Thành viên 'khó chiều' khiến giới chức NATO đau đầu

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dọa sẽ không để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, giới chức phương Tây tỏ ra giận dữ, nhưng họ không cảm thấy bất ngờ.

Với tuyên bố phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan được cho là đang sử dụng chiến lược “gây thách thức vào thời điểm quan trọng” để nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2009, ông Erdogan, khi đó là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã phản đối bổ nhiệm cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng thư ký của NATO vì những lý do tương tự như lý do mà Ankara đang viện dẫn trong trường hợp của Thụy Điển và Phần Lan. Phải sau khi các nhà lãnh đạo phương Tây ra sức thuyết phục cùng lời hứa trực tiếp từ Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama rằng NATO sẽ bổ nhiệm một người Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí lãnh đạo, ông Erdogan mới chấp nhận.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: New York Times

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: New York Times

Sau khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel rơi vào căng thẳng vào năm 2010, ông Erdogan đã ngăn NATO làm việc với Israel suốt 6 năm. Vài năm sau đó, ông Erdogan trì hoãn một kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ các nước Đông Âu chống lại Nga, viện dẫn lý do về các phiến quân người Kurd và yêu cầu liên minh tuyên bố lực lượng người Kurd hoạt động ở Syria là khủng bố.

Năm 2020, ông Erdogan từng điều tàu thăm dò khí đốt với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu tới gần vùng biển của Hy Lạp, khiến Pháp phải cử tàu hỗ trợ Hy Lạp – cũng là một thành viên NATO.

“Kẻ phá rối”

Trong vấn đề Thụy Điển và Phần Lan hiện nay, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa “vào vai kẻ phá rối”.

“Những nước này gần như đã trở thành ‘nhà khách’ cho các tổ chức khủng bố. Chúng tôi không thể ủng hộ họ”, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.

Lập trường của ông Erdogan là lời nhắc nhở về một vấn đề tồn tại lâu nay đối với NATO - liên minh quân sự hiện có 30 thành viên. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể khiến NATO đoàn kết hơn, nhưng liên minh này vẫn phải “đau đầu” vì nhà lãnh đạo của một quốc gia thành viên sẵn sàng sử dụng đòn bẩy của mình để ghi điểm chính trị trong nước bằng cách cản trở sự đồng thuận của khối.

Đó là một tình huống có lợi cho Tổng thống Nga Valdimir Putin. Đối với Nga, việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể là một chiến thắng quan trọng.

Tình thế khó xử này sẽ đơn giản hơn nhiều nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một thành viên quan trọng của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952 sau khi liên kết với phương Tây chống lại Liên Xô; Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược quan trọng ở nơi giao cắt giữa châu Âu và châu Á, nằm ở cửa ngõ Trung Đông và Biển Đen.

Tuy nhiên, dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành một vấn đề cần phải chế ngự của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga và các quan chức NATO gọi đó là mối đe dọa đối với các hệ thống phòng thủ tích hợp của liên minh.

Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào người Kurd ở miền Bắc Syria, trong khi lực lượng này lại là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Ivo Daalder, Đại sứ Mỹ tại NATO thời Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 4 năm của tôi, tình huống thường là 27 chống lại 1”. Khi đó, NATO có 28 thành viên.

NATO không thể thiếu Thổ Nhĩ Kỳ?

Việc ông Erdogan phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu liên minh quân sự có thể tốt hơn nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ hay không?

Ông Joe Lieberman, cựu Thượng nghị sĩ độc lập bang Connecticut của Mỹ, đồng tác giả của một bài bình luận trên Wall Street Journal mới đây, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan sẽ phá vỡ các tiêu chuẩn của liên minh về quản trị dân chủ ở các quốc gia có triển vọng trở thành thành viên mới trong tương lai.

Bài báo cho rằng các chính sách của Ankara, bao gồm cả mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Putin, đã làm suy yếu lợi ích của NATO và liên minh nên tìm cách loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan không nên và không thể được coi là đồng minh”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nhận định sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria năm 2019.

Nhưng NATO là một liên minh quân sự và Thổ Nhĩ Kỳ - với quân đội lớn thứ 2 trong liên minh, với nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến và vị trí địa lý quan trọng, đóng một vai trò không thể thiếu.

Các quan chức phương Tây cho rằng nếu đứng ngoài NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ gây ra nhiều vấn đề hơn, đặc biệt Ankara có thể liên kết chặt chẽ hơn với Nga.

Đánh giá về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov cho rằng, Ankara sẽ không rút khỏi NATO nhưng sẽ tiếp tục gây sức ép theo hướng có lợi cho mình.

Theo ông Kortunov, Tổng thống Erdogan “kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình vì ông nhận thức rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị trục xuất khỏi NATO và Ankara cũng sẽ không từ bỏ liên minh quân sự này”. Nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ, sườn phía nam của NATO sẽ mất khá nhiều, thậm chí có thể nói là “mất trắng”.

Dự đoán về bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, ông Kortunov nói: “Sẽ có những tuyên bố gay gắt và đe dọa từ cả hai bên, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rút hoặc bị trục xuất khỏi NATO. Điều đó sẽ khiến cả hai bên phải trả giá quá đắt”.

Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ

Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xoa dịu ông Erdogan để Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO?

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Tổng thống Erdogan cuối cùng sẽ không ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mà ông muốn nêu bật những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra lợi thế chính trị trong nước trước cuộc bầu cử vào năm 2023.

Ông Emre Peker, Giám đốc phụ trách châu Âu của Eurasia Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được một thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan với sự trung gian của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Theo ông Peker, Tổng thống Erdogan muốn các nước lắng nghe những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan tới vấn đề người Kurd và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Một số nhà phân tích tại Mỹ có quan điểm khác. Ông Eric Edelman, cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan, cảnh báo rằng ông Erdogan có thể đang tìm cách gây thiện cảm với ông Putin hoặc ít nhất là xoa dịu sự giận dữ ở Moscow về việc một công ty tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine.

“Điều đó đã làm phức tạp thêm mối quan hệ với Tổng thống Putin mà ông Erdogan cần phải duy trì”, ông Edelman nhận định.

Một số nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn một sự “đền bù” từ Mỹ. Tổng thống Erdogan đã tức giận vì Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 sau khi Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã vận động hành lang để mua các máy bay chiến đấu F-16 nhưng lại vấp phải sự phản đối gay gắt trong Quốc hội Mỹ./.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thanh-vien-kho-chieu-khien-gioi-chuc-nato-dau-dau-post947371.vov