Tháo 'ngòi nổ' bạo lực học đường

Đến nay, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc nữ sinh lớp 11 tên là P.N.N.H. (Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bị nữ sinh lớp 12 là T.T.M.T. (Trường THCS và THPT Y Đôn, huyện Đak Pơ) đâm tử vong vào tối 6-3.

Do bất đồng quan điểm trong quá trình bình luận, chia sẻ bài viết trên mạng xã hội mà 2 nữ sinh cùng nhóm bạn đã hẹn gặp mặt để giải quyết. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi T. dùng dao đâm nhiều nhát vào người H. khiến nữ sinh này dù được đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi. H. đã ra đi ở độ tuổi đẹp nhất của đời người với bao ước mơ, hoài bão còn dang dở. Còn T. giờ đây phải đối mặt với vòng lao lý và cả bản án lương tâm cho hành vi xốc nổi của mình.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì ngày 12-3 lại tiếp tục “dậy sóng” khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện 1 clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một nữ sinh mặc đồng phục bị nhóm 3-4 nữ sinh khác đánh hội đồng tại một bãi đất trống. Đáng nói, đứng xung quanh còn có khoảng 8 nam, nữ học sinh nhưng không ai ngăn cản, thậm chí một số em còn dùng những từ ngữ kích động và cổ vũ cho hành vi bạo lực trên; 4 học sinh khác thì dùng điện thoại để quay lại diễn biến vụ việc.

Nạn nhân được xác định là em N.L.T.H. (lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang). Và nguyên nhân dẫn đến vụ bạo lực học đường này cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) bày tỏ quan điểm tại Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường. Ảnh: Mộc Trà

Gần đây nhất, trong giờ giải lao giữa buổi vào sáng 16-3, tại Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê) đã xảy ra vụ đánh nhau giữa 2 nam sinh lớp 11. Nhiều học sinh chứng kiến vụ việc không những không can ngăn mà còn dùng điện thoại quay lại rồi phát tán cho nhau. Vụ việc sau đó đã được Ban Giám hiệu nhà trường làm rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định.

Dẫu biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường, thế nhưng, không thể phủ nhận giữa thời đại công nghệ số hiện nay, mạng xã hội đã tác động rất lớn đến hành vi của giới trẻ. Chính sự tiếp cận quá sớm với mạng xã hội cộng với nhận thức còn hạn chế và thiếu chín chắn đã khiến một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng bởi những trào lưu độc hại, từ đó có lối ứng xử hay hành vi tiêu cực, thích thể hiện mình, tạo ra những mâu thuẫn không đáng có trên không gian mạng. Thêm vào đó, sự “tiếp sức” của những người ngoài cuộc vào sự việc cũng góp phần tạo thành “ngòi nổ” của bạo lực học đường.

Trước thực trạng bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo xử lý cũng như đề ra biện pháp ngăn chặn. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, sau khi trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, vi phạm nội quy nhà trường và đạo đức, lối sống của học sinh, Sở đã triệu tập cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị liên quan lên làm việc; yêu cầu hiệu trưởng các trường báo cáo cụ thể vụ việc, công tác giáo dục đạo đức, phòng-chống bạo lực học đường; đồng thời, chất vấn công tác theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm và yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm.

Cùng với đó, ngày 14-3, Sở GD-ĐT đã có công văn về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng-chống tội phạm, bạo lực học đường trong học sinh. Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan công tác giáo dục đạo đức lối sống, phòng-chống tội phạm, bạo lực học đường trong học sinh; tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các tổ chức của nhà trường trong việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức lối sống, phòng-chống tội phạm, bạo lực học đường trong học sinh; kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh.

Phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý trong giáo dục sức khỏe, giới tính cho học sinh; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt học sinh tuân thủ pháp luật, nội quy, quy định của nhà trường; quan tâm, gần gũi, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học sinh…

Ngày 19-3, Sở GD-ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 681/SGDĐT-GDTrHCTTX về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội về phòng ngừa bạo lực học đường, phòng-chống vi phạm pháp luật; đồng thời, thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại các phòng GD-ĐT và các trường phổ thông thuộc Sở trong tháng 3 và tháng 4.

“Chúng tôi sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác quản lý và giáo dục học sinh ứng xử trên không gian mạng theo Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 2-8-2022 của UBND tỉnh. Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường, Sở đang lấy ý kiến để xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua chuyên đề “Học đường Gia Lai quyết tâm xây dựng lối sống trong sáng, phòng-chống bạo lực học đường” giai đoạn 2024-2030”-Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thao-ngoi-no-bao-luc-hoc-duong-post271258.html