Thắp niềm tin từ lớp học xóa mù chữ

Vũ Nguyện

BPO - Biết đọc, biết viết… điều tưởng như rất bình thường với bao người nhưng lại khá xa lạ, mới mẻ với 42 học viên lớp học xóa mù chữ tại nhà văn hóa thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng. Những học viên này đều mong biết chữ, biết đọc để tiếp thu thêm kiến thức, vận dụng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hạnh phúc khi viết được tên mình!

19 giờ một ngày cuối tháng 9, chúng tôi ghé thăm lớp học xóa mù chữ tại thôn 6, xã Long Tân. Cơn mưa nặng hạt nhưng vẫn không làm cho học viên nản lòng, từng tốp người già, người trẻ háo hức đến nhà văn hóa để tìm con chữ. Ở lớp học đặc biệt này, học viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, người lớn nhất hơn 60 tuổi. Tiếng đánh vần học bài vốn chỉ dành cho học sinh lớp 1 nhưng với những học viên này đó là bước đi đầu tiên trong nỗ lực tiếp cận ánh sáng tri thức.

Sinh ra trong gia đình nghèo nên từ nhỏ bà Thị Vân (56 tuổi, dân tộc S’tiêng) không có điều kiện đi học; lớn lên lập gia đình, lo làm kiếm tiền nuôi con nên bà càng không nghĩ đến việc đi học. Bà Thị Vân rất phấn khởi khi được tham gia lớp xóa mù chữ: “Nay được đi học chữ, mình thích lắm! Mình biết đọc, biết viết sau này còn chỉ cho các cháu. Mặc dù chẻ hạt điều cả ngày rất mệt nhưng mình vẫn quyết tâm đi học. Hiện mình đã biết đọc, biết viết một số từ đơn giản”.

Bà Thị Vân rất vui vì được đi học để biết viết, đọc sách báo

Bà Thị Vân rất vui vì được đi học để biết viết, đọc sách báo

Còn ông Huỳnh Văn Đấu (52 tuổi), từ khi đến lớp “tìm” chữ, ông chưa bỏ buổi học nào. Ông Đấu cho biết: Vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không được học chữ nhiều. Khi chính quyền địa phương vận động đi học xóa mù chữ, tôi đăng ký ngay. Trước đây, không biết chữ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con cái học hành. Nay dù ngồi học lâu bị mỏi lưng nhưng tôi không dám bỏ học. Tôi sợ bỏ học lại không biết đọc, biết viết. Thật hạnh phúc khi viết được tên của chính mình!

Lớp học này được duy trì phải kể đến lòng nhiệt huyết của cô Đào Thị Yên và các giáo viên Trường tiểu học Lê Hoàn (xã Long Tân). Tham gia dạy lớp học đặc biệt này đã để lại cho cô Yên nhiều cảm xúc. Động lực với cô Yên là các học viên đi học chuyên cần, nhiều học viên đã biết đọc, biết viết, làm cộng, trừ các phép tính đơn giản.

Sự chuyên cần, hăng say học tập của các học viên là động lực để cô Đào Thị Yên đứng lớp mỗi tối

Sự chuyên cần, hăng say học tập của các học viên là động lực để cô Đào Thị Yên đứng lớp mỗi tối

Cô Yên cho biết: Các học viên có cả người đã lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, giáo viên phải lựa chọn phương pháp dạy đặc biệt giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ, hào hứng trong học tập. Tôi và các cô giáo cố gắng tỉ mỉ chỉ dạy, tạo không khí vui vẻ cho học viên trong quá trình học. Dù học vào buổi tối nhưng học viên đi học thường xuyên, đúng giờ và rất ham học.

Xóa mù chữ để thoát nghèo

Thôn 6, xã Long Tân có 290 hộ dân, trong đó 232 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, vẫn còn một số gia đình chưa thực sự quan tâm việc học tập của con trẻ nên tỷ lệ mù chữ khá nhiều. Tháng 7-2023, lớp học xóa mù chữ được mở góp phần nâng cao đời sống cũng như nhận thức của người dân nơi đây.

Ông Vương Ngọc Bửu Sơn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6 cho biết: Dù trong độ tuổi đi học nhưng còn nhiều em chưa biết đọc, biết viết. Ngoài ra, một số em đã từng học, nhưng vẫn mù chữ do bỏ học quá lâu không tiếp xúc với chữ. Chúng tôi đã đến từng hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động họ đi học. Chúng tôi rất mừng vì Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc xóa mù chữ, đáp ứng nhu cầu người dân.

Rất nhiều người lớn tuổi tham gia lớp học đặc biệt

Rất nhiều người lớn tuổi tham gia lớp học đặc biệt

Ông Đỗ Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân chia sẻ: Đây là lớp học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ. Xã đã tổ chức khai giảng và đưa lớp học duy trì ổn định từ tháng 7 đến nay, vào thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Thời gian đầu có 32 học viên đăng ký, đến nay đã tăng lên 42 học viên. Lớp học dự kiến kết thúc vào cuối năm 2024. Qua đó, giúp học viên tự tin biết đọc, biết viết, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu; định hướng nghề nghiệp cho học sinh để khắc phục tình trạng bỏ học giữa chừng, huyện Phú Riềng cũng xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài lớp học tại thôn 6, huyện Phú Riềng đang tổ chức 2 lớp phổ cập lớp 8, 9 vào các buổi tối tại xã Long Hà với 105 học viên tham gia.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/149189/thap-niem-tin-tu-lop-hoc-xoa-mu-chu