Tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng: Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ

Chính phủ đã và đang đưa ra các chính sách hỗ trợ để ngành xi măng vượt qua thách thức, thế nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Ngành xi măng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại.

Doanh nghiệp xi măng đang gánh áp lực lớn, đó là tình trạng nhu cầu xi măng toàn xã hội giảm, giá bán giảm nhưng giá điện, than và giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng, hoặc đang ở mức cao, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 12 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành xi măng, Báo điện tử Xây dựng tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ Trưởng Vụ Vật Liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng; PGS.TS Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Ông Đào Nguyên Khánh – Trưởng bộ phận phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp, INSEE Việt Nam; TS Trần Bá Việt - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, thành viên Viện Bê tông Hoa Kỳ.

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ngành xi măng trong nước đối mặt nhiều thách thức

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đào Nguyên Khánh – Trưởng bộ phận phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp INSEE Việt Nam cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong đó, ngành bất động sản gặp khó khăn, khiến tổng nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa giảm mạnh. Theo tính toán của INSEE Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa trong năm 2023 ước tính sụt giảm mạnh.

Với tình hình tiêu thụ nội địa gặp khó khăn, năm 2023 sẽ là năm có doanh số bán hàng thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm của Công ty và ước tính doanh số bán hàng thậm chí có thể giảm khoảng 35%”, ông Đào Nguyên Khánh chia sẻ.

Phân tích về những khó khăn, thách thức của ngành Xi măng Việt Nam hiện nay, PGS.TS Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: “Đến năm 2009, thị trường xi măng của Việt Nam vẫn là thị trường của người bán, tức là cung không đủ cầu. Từ 1990 – 2009 chúng ta thường xuyên phải nhập khẩu xi măng, clanhke.

Khi đó, các nhà máy xi măng chỉ việc sản xuất, Chính phủ tìm mọi cách khuyến khích, động viên các nhà đầu tư xây dựng thêm nhà máy. Có thể nói, giai đoạn từ 2000 – 2010 có rất nhiều dự án đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy xi măng. Năng lực sản xuất năm 2010 đã đạt mức 55 triệu tấn xi măng/năm, nhu cầu lúc đó là 55,7 triệu tấn. Từ năm 2010 trở về trước, ngành xi măng hầu như không gặp khó khăn gì trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2000 – 2010, tăng trưởng tiêu thụ nội địa đạt bình quân 15%/năm.

Tuy nhiên, từ 2011, xuất hiện vấn đề cung vượt cầu. Thị trường xi măng chuyển từ thị trường của người bán sang thị trường cạnh tranh. Có thể nói, khó khăn của ngành xi măng Việt Năm xuất hiện từ năm 2010.

Từ 2010 – 2022 năng lực sản xuất xi măng tăng, tăng trưởng tiêu thụ nội địa xi măng Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ đạt trung bình 1,6%/năm. Xi măng Việt Nam buộc phải xuất khẩu. Năm xuất khẩu nhiều nhất (2021), chúng ta xuất khẩu đến 45,7 triệu tấn, tương đương với 42% sản lượng sản xuất của năm.

Tuy nhiên, đến năm 2020, cũng như các ngành kinh tế khác, ngành xi măng phải chịu một cú đấm bồi từ Covid-19 và giá năng lượng, đặc biệt là giá than tăng khủng khiếp. Trong bối cảnh đó, ngành xi măng vẫn còn sức lực và cố được đến năm 2021 nhưng từ năm 2022 bắt đầu đuối sức.

Thêm vào đó, từ 1/1/2023 mức thuế suất xuất khẩu clanhke tăng từ 5 lên 10% và clanhke xuất khẩu không được áp dụng luật thuế GTGT. Cộng hưởng tất cả những điều này, ngành xi măng hiện nay, có thể nói đang đứng bên bờ vực”, PGS.TS Lương Đức Long cho biết.

Thông tin tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ Trưởng Vụ Vật Liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Không riêng gì ngành xi măng đang gặp khó khăn mà cả ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung cũng đang gặp khó khăn.

Qua 11 tháng đầu năm 2023 cả nước tiêu thụ khoảng 80 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ 2022, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa là 52 triệu tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022 và xuất khẩu được gần 29 triệu tấn trong đó xuất khẩu clanhke đạt gần 10 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ 2022.

Trong nhiều năm trước, khi GDP quốc gia tăng trưởng 6% - 6,5% thì tăng trưởng tiêu thụ xi măng nội địa vào khoảng 8% - 10%. Như vậy, so với bình thường thì mức tiêu thụ nội địa 11 tháng đầu năm 2023 đã sụt giảm khoảng 23%. Tình trạng này dẫn đến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, trong đó có những dây chuyền phải dừng dài hạn”, TS Nguyễn Quang Hiệp cho biết.

Nói về nguyên nhân, TS Nguyễn Quang Hiệp phân tích: “Trong thời gian gần đây thị trường bất động sản trong nước giảm sâu bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, cầu về bất động sản suy giảm cũng như những khó khăn về nguồn vốn, pháp lý,... dẫn đến doanh nghiệp phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai chậm cùng với sự khó khăn về vốn của các doanh nghiệp. Vì vậy, đây là các nguyên nhân chính đã gây tắc nghẽn đầu ra cho chuỗi sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng trong đó có xi măng”.

Ngành xi măng đang đối mặt với hàng loạt thách thức (Ảnh: Báo Xây dựng)

Cần làm gì để ngành xi măng “vượt khó”?

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành Xi măng Việt Nam đang phải tìm cách để giảm chi phí, tăng năng suất và tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang đưa ra các chính sách hỗ trợ để ngành Xi măng vượt qua thách thức, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đưa ngành Xi măng Việt Nam hoạt động ở trạng thái tương đồng với nền kinh tế.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời tham dự Chương trình đã có những ý kiến, chia sẻ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Xi măng Việt Nam.

Nói về xu hướng ngành xi măng Việt Nam trong giai đoạn tới, PGS.TS Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, nhu cầu xi măng của Việt Nam chưa đạt đỉnh. Do đó, nhu cầu xi măng nội địa sẽ tăng.

“Để phát triển bền vững, ngành xi măng cũng sẽ tiếp tục phát triển theo xu thế chung của thế giới, đó là phát triển bền vững, giảm tiêu hao vật liệu, năng lượng, tiến tới trình độ tự động hóa, tối ưu hóa và sử dụng AI trong sản xuất. Cũng nói thêm, thế giới đã xác định, ngành công nghiệp xanh”, PGS.TS Lương Đức Long cho biết.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ Trưởng Vụ Vật Liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, cần có định hướng về mặt chính sách để giải quyết các vấn đề nội tại của ngành Xi măng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trong tương lai:

“Thứ nhất, cần thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn; Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng ĐBSCL; Tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ ở; UBND các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Thứ hai, thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. NHNN phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Thứ ba, về chính sách thuế, đề nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clanhke từ 5 lên 10% (theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP) tạm giữ thuế suất thuế XK Clanhke ở mức cũ 5% thêm 2 năm;

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm xuất khẩu (clinker) quy định tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Bộ Tài chính sửa đổi các Thông tư liên quan theo hướng sản xuất clanhke không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế GTGT.

Chính phủ cũng nên xem xét, sửa đổi Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 152/2015/TT-BTC theo hướng quy định lại cách tính thuế tài nguyên đối với sản phẩm chế biến từ khoáng sản trong đó có xi măng, clanhke xi măng để thuế tài nguyên không bị tính trùng lên thuế thu nhập doanh nghiệp như phản ánh của các doanh nghiệp.

Thứ tư, cần thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu vật liệu xây dựng. Cụ thể, ngoài việc điều chỉnh chính sách thuế liên quan đến xuất khẩu, cần xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng xi măng theo hướng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng phải chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường ngoài nước

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, các DN chủ động, đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng tối đa các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để tiết giảm chi phí sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS Nguyễn Quang Hiệp chia sẻ.

Để phát triển bền vững ngành xi măng, TS Nguyễn Quang Hiệp nhấn mạnh: “Cần sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý (nghị định, thông tư, quy hoạch) và hành lang kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn) hướng đến phát triển ngành sản xuất xi măng theo đúng quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đó, hướng đến sản sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa phế thải từ các ngành sản xuất khác; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; tạo ra sản phẩm xi măng xanh, phát thải thấp”.

Lê Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/thao-go-kho-khan-cho-nganh-xi-mang-can-them-co-che-chinh-sach-ho-tro-d201846.html