Thay đổi cách sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao

Nhắc đến chị Trịnh Thị Mỹ Liên ở Khối 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa người dân địa phương luôn ngưỡng mộ nghị lực vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc của chị. Tấm gương của chị được nhiều phụ nữ vùng nông thôn miền núi nơi đây học tập và làm theo.

Chị Liên (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt -Ảnh: M.L

Trước đây, chị Liên đầu tư trồng cà phê. Theo thời gian, cà phê bị già cỗi, năng suất, chất lượng thấp nên chị phá bỏ vườn cà phê để chuyển hướng sản xuất. Nhận thấy có nhiều mô hình kinh tế ở địa phương đầu tư bài bản, ứng dụng tiến bộ khoa học nên sản lượng, chất lượng sản phẩm cao hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định, chị Liên quyết tâm dành thời gian học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất.

Để tăng thu nhập cho gia đình, khoảng 10 năm nay, chị đầu tư xây dựng chuồng trại cao ráo, kín gió để chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Nguồn lợn giống tự cung tự cấp nên chị chủ động được con giống. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là cách chăm sóc, phòng bệnh, tiêm phòng vắc xin cho lợn, vệ sinh chuồng trại đúng cách nên đàn lợn của gia đình chị phát triển tốt. Mỗi năm, chị xuất bán 3 - 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa vài chục con.

Bên cạnh chăn nuôi lợn, trên nền diện tích khoảng 3 sào đất, chị Liên linh hoạt thay đổi trồng hoa màu theo mùa vụ như cải, ngò, rau dền, dưa leo... Nhờ vậy, vườn rau màu của chị có sản phẩm bán quanh năm.

Chị tận dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi, ủ hoai mục để bón cho cây trồng, dẫn nước từ khe suối chảy qua gần vườn nhà tưới cho cây trồng nên cây luôn tươi tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ngày, chị thu hái rau màu bán được từ 300 - 500 nghìn đồng. Nhờ cần cù, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, trung bình mỗi năm, tổng thu từ mô hình kinh tế của gia đình chị hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.

Chị Liên chia sẻ: “Qua thời gian chăm lo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tôi nhận thấy không chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có mà còn phải biết áp dụng quy trình sản xuất tiến bộ, thay đổi suy nghĩ, cách thức sản xuất thì hiệu quả kinh tế mới cao hơn, cuộc sống gia đình được cải thiện. Thời gian tới, bên cạnh duy trì mô hình kinh tế của gia đình, tôi sẽ đưa thêm một số loại vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình”.

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Khe Sanh Bùi Thị Phượng cho biết: “Chị Liên là hội viên gương mẫu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua ở Khối 5 nói riêng và thị trấn Khe Sanh nói chung.

Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những gương điển hình như chị Liên. Đồng thời, tìm các nguồn vốn vay ưu đãi tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất cho phụ nữ địa phương”.

Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, dành dụm, gia đình chị Liên đã xây dựng được căn nhà khang trang, đầu tư cho các con ăn học tử tế. Vợ chồng chị cũng biết cách giữ “lửa” ấm cho gia đình, mọi việc đều có sự bàn bạc, thống nhất nên họ luôn hòa thuận, các con ngoan, biết kính trên, nhường dưới.

Chị Liên còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của phụ nữ và địa phương phát động; luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm liền, gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/thay-doi-cach-san-xuat-cho-hieu-qua-kinh-te-cao/184713.htm