Thầy cô cần thay đổi quan niệm sử dụng sách giáo khoa

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng việc thay đổi phương pháp giảng dạy là điểm mấu chốt tạo nên thành công của Chương trình GDPT 2018.

Trong phần phần phát biểu cuối buổi gặp gỡ các giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi gắm đến các thầy cô sự chưa sẻ và đồng hành trong chặng đường sắp tới.

Bộ trưởng đánh giá, ở thời điểm này lực lượng nhà giáo có gần 1,6 triệu, cả giáo viên mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành để chúng ta hoàn thành các mục tiêu to lớn, vẻ vang mà ngành giáo dục đặt ra, Chính phủ giao phó.

“Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo. Có những việc đã làm đươc, chưa làm được, có thể không làm được nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, hễ có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải đáp những băn khoăn của thầy cô giáo.

Tuy nhiên, đại diện ngành giáo dục cũng nhấn mạnh cần thực hiện thật tốt chương trình GDPT 2018.

“Chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, đây là cơ hội lớn cho chúng ta. Khi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, đọc chương trình mới, tôi ngạc nhiên là một chương trình mới, hiện đại như vậy mà mấy năm trước đã được thông qua các cấp và bây giờ đang tiến hành thực hiện. Đưa được chương trình vào triển khai thực tế phải thấy rằng, đây là cơ hội của ngành của chúng ta – bởi chương trình rất nhiều cái mới mà sự tiếp nhận của cái mới không mấy dễ dàng”, ông Nguyễn Kim Sơn đánh giá

Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, càng ngày chúng ta sẽ càng thấy sự thay đổi này là quan trọng khi kiến thức của nhân loại là vô hạn, trang bị kiến thức sẽ phải chạy theo kiến thức, chỉ có năng lực phát triển không ngừng thì mới ứng phó với sự vô hạn của tri thức.

Cùng với đó, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo, từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tụ hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.

“Chúng ta cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. Thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, chúng ta cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào”, Bộ trưởng cho biết.

Các thầy cô giáo ở các điểm cầu lắng nghe thông tin của ngành.

Một điểm quan trọng, lãnh đạo ngành giáo dục nhấn mạnh nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa – đây là điểm quan trọng.

Ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ trong giai đoạn trước chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Luôn bị khuôn hẹp, bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa.

“Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình là thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu – cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt.

Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng. Thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Tuy nhiên, nhiều chính sách phải thông qua các Bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành nên cần thời gian.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng nhận định: “Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta”

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-co-can-thay-doi-quan-niem-su-dung-sach-giao-khoa-a621760.html