Tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình

Hồ Hòa Bình có vẻ đẹp kỳ vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, được ví như vịnh Hạ Long trên núi, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu du lịch (KDL) quốc gia. Nơi đây đang là điểm đến được yêu thích của du khách gần xa với các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Chính vì tiềm năng, lợi thế này mà hồ Hòa Bình được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm lựa chọn, kỳ vọng biến nơi này trở thành điểm du lịch nổi tiếng với sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Your browser does not support the audio element.

Dự án đầu tư khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đang được nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh mở rộng quy mô, tổng mức đầu tư.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tính đến tháng 4/2021, khu vực vùng lõi hồ Hòa Bình có 51 dự án và đề xuất thực hiện dự án; trong đó, 19 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 3.515 tỷ đồng, đăng ký sử dụng trên 3.720 ha đất và 32 đề xuất thực hiện dự án. Đối chiếu với nhiệm vụ thiết kế điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng KDL quốc gia hồ Hòa Bình, có 25 dự án đầu tư và đề xuất dự án đã được phê duyệt nằm trong phạm vi quy hoạch xây dựng chung. Trong 19 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có 3 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh, 16 dự án chưa hoàn thành.

Phần lớn các dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trong các năm 2019, 2020 đang được NĐT tích cực triển khai thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) rừng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cơ bản đảm bảo tiến độ đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Một số dự án gặp khó khăn trong việc đền bù do không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng quyền SDĐ đối với các chủ SDĐ trong phạm vi dự án, dẫn đến triển khai chậm tiến độ đã đăng ký. Hiện, số lượng dự án đã hoàn thành, hoạt động kinh doanh trên khu vực hồ Hòa Bình mới chiếm 19% tổng số dự án đã được cấp phép đầu tư.

Dự án đầu tư KDL thiên nhiên Robinson triển khai tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) do Công ty CP du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư, diện tích SDĐ trên 40 ha, tổng vốn đầu tư được phê duyệt 279,764 tỷ đồng. NĐT đang tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng theo giấy phép, đồng thời đề xuất điều chỉnh dự án với các nội dung: mở rộng quy mô đầu tư; điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 1.183 tỷ đồng (do từ tiêu chuẩn 2 sao lên 5 sao) và điều chỉnh tiến độ thực hiện đến tháng 1/2024 hoàn thành, đưa vào hoạt động kinh doanh. Từ thực tế triển khai dự án, ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Hòa Bình bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện ủng hộ dự án; kiến nghị, các sở, ngành hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để công ty đủ điều kiện triển khai dự án đúng kế hoạch đề ra.

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, các dự án triển khai tại vùng hồ Hòa Bình gặp nhiều khó khăn về công tác GPMB, việc chuyển mục đích SDĐ nhiều vướng mắc do phần lớn diện tích đất tại khu vực hồ là đất rừng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đất đai. Đa số dự án du lịch sinh thái nằm tại các vị trí ít thuận lợi về giao thông, không có hạ tầng hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, do đó quá trình xây dựng trở ngại do vận chuyển nguyên vật liệu... Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, việc nhiều dự án triển khai chậm là vì một số NĐT không đủ năng lực thực hiện theo mục tiêu, tiến độ cam kết, dẫn tới thời gian xây dựng kéo dài, không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và làm mất cơ hội của các NĐT khác. Giá tiền đền bù tại khu vực lòng hồ, nhất là khu vực lõi tăng mạnh, gây khó khăn cho các NĐT khi thỏa thuận chuyển nhượng quyền SDĐ...

Tại buổi kiểm tra các dự án đầu tư tại hồ Hòa Bình của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại vùng lòng hồ nhìn chung triển khai còn chậm. Một trong những nguyên nhân là do công tác GPMB. Thời gian qua, các NĐT, UBND huyện đều mắc, bởi GPMB thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, mà đã là cơ chế thỏa thuận thì rất khó áp đặt tài chính. Để hỗ trợ NĐT, trước hết, những chỗ đã thỏa thuận được mà chưa hoàn thành thủ tục, như dự án đầu tư KDL sinh thái Ngòi Hoa của Công ty CP đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn, dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng, NĐT cần tích cực phối hợp, làm giúp người dân để hoàn thiện các thủ tục (như thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ). Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh văn bản về tăng cường công tác quản lý, SDĐ trong thời điểm diễn ra tình trạng sốt đất vừa qua, trong đó yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đối tượng mua, đặc biệt là mua đất đầu cơ. Những chỗ đã có quy hoạch dự án phải có chấp thuận của UBND tỉnh mới được phép mua đất.

Sau buổi kiểm tra các dự án đầu tư tại hồ Hòa Bình, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT hướng dẫn NĐT thực hiện thủ tục lập hồ sơ điều chỉnh dự án KDL thiên nhiên Robinson theo quy định; rà soát các dự án do Công ty CP nông nghiệp sạch Hòa Bình đề xuất thực hiện, trong trường hợp không đảm bảo năng lực thực hiện dự án thì chấm dứt thực hiện. Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện xây dựng quy trình, cơ chế phối hợp giữa NĐT với cơ quan Nhà nước trong công tác GPMB, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền SDĐ phối hợp UBND các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, các NĐT trong việc thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng quyền SDĐ để triển khai dự án...

Bình Giang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/152271/thao-go-kho-khan-cho-cac-du-an-dau-tu-vao-ho-hoa-binh.htm