Thắp sáng 'tour đêm' thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Năm 2023, Hà Nội đã giới thiệu 15 tour du lịch đêm để chạm tới cảm xúc của du khách.

Tour đêm 'Tinh hoa đạo học' tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Được ví như vị “nhạc trưởng”, là đầu tàu của cả nước trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch đêm để quảng bá văn hóa đất kinh kỳ.

Hướng đi mới của du lịch văn hóa

Trong 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa được Đảng và Nhà nước xác định và thúc đẩy phát triển, thì du lịch văn hóa là một trong những điểm trọng yếu vừa có thể quảng bá lan tỏa văn hóa, vừa tạo thu nhập cho xã hội. Trong đó, du lịch văn hóa còn là một lợi thế đặc biệt đối với Hà Nội để công nghiệp văn hóa trở thành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, có bề dày văn hiến cùng sự hội nhập mạnh mẽ, với gần 6.000 di tích văn hóa - lịch sử, 1 di sản văn hóa thế giới, 70 không gian sáng tạo, 42 bảo tàng, 54 thư viện, 18 nhà hát và 43 rạp chiếu phim, 40 gallery… Với thế mạnh đó, Hà Nội được chọn là một trong 3 thành phố để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước.

Việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội đặt ra nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỉ trọng, giá trị gia tăng cao.

Du lịch Hà Nội đã trở thành nét văn hóa của người dân các vùng miền. Hà Nội cũng là điểm đến đầu tiên và không thể thiếu đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Bởi vậy, bài toán đặt ra cho Hà Nội khi phát triển công nghiệp văn hóa chính là đầu tư cho lĩnh vực du lịch văn hóa.

Để văn hóa là chủ thể, để thu hút và giữ chân du khách, để những ấn tượng tốt đẹp về Thủ đô lưu lại trong tâm trí du khách… việc tạo lập những sản phẩm du lịch là nguyên tắc bắt buộc trong chiến lược phát triển nói chung.

Năm 2023, Hà Nội đã giới thiệu 15 tour du lịch đêm để chạm tới cảm xúc của du khách. Được đánh giá là cơ hội mới cũng như cách làm mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc ứng dụng công nghệ nhằm “trẻ hóa” di sản để lan tỏa các giá trị văn hóa đã khiến các tour du lịch đêm của Hà Nội trở thành một sản phẩm không thể thiếu.

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tour đêm “Tinh hoa đạo học” áp dụng các sản phẩm công nghệ trình chiếu, đồ họa, không gian 3 chiều thực tế ảo kết hợp với kỹ thuật ánh sáng 3D mapping đã mang đến sự ngỡ ngàng cho cả giới khoa học lẫn du khách.

Tại Hoàng thành Thăng Long, công nghệ trình chiếu 3D mapping cũng được áp dụng trong triển lãm “Báu vật hoàng cung” và “Từ mặt đất đến bầu trời”.

Hay tại di tích Ô Quan Chưởng, trên nền công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tái hiện hình ảnh cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, đền Bạch Mã, hay các di sản văn hóa phi vật thể như múa rối nước, xẩm, ca trù... cho thấy tiềm năng của Hà Nội ngày càng được khai thác hiệu quả.

Học sinh tham gia trải nghiệm tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long.

Chú trọng phát triển “tour đêm”

Đầu tháng 3/2024, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm, thu hút du khách chọn Thủ đô làm điểm đến. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 1 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Từ quý I/2024, Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát 5 khu vực: các quận Hoàn Kiếm, Hồ Tây, thuộc cụm du lịch trung tâm thành phố và quận Long Biên, Gia Lâm; Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng; Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh; Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì; Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên để từng bước xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm phù hợp.

Không chỉ các khu vực và vị trí trọng điểm, Hà Nội cũng hướng đến xây dựng các tour du lịch đêm tại khu vực ngoại thành. Đồng thời, xây dựng mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (Quốc Oai), điểm Văn hóa ẩm thực Vân Đình tại Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa).

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa cần khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Bởi vậy, “tour đêm” còn được thực hiện ở cả các chuỗi chương trình kỷ niệm.

Tới đây, trong hai ngày 9 và 10/3 chương trình khai mạc “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” và công bố quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân với chủ đề “Sắc hương Tây Hồ” hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm mới với chương trình nghệ thuật bán thực cảnh mang tính sử thi và màn trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping.

Theo ban tổ chức, ngoài màn biểu diễn ánh sáng với hàng trăm drone (máy bay không người lái) được lập trình riêng theo kịch bản 3D, người dân và du khách được trải nghiệm không gian ẩm thực đặc trưng của Hà Nội, các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch, tham quan chụp ảnh với các tiểu cảnh trang trí, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống… tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn).

Chuỗi hoạt động hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội, phát triển du lịch đêm không chỉ giúp các bảo tàng, di tích của Hà Nội được “đánh thức” mà việc quảng bá văn hóa cũng theo đó mà lan tỏa. Tour xe đạp với chủ đề “Đêm Thăng Long – Hà Nội” là một ví dụ, không chỉ mang thông điệp bảo vệ môi trường, mà tính trải nghiệm qua các thắng cảnh, di tích cũng giúp người tham gia thêm phần hiểu biết. Tuy nhiên, Hà Nội cần đa dạng hơn các “tour đêm” với những sản phẩm chuyên biệt dành cho khách nước ngoài.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thap-sang-tour-dem-thuc-day-cong-nghiep-van-hoa-post674546.html