Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị và an ninh-quốc phòng. Đây cũng là khu vực còn nhiều khó khăn của cả nước và được ưu tiên đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc đến từ khung chính sách, chưa có hướng dẫn thực hiện, mục tiêu, chỉ tiêu chưa cụ thể rất cần được tháo gỡ.

Đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang vào vụ gieo trồng mới. Ảnh: Bích Nguyên

Đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang vào vụ gieo trồng mới. Ảnh: Bích Nguyên

Mức giải ngân cao hơn bình quân cả nước

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, chiếm gần 1,3 diện tích cả nước, nhưng chỉ có khoảng gần 15 triệu người sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50%. Xác định đây là địa bàn chiến lược, những năm qua, Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển khu vực này. Giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao hơn 44.000 tỷ đồng cho 14 địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS), chiếm 44,18% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương cho các địa phương trên cả nước.

Đến hết tháng 8/2022, các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, năm 2022, Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho vùng là hơn 15.400 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 chuyển sang), chiếm 45,36% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc. Năm 2023, tổng nguồn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc là hơn 10.800 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn Trung ương, 13/14 tỉnh trong vùng (trừ Hòa Bình) đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó, tỉnh Thái Nguyên cân đối hơn 370 tỷ đồng, nhiều nhất trong khu vực. Phú Thọ, Điện Biên, Lào Cai cũng bố trí trên 300 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nằm trong nhóm các tỉnh nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương đảm bảo thời hạn cấp có thẩm quyền giao. Đến ngày 31/1/2023, các tỉnh trong vùng đã giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng, đạt trên 40%, cao hơn 2,81% so mức với bình quân chung của cả nước và cao hơn 5 tỉnh Tây Nguyên (34,77%). 14 địa phương trong vùng cũng đã giải ngân100% vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG.

Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh

Thực tế triển khai các cơ chế, chính sách thực hiện 3 chương trình MTQG do Trung ương ban hành đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều nội dung còn chồng chéo, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Do lần đầu tiên triển khai nên các địa phương còn lúng túng bởi các bộ, ngành vẫn chưa ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn.

Cụ thể là chưa phê duyệt danh sách thôn có dân tộc khó khăn đặc thù; thiếu hướng dẫn cụ thể định mức các khoản chi xóa mù chữ; thiếu hướng dẫn thực hiện cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển trong rừng dược liệu; thiếu hướng dẫn về nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; thiếu hướng dẫn đối với các xã, thôn vùng DTTS và miền núi sau khi sáp nhập; chưa có hướng dẫn rõ cơ sở đào tạo nào ở cấp tỉnh được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng kiến thức dân tộc...

Bên cạnh đó, một số nội dung quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành Trung ương. Đó là chưa thống nhất về phương thức hỗ trợ đối với các trường hợp chuyển đổi nghề nghiệp; về đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội giữa Thông tư số 02/2022/TT-UBDT và văn bản số 1314/UBDT-CSDT; đối tượng bồi dưỡng tiếng DTTS giữa Quyết định số 771/QĐ-TTg, Thông tư số 2/2022/TT-UBDT và Thông tư số 15/2022/TT-BTC; chưa thống nhất vùng địa bàn hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình, nhà xưởng, phòng ký túc xá...

Ngoài ra, một số quy định do các bộ, ngành Trung ương ban hành hoặc hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương. Cụ thể: Văn bản số 2651/BVHTTDL-KHTC hướng dẫn một số chỉ tiêu không phù hợp với thực tiễn tại địa phương; Thông tư số 12/2022 /TT- BNNPTNT quy định UBND cấp xã tổ chức thực hiện không phù hợp do cấp xã không có cán bộ chuyên môn chuyên trách quản lý rừng; Văn bản số 677/HĐ-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS có một số nội dung chưa phù hợp…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện 3 chương trình MTQG. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện 3 chương trình MTQG. Ảnh: Bích Nguyên

Ngay cả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đã lâu, nhưng các địa phương vẫn đang vướng mắc bởi chưa hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí như: Chưa có hướng dẫn về triển khai ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; về tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn... Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp và việc triển khai phần mềm, quy trình cập nhật cơ sở dữ liệu của người lao động; hỗ trợ các dịch vụ du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Ngoài ra, một số tỉnh được giao mục tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp với tình hình, khả năng thực tế của tỉnh, ví dụ như tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên không có huyện nghèo, nhưng được giao nguồn vốn thực hiện tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” của Dự án 4. Hơn nữa, việc giao mục tiêu, nhiệm vụ đưa 28 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 là chưa phù hợp với tỉnh Thái Nguyên vì tỉnh này chỉ có 14 xã trên địa bàn đặc biệt khó khăn.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc

Để thúc đẩy giải ngân kế hoạch của năm 2023 thực hiện 3 chương trình MTQG cả nước nói chung và vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành có liên quan khẩn trương ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền các nội dung hướng dẫn còn thiếu. Đồng thời, tích cực rà soát, chủ động trao đổi với các cơ quan liên quan để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn đã ban hành còn quy định chưa thống nhất nhằm tạo sự đồng bộ, thông suốt các quy định do Trung ương ban hành. Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách do địa phương cần phải ban hành theo quy định. Rà soát danh mục dự án thuộc các chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, lãng phí vốn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện chương trình MTQG theo đúng kế hoạch, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch ngân sách được giao.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thao-go-kho-khan-trong-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post460318.html