm qua (22/3), TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) đánh giá, NĐ 15 là điển hình cải cách về phương thức QLNN đối với cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) và hàng hóa.

Những thay đổi nổi bật của NĐ 15 như: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của DN và mức độ rủi ro của hàng hóa; Bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; Cải cách toàn diện QLNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu (NK); Phân cấp QLNN, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; Tạo sự linh hoạt, chủ động cho DN trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm;…

Theo bà Thảo, chỉ riêng quy định cho phép DN tự công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm (đối với sản phẩm có nguy cơ thấp) đã giảm ít nhất 90% số giấy phép (Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP). Hay như các quy định thay đổi căn bản trong kiểm soát ATTP đối với thực phẩm NK đã giúp cho 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra…

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ví NĐ 15 là “món quà” của Chính phủ dành cho DN. “Có thể nói, thành công của NĐ 15 chính là thay đổi tư duy và phương pháp quản lý. Đó là dựa vào lòng tin, tăng cường hậu kiểm và áp dụng quản lý rủi ro…” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiệu quả lớn

Theo đánh giá của Bộ Y tế, NĐ 15 tiết kiệm tới 8,5 triệu ngày công và 3332,5 tỷ đồng/năm. Thực tiễn 5 năm triển khai NĐ 15 cho thấy ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng. Giai đoạn 2018 - 2021, chỉ tính riêng ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đã đóng góp trung bình 3,03% vào GDP; Ngành sản xuất đồ uống đóng góp trung bình 0,33%; Ước tính hoạt động thương mại, kinh doanh thực phẩm, đồ uống đóng góp khoảng 10% …

Kết quả khảo sát của CIEM cho thấy, với 12.000 DN sản xuất, chế biến thực phẩm (đang hoạt động đến ngày 31/12/2021) thì quy định cho phép DN tự công bố sản phẩm giúp DN tiết giảm chi phí rất lớn. Đó là chưa tính tới các DN thương mại, NK sản phẩm thực phẩm.

Đánh giá của DN về hiệu quả thực hiện NĐ 15 so với NĐ 38, chỉ riêng quy định cho phép DN tự công bố sản phẩm, trung bình trong mẫu DN được khảo sát, mỗi DN tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm; Việc bãi bỏ thời hạn của Bản tự công bố, trung bình tiết giảm chi phí cho DN hơn 310 triệu đồng/năm; Về đăng ký công bố sản phẩm, trung bình trong mẫu DN được khảo sát, mỗi DN tiết kiệm được 134,7 triệu đồng/năm nhờ những cải cách về thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm (37,75 triệu đồng/năm về chi phí đăng ký; 61,9 triệu đồng/năm về chi phí kiểm nghiệm và 35,1 triệu đồng/năm về chi phí khác); Việc bãi bỏ quy định “định kỳ 5 năm hoặc 3 năm phải thực hiện lại việc đăng ký bản công bố hợp quy/bản công bố phù hợp quy định ATTP” mỗi DN đã tiết giảm trung bình ít nhất 225,1 triệu đồng/năm; Việc miễn thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, mức độ chi phí được tiết giảm trung bình là 48,3 triệu đồng/năm; Việc thu gọn các đối tượng phải đăng ký quảng cáo đã giúp các DN tiết giảm trung bình được 62,3 triệu đồng/năm…

“Như vậy, với việc triển khai NĐ 15, DN được tiết giảm đáng kể về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hóa hoạt động SXKD. Nhờ vậy, số lượng DN ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; Tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động; Đóng góp quan trọng vào GDP và tăng trưởng của nền kinh tế. Về phía cơ quan QLNN, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan hải quan được giảm tải áp lực thông quan; Thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế…” - TS. Nguyễn Minh Thảo đánh giá.

Quy định cho phép DN tự công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm đã giảm ít nhất 90% số giấy phép. (Ảnh minh họa: VGP)

Giữ vững, phát huy tinh thần cải cách

Tuy có nhiều nội dung cải cách tích cực, song các chuyên gia cho rằng NĐ 15 vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Đơn cử như: Quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng NK trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra giảm; Thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm. Ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu DN bổ sung giấy tờ nhiều lần; thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định. NĐ 15 còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm NK có chứa phụ gia mới…

Đúc rút bài học kinh nghiệm của NĐ 15, theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, ngoài yếu tố may mắn thì đó là: Quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành; Sự liên kết của DN; Sự hợp tác của các đối tác liên quan (VCCI, CIEM…); Sự ủng hộ của báo chí; Cách thức truyền thông vận động chính sách…

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, bài học NĐ 15 không dễ dàng nhận ra các Bộ, ngành khác. Đơn cử như quy định về quy chuẩn sơn nhũ tương của Bộ Xây dựng, hay quy định về quản lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi của Bộ NN&PTNT…

“Thách thức của NĐ 15 về bảo đảm hiệu lực thực thi và duy trì được động lực của bộ máy nhà nước đã được chứng minh. Quan trọng nhất là tinh thần như NĐ 15 cần được giữ vững và phát huy…” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thay-doi-quan-ly-ve-an-toan-thuc-pham-nha-nuoc-va-doanh-nghiep-cung-huong-loi-post507362.html