Thắt chặt quản lý bán hàng đa cấp

Doanh nghiệp phải ký quỹ 10 tỷ đồng, thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản, có website thông tin về doanh nghiệp, có đường dây nóng giải đáp… là những yêu cầu mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể sẽ phải thực hiện.

Theo dự thảo, khi tổ chức hội thảo có quy mô từ 200 người trở lên, doanh nghiệp phải mời Sở Công Thương dự, giám sát. Ảnh internet.

Biến tướng đa cấp: Có lừa đảo, trục lợi

Hoạt động bán hàng đa cấp hiện được quy định và quản lý theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và một số văn bản khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù Nghị định số 42 và các văn bản này đã siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại những hậu quả về kinh tế- xã hội.

Trong phiên chất vấn ngày 15-11, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng, qua quá trình thực hiện các nội dung quy định của pháp lý từ năm 2014 đến năm 2016 đã bộc lộ một số vấn đề trong quản lý nhà nước và chế tài xử lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, tồn tại của loại hình kinh doanh này đó là các khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện. Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản và chưa có sự phân công rạch ròi và đảm bảo hiệu quả của các cấp. Hiện tại, quản lý bán hàng đa cấp theo quy định của các nghị định và thông tư hướng dẫn được phân cấp cho chính quyền của địa phương và Sở Công Thương tại các địa phương để quản lý trực tiếp các hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn khi hướng vào những lợi nhuận siêu khủng để thu hút một bộ phận rất lớn những người dân tham gia bán hàng đa cấp. Biến tướng của đa cấp trở thành những hình thức kinh doanh tài chính trái phép cũng như kinh doanh ảo để gây ra những nguy cơ thất thoát và mất mát tài sản của xã hội rất lớn.

Với những bất cập đó, thời gian qua Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương. Đến nay, Bộ Công Thương đã rút giấy phép 25 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính và có hành vi lừa đảo, trục lợi.

“Bộ Công Thương đã nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định 42 cũng như các thông tư hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, bất cập mà các cơ quan quản lý của chúng ta chưa làm được, đặc biệt trong phân cấp ở địa phương", ông Trần Tuấn Anh nói. Bởi lẽ, Nghị định 42 đã bộc lộ một số bấp cập, vướng mắc, không còn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Doanh nghiệp sẽ bị "siết" chặt

Các ý kiến, kiến nghị của các Sở Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, có nhiều khó khăn, vướng mắc đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới bán hàng đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa, hệ thống quản lý mạng lưới các nhà phân phối, mô hình trả thưởng, tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp, tiền ký quỹ, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo...

Do vậy, bản dự thảo nghị định thay thế Nghị định 42 do Bộ Công Thương soạn thảo tập trung hướng vào những nội dung này. So với Nghị định 42, dự thảo lần này có rất nhiều thay đổi.

Theo đó, dự thảo mới mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thêm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đồng thời, bổ sung quy định bảo đảm khả năng kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, dự thảo nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ.

Doanh nghiệp phải có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng, phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền, yêu cầu thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản...

Về ký quỹ, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp khi phát sinh tranh chấp, dự thảo nghị định nâng cao mức ký quỹ tối thiểu lên 10 tỷ đồng và hàng năm cần có quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tương ứng với quy mô mạng lưới hoặc doanh thu của doanh nghiệp.

Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, Dự thảo Nghị định đã nâng cao điều kiện hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, dự thảo này cũng đơn giản hóa một số thủ tục hành chính để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong quá trình hoạt động.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/that-chat-yeu-cau-voi-doanh-nghiep-de-quan-ly-ban-hang-da-cap.aspx