Tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho doanh nghiệp bất động sản

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng không nhiều.

Nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì, có tới 25% doanh nghiệp sẽ chỉ gắng gượng đến hết quý III/2023 và đến cuối năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tăng cao.

Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa bao giờ, các chính sách tháo gỡ về pháp lý và dòng vốn cho doanh nghiệp bất động sản được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay.

Khó khăn vẫn bủa vây thị trường bất động sản.

Sau thời gian dài hỗ trợ, nhiều địa phương cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và có hướng giải quyết. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quan, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do các khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu, cộng thêm sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang dần suy yếu. Đặc biệt là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương…

Kết quả khảo sát cho thấy, về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung bất động sản. 57% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường. Về tâm lý nhà đầu tư, dữ liệu khảo sát cho thấy, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, chưa thấy được nhiều sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường nên khách hàng/nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.

Trong khi đó, về tiếp cận vốn, có hơn 70% doanh nghiệp đánh giá, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự tác động tích cực tới doanh nghiệp. 30% còn lại ghi nhận tác động tích cực của những chính sách này đối với doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu. Đơn cử như sau khi Nghị định số 08/NĐ-CP ra đời cùng một số động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại.

“Nếu khó khăn tiếp tục duy trì, 25% doanh nghiệp chỉ có thể “gắng gượng” hết quý III/2023. Với riêng các sàn giao dịch bất động sản, có tới 20% sàn đang đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao”, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết.

Doanh nghiệp mong sớm được gỡ vướng về pháp lý

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực thứ 2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đều đang rất khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước như hiện nay. Giai đoạn hiện nay, nhu cầu đang rất lớn, nhưng cung lại không có. Rất ít những dự án mới được mở trong thời gian vừa qua dẫn đến nguồn cung thị trường rất hiếm, do đó giá không hề giảm và có xu hướng còn tăng lên. Giá nhà ở quá cao lại ảnh hưởng đến khả năng tạo lập nhà ở của người dân. Người có nhu cầu mua nhà ở thực ngày càng khó tiếp cận. Do đó, những khó khăn, “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản rất cần sớm được tháo gỡ.

Ông Chiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là về vấn đề pháp lý. Theo ông Chiến, tính thực thi của các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình thực thi kể cả những văn bản mới ban hành nhưng trong quá trình áp dụng thì thường sẽ gặp khó khăn, vướng mắc bởi tính khả thi của nó.

“Một vấn đề rất quan trọng trong vướng mắc về pháp lý hiện nay là sự đan xen, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Ở luật này thì cho phép, nhưng ở luật kia lại không. Làm theo luật này thì đúng nhưng đem so với luật kia lại chưa đúng. Việc này dẫn đến tính rủi ro rất lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh, mà ngay cả đối với đội ngũ công chức của nhà nước thực thi nhiệm vụ cũng gặp rất nhiều rủi ro trong tình huống này. Vậy nên tâm lý né tránh sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây được nêu lên trên các diễn đàn, trên các báo cáo, trong các hội nghị của Chính phủ cũng đã nhìn ra vấn đề như vậy, đây cũng chính là hệ lụy của nó”, ông Chiến đánh giá.

Ông Chiến khẳng định, rào cản lớn nhất hiện nay, đó chính là khâu pháp lý. Theo thống kê hiện nay, con số 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp lại là vấn đề pháp lý. Ngay cả khi doanh nghiệp có vốn trong tay nhưng vướng quy định pháp luật thì sẽ không triển khai được. Vậy nên cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung vào khâu xử lý vướng mắc về mặt pháp lý, rồi mới đến vấn đề về vốn.

“Có thể nhận thấy Chính phủ đang vào cuộc rất quyết liệt, hiện nay đang sửa đổi bổ sung 3 luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, đó là Luật Đất đai; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Trong bước đi ngắn hạn, có thể nói chưa bao giờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đến như vậy, trong 3 ngày có 3 công điện đều trong lĩnh vực về vốn, về bất động sản, về đất đai. Thậm chí còn thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tới các địa phương để lắng nghe, giải quyết kịp thời. Tôi cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, những khó khăn này sẽ dần dần được tháo gỡ để tạo ra một thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và minh bạch”, ông Chiến nói.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/thao-go-kho-khan-ve-phap-ly-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-i705412/