Thay đổi học trò ngỗ nghịch qua ngòi bút

Cô giáo Erin Gruwell, sống tại thành phố Long Beach (Mỹ), đã khuyến khích những học trò ngỗ nghịch sử dụng cây bút viết nên cuộc đời mình.

Cô Erin Gruwell (đứng thứ hai từ trái qua, hàng đầu tiên).

Sự nghiệp giáo dục của cô giáo nổi tiếng này được chuyển thể thành sách và dựng thành phim.

Lớp học ngỗ nghịch

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học California tại Irvine (Mỹ), năm 1994, cô Erin Gruwell, 52 tuổi, trở thành giáo viên dạy Anh văn tại Trường Trung học Woodrow Wilson. Học sinh trong lớp 203 do cô chủ nhiệm là những thành phần cá biệt, ngỗ nghịch, xuất thân từ gia đình người Mỹ Latinh, người da màu hay người châu Á.

Học sinh trong lớp thiếu đoàn kết, chỉ chơi theo nhóm là những người cùng chủng tộc. Dần dần, Gruwell nhận ra đám học trò không chỉ ghét nhau mà đều rất ghét cô vì là người da trắng.

Trong những buổi dạy đầu tiên, Gruwell đã áp dụng những phương pháp giáo dục được dạy trong trường đại học như soạn giáo án, giảng bài theo trình tự, đặt câu hỏi, giao bài tập về nhà… Nhưng Gruwell nhanh chóng nhận ra quy trình giảng dạy khuôn mẫu này không thể ứng dụng trong thực tế.

Học sinh không những không quan tâm bài giảng, chúng thể hiện sự phản kháng, tức giận với cô giáo và trường học. Các em cho rằng, Gruwell chỉ là một giáo viên được nhà trường cử tới, vốn không hề quan tâm hay can dự vào hoàn cảnh sống của học sinh.

Thái độ của học sinh khiến Gruwell nhận ra rằng, giảng dạy về mặt lý thuyết và thực hành rất khác nhau. Không nhụt chí, Gruwell tin rằng, nếu cô tìm ra phương pháp phù hợp, cô sẽ chinh phục được học trò.

Những ngày sau đó, Gruwell say mê tìm hiểu các phương pháp giáo dục mới và bị thu hút bởi phương pháp dạy trực quan của TS Mary Ellen Vogt, Giáo sư Trường Đại học Calioria tại Irvine.

Theo TS Vogt, mọi đứa trẻ không học với cùng tốc độ, cùng thời gian hay cùng trình độ. Để có thể lôi kéo học sinh vào bài giảng, người thầy phải nắm rõ hoàn cảnh, năng lực của từng em và uốn nắn theo phương pháp phù hợp.

Gruwell đã tổ chức trò chơi “Đi trên đường thẳng”. Cô dán những tấm băng dính màu đỏ xuống sàn nhà và yêu cầu học trò bước lên đó khi trả lời câu hỏi như “Đi trên đường thẳng nếu em mất một người bạn vì bạo lực đường phố”, “Đi trên đường thẳng nếu bạn em mất vì…”.

Trước đó, cô Gruwell đã tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, tìm ra những điểm chung, dù tốt hay xấu, giữa các học sinh trong lớp. Các câu hỏi của cô đều hướng đến tất cả học sinh đều “đi trên đường thẳng”.

Từ đó, học sinh nhận ra dù khác biệt về màu da, chủng tộc, các em vẫn có nhiều điểm chung từ niềm vui, nỗi buồn lẫn mất mát. Qua trò chơi, học sinh và Gruwell trở nên gắn kết hơn. Các em bắt đầu chia sẻ suy nghĩ, hành động hay những bí mật của mình cho cô giáo và bạn cùng lớp.

Một ngày nọ, học sinh mang đến cho Gruwell bức tranh về một người đàn ông da màu bị vẽ bậy. Gruwell giải thích rằng, chính những bức vẽ chứa đầy định kiến và thù hằn như vậy đã dẫn đến Holocaust, thảm họa diệt chủng người Do Thái.

Khi nhắc đến một trong những sự kiện đau lòng nhất trong lịch sử thế giới, Gruwell ngạc nhiên khi biết học sinh trong lớp hoàn toàn không biết đến từ này.

Vì vậy, Gruwell tự bỏ tiền túi mua sách và mời diễn giả, những nhân chứng trong chiến tranh, đến trường trò chuyện với học sinh về thảm họa Holocaust. Chia sẻ của người trong cuộc lẫn những cuốn sách truyền cảm hứng như Nhật ký Anne Frank, Đêm… giúp học trò hiểu ra giá trị của sự bình đẳng, công bằng và tình yêu thương. Do đó, các em bắt đầu muốn chia sẻ nhiều hơn, bày tỏ nhiều hơn.

Khát vọng sẻ chia

Vượt qua sự rụt rè, những đứa trẻ bắt đầu “dốc tâm can” vào cuốn nhật ký. Mỗi cuốn sổ là một cuộc đời với nhiều đắng cay, nước mắt. Lắng nghe tâm tư của học sinh, Gruwell càng yêu quý và đồng cảm với các em. Cô đi làm thêm buổi tối để có tiền mua sách, tổ chức dã ngoại cho trò. Trong giờ học, cô thảo luận về sự khoan dung, thấu hiểu và tôn trọng khác biệt.

Gruwell mang đến lớp những cuốn sổ trắng, khuyến khích học sinh viết những suy nghĩ, cảm xúc của mình vào cuốn sổ. Không chỉ là bài tập, cuốn nhật ký trở thành người bầu bạn với học sinh trong lớp. Những em muốn chia sẻ tâm tư với cô giáo có thể để lại sổ trong ngăn tủ của lớp.

Bọn trẻ bắt đầu gọi Gruwell là “mẹ” và chia sẻ những mơ ước, dự định ấp ủ cho tương lai. Sau khi tốt nghiệp trung học, học sinh trong lớp đều ghi danh vào đại học, điều các em chưa từng nghĩ sẽ thực hiện. Gruwell đã phát triển hoạt động viết nhật ký thành phương pháp giáo dục “Những cây viết tự do” (Freedom Writers).

Phương pháp này xoay quanh niềm tin rằng, mỗi học sinh đều có câu chuyện của riêng mình. Giáo viên phải khuyến khích trò tìm kiếm, đưa câu chuyện ủ kín trong lòng ra với thế giới.

Để làm được điều này, đầu tiên, người thầy phải tiếp cận trò bằng phương pháp dạy phù hợp. Sau đó, khai sáng cho học sinh thông qua truyền tải những thông tin giá trị, có ích với các em để kích thích sự tò mò, tương tác xã hội và thu nạp kiến thức mới. Cuối cùng, giáo viên phải trao quyền để học sinh tự thực hiện các dự án của mình.

Qua quá trình này, học sinh sẽ hình thành kỹ năng sống, tập trung học tập, đồng thời trở thành những cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng. Các em sẽ nuôi dưỡng hạnh phúc, vượt qua áp lực và định kiến của xã hội.

Câu chuyện về lớp học ngỗ nghịch của cô Gruwell được chuyển thể thành sách và phim. Những cuốn nhật ký của học sinh được đưa vào làm tài liệu cho tác phẩm chuyển thể, trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà giáo dục trên thế giới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/thay-doi-hoc-tro-ngo-nghich-qua-ngoi-but-aOMUC2O7g.html