Thật đấy, người Anh cấm 'live' bóng đá chiều thứ Bảy!

Khi ban tổ chức La Liga xác nhận trận "siêu kinh điển" Barcelona - Real Madrid ngày 3/12 sắp tới sẽ bắt đầu lúc 15h15 (GMT) thì dân Anh lắc đầu ngán ngẩm: họ sẽ không được xem truyền hình trực tiếp. Nhân đây, xin được nói thêm về một truyền thống kỳ lạ trên quê hương bóng đá, mà người ngoài có thể... không ngờ tới. Bạn có biết rằng loạt trận mỗi chiều thứ Bảy (21h00 hoặc 22h00 VN tùy theo mùa đông/hè) mà giới hâm mộ bóng đá Việt Nam được xem thỏa thích, xưa nay luôn bị... cấm truyền trực tiếp tại Anh?

Quy định lạ đã tồn tại gần nửa thế kỷ

Sở dĩ dân Anh sẽ không được xem trận lượt đi "El Clasico" mùa này là vì nước Anh cấm truyền trực tiếp mọi trận bóng đá trong khoảng thời gian từ 14h45 đến 17h15 mỗi ngày thứ Bảy. "Tác giả bản quyền" của quy định kỳ lạ này là Bob Lord - vị chủ tịch "hắc ám" của CLB Burnley trong thập niên 1960.

Năm 1964, chủ tịch Lord cấm mọi phóng viên xách máy quay phim vào SVĐ Turf Moor của Burnley, với lý lẽ dân chúng sẽ không bỏ tiền mua vé vào sân nếu họ biết sẽ được xem trận đấu qua truyền hình. Nhiều người cho rằng thật ra chỉ vì Lord rất ghét cánh nhà báo. Năm 1966, ông chủ tịch này còn lập hẳn một danh sách 6 phóng viên và 3 tờ báo mà Burnley "cấm cửa". Mọi thành viên Burnley sẽ bị phạt nặng nếu tiếp xúc với các tờ báo hoặc phóng viên ấy.

Bob Lord (phải lề)

Sau này, Lord còn được xem là nhân vật mở ra việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ trọng tài trong làng bóng Anh. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất mà Bob Lord để lại trong làng bóng Anh có lẽ là quy định cấm truyền hình trực tiếp bóng đá mỗi chiều thứ Bảy, xuất hiện trong nửa cuối thập niên 1960. Ông thuyết phục được các chủ tịch khác về quan điểm cho rằng khán giả sẽ bớt đến sân nếu có truyền hình trực tiếp. Cuối cùng thì FA và Football League đành chấp nhận đề nghị của các CLB, cấm truyền hình trực tiếp mọi trận bóng đá vào mỗi chiều thứ Bảy, chính xác là từ 14h45 đến 17h15. Lord đã qua đời vào năm 1981, nhưng quy định là mà ông khởi xướng thì vẫn tồn tại đến tận bây giờ.

Luật khá chông chênh

Sau FA và Football League, đến khi vừa ra đời thì Premier League cũng giữ vững tinh thần của Bob Lord về việc cấm truyền hình trực tiếp bóng đá vào chiều thứ Bảy. Tất nhiên, một quy định kỳ lạ như thế không thể thoát khỏi tranh cãi, chỉ trích. Để làm dịu bớt tình hình, Premier League đã thỏa thuận một điều quan trọng với kênh truyền hình Sky Sports. Kênh này độc quyền truyền hình trực tiếp Premier League. Vậy nên, chỉ cần họ không phát sóng vào chiều thứ Bảy thì mọi tranh cãi trở nên vô nghĩa - các luật sư không phải lên tiếng!

Cũng chẳng phải là thỏa thuận gì ghê gớm. Thật ra, Sky Sports và giới bóng đá đỉnh cao tại Anh gần như là một. Chính Sky Sports đã ủng hộ, bắt tay và đồng hành với các đội bóng hàng đầu trong việc tách khỏi Football League và thành lập Premier League hồi năm 1992. Khi cần làm dịu tình hình, Sky Sports sẽ chiếu trích đoạn hoặc phát chậm toàn bộ các trận bị cấm phát trực tiếp.

Chiếu chậm hơn hoặc từng trích đoạn là cách làm dịu tình hình của Sky Sports

Có hai vấn đề đặt ra. 1/Giới bóng đá Anh - và cả nước Anh - đâu thể cấm các kênh truyền hình bên ngoài phát trực tiếp các giải bóng đá bên ngoài nước Anh. 2/Ngay cả đối với Premier League đi nữa, làm sao cấm "người ngoài" truyền trực tiếp một khi họ đã trả tiền bản quyền? Thêm vào đó là sự tiến bộ của kỹ nghệ truyền hình, nói thẳng ra là muốn cấm cũng chẳng được. Mỗi chiều thứ Bảy, người ta vẫn thấy không ít quán bar ở nhiều thành phố của Anh quảng cáo rõ ràng: khách đến quán họ sẽ thoải mái xem truyền hình trực tiếp Premier League , cả trong... giờ cấm! Dân chúng thì vẫn hào hứng, bởi cấm được người bán chứ làm sao cấm người tiêu dùng!

Vậy nên, một mặt thì cấm vẫn cứ cấm. Mặt khác, lệnh cấm thật ra chỉ được thực thi một phần trên thực tế. Đấy thật sự là một "khoảng xám" kỳ dị trong bóng đá Anh.

Bảo thủ hay truyền thống?

Nói đến bóng đá Anh là phải nói đến hai đặc điểm lớn: giá trị truyền thống và tính bảo thủ. Mặc kệ giới chuyên môn ca cẩm hoặc ta thán mãi, tình trạng thi đấu liên tục không nghỉ đông của bóng đá Anh vẫn không suy suyển. Thể thức "tái đấu nếu hòa" ở cúp FA chỉ được bãi bỏ chẳng qua vì các nhà tổ chức rút cuộc cũng chịu không thấu (từng có những cặp đấu ở cúp FA phải đá lại đến... 6 lần). Muốn bảo đấy là truyền thống hay sự bảo thủ, tùy quan điểm. Dù sao đi nữa, cũng có không ít chi tiết thú vị từ cái "máu bảo thủ" hoặc bề dày truyền thống của bóng đá Anh. Chẳng hạn như cứ phải có đợt trận sôi động liên tục trong đợt lễ tết - đặc biệt là các trận đấu vào đúng "Boxing Day" (26/12) và ngày đầu năm - để phục vụ công chúng.

Gọi đấy là văn hóa bóng đá cũng được, khen hay chê tùy ý. Nhưng tóm lại, rất khó thay đổi điều gì trong bóng đá Anh. Lạ ở chỗ: người ta vẫn áp dụng lệnh cấm truyền hình trực tiếp bóng đá mỗi chiều thứ Bảy, còn khi thấy ra những chỗ phiền toái hoặc thiệt thòi cho công chúng từ lệnh cấm ấy, các bên liên quan sẽ tùy nghi điều chỉnh (thay vì dùng cách đơn giản là bỏ hẳn quy định ấy).

Các bên sẽ phải "cân đo đong đếm" để thích nghi với quy định

Lệnh cấm truyền trực tiếp bóng đá trong "giờ cao điểm" của ngày thứ Bảy làm chúng ta hiểu thêm vì sao Premier League lại có "Super Sunday". Tốt nhất là xếp các trận "đinh" vào ngày Chủ Nhật, còn nếu cần phải đá sớm để tránh vướng bận Champions League vào giữa tuần sau, thì các trận "đinh" thường diễn ra sớm hoặc muộn trong ngày thứ Bảy - ngoài "giờ cấm". Một thời, trận chung kết cúp FA là ngoại lệ duy nhất của lệnh cấm. Đã cấm sao còn phải có ngoại lệ? Cũng dễ: dời trận đấu ấy đến tối thứ Bảy. Chúng ta cũng biết thêm vì sao vòng đấu cuối cùng của Premier League luôn diễn ra trong ngày Chủ Nhật (cùng giờ thì hẳn nhiên rồi). Còn các giải khác, như Championship, thì lại đấu sớm hoặc muộn trong ngày thứ Bảy.

Người ta cấm truyền hình trực tiếp vào chiều thứ Bảy là để lôi kéo khán giả đến sân, rồi lại điều chỉnh, chuyển sang giờ hoặc ngày khác là để vừa không vi phạm lệnh cấm, vừa tạo điều kiện cho khán giả xem qua truyền hình!

Cái lý của lệnh cấm

Thật ra, cấm truyền trực tiếp bóng đá trong giờ cao điểm của ngày thứ Bảy cũng có chỗ hay. Nước Anh có đến 92 CLB chuyên nghiệp - chứ đâu chỉ có 36 đội như nước Đức cho đến cách đây vài năm! Với các đội bóng hạng Ba hoặc hạng Tư, tiền bán vé cộng thêm một vài khoản thu từ sân bãi quan trọng đến mức sống còn. Nếu như đội bóng địa phương hoặc CLB ưa thích của bạn thi đấu vào chiều thứ Bảy ở giải hạng Ba, cùng lúc với trận derby Manchester, derby Bắc London hoặc Manchester City - Chelsea ở Premier League , bạn sẽ đến sân cổ vũ "đội mình" hay ở nhà xem trận "đinh" qua truyền hình trực tiếp? Cũng khó nói.

Từng có lúc, Championship (đẳng cấp hạng Nhì trong bóng đá Anh) là giải đấu số 4 châu Âu về lượng khán giả trung bình đến sân - chỉ xếp sau Bundesliga của Đức, La Liga của TBN, và tất nhiên là Premier League của Anh. Cũng trong mùa bóng của thống kê ấy (cách đây chỉ vài năm), nếu bỏ đi Barcelona, Real Madrid và hai đội có lượng khán giả cao nhất ở Championship, thì lượng khán giả đến sân trung bình ở Championship còn cao hơn cả La Liga!

Đôi lúc một đội ở Championship League còn có đông CĐV hơn cả La Liga

Với một nền bóng đá "khỏe khoắn", theo nghĩa các đội đủ sức tự nuôi mình mà không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài trợ nào, nguồn thu tại sân luôn là nguồn thu quan trọng nhất. Tiền bán vé quan trọng đã đành. Nhưng hãy hình dung: đội chủ nhà sẽ còn phát đạt ra sao nếu mỗi khán giả đến sân chi thêm 5 bảng tiêu vặt?

Bây giờ, người ta choáng ngợp trước những con số kếch sù từ bản quyền truyền hình. Nhưng đấy là chỉ ở Premier League. Các đẳng cấp thấp hơn trong làng bóng Anh, thậm chí đẳng cấp cao nhất ở các nền bóng đá xung quanh, cứ phải trông cậy khán giả đến sân. Đấy là chưa kể sợi dây vô hình ràng buộc cổ động viên với đội bóng khi họ trực tiếp đến sân cổ vũ.

Bảo thủ hơn là truyền thống

Vì sao cấm truyền trực tiếp bóng đá vào chiều thứ Bảy, thay vì các thời điểm khác trong tuần? Vì đấy là thời điểm đẹp nhất để các trận bóng đá diễn ra hàng loạt, ít ra là ở quê hương bóng đá. Dân chúng vừa kết thúc một tuần làm việc căng thẳng và họ đến sân trước để xả stress, sau để cỗ vũ cho đội bóng yêu thích của mình. Sau trận bóng đá lại là buổi tối weekend bù khú với bạn bè, trước khi dành ngày Chủ Nhật cho gia đình và nghỉ ngơi trước một tuần làm việc mới. Ít ra, lối sống đặc trưng trên xứ sở sương mù là như vậy. Nhưng đấy là lối sống của thập niên 1960.

Bây giờ, buổi chiều và tối hoành tráng nhất lại là thứ Sáu, chưa kể bao khác biệt dễ liệt kê khác. Cuộc sống thường nhật đã khác thì tất nhiên những quy định đi kèm cũng nên thay đổi cho phù hợp. Nếu xem việc cấm truyền hình trực tiếp vào chiều thứ Bảy là nét truyền thống đặc trưng của bóng đá Anh, thì đấy là một truyền thống đã lỗi thời. Bằng không, đành phải xem đấy là sự bảo thủ đặc trưng của nước Anh.

Một cổ động viên bây giờ không nhất thiết cứ phải đóng góp cho đội bóng bằng cách đơn giản và trực tiếp nhất là đến sân bóng, như nửa thế kỷ trước. Áo đấu của Chelsea hoặc Arsenal bây giờ bán ở nước ngoài nhiều hơn ngay tại London. Mạng xã hội và internet giúp cổ động viên bây giờ không nhất thiết cứ phải tới sân để nhìn tận mắt cầu thủ mà họ hâm mộ. Xem bóng đá qua truyền hình, người ta sẽ còn được nghe những phân tích, bình luận chuyên sâu, được xem đi xem lại hình ảnh chiếu chậm của các tình huống đáng nhớ hoặc gây tranh cãi. Lại còn được xem thường xuyên "đội mình" thi đấu trên sân đối phương, ở nước ngoài. Phải đến sân mới là cổ động viên chân chính ư? Xin hỏi các ông chủ tịch: họ đã làm gì, hoặc có thể làm gì, để cổ động viên nhí không phải thường xuyên... nghe tiếng chửi thề?

Bàn thế cho vui, chứ bóng đá Anh chắc cũng còn lâu mới chịu thay đổi.

TÂN GIA

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/anh/that-day-nguoi-anh-cam-live-bong-da-chieu-thu-bay-n20161105175004819.htm