Thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công

Hiện nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động thanh toán ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Phương thức này đã và đang được đẩy mạnh trong thực hiện thanh toán phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trong thực hiện các dịch vụ công...

Người dân thanh toán lệ phí trực tuyến tại Bộ phận Phục vụ hành chính công UBND thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Người dân thanh toán lệ phí trực tuyến tại Bộ phận Phục vụ hành chính công UBND thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Trung tâm Hành chính công tỉnh là nơi có số lượng tổ chức, công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) rất lớn, với mức trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm lượt tổ chức, công dân thực hiện TTHC. Trước đây, khi đến Trung tâm thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí, lệ phí TTHC các tổ chức, cá nhân đều mất khá nhiều thời gian, xếp hàng chờ đợi để nộp tiền mặt. Từ khi triển khai giải pháp TTKDTM, đã khắc phục những bất cập này. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai hình thức TTKDTM qua quét mã QR tại quầy thu phí, lệ phí, thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Ông Trần Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: "Trung tâm hướng dẫn công dân TTKDTM qua quét mã QR. Tại quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị đồng loạt công khai mã QR của ngân hàng, lắp đặt wifi miễn phí để người dân, doanh nghiệp thuận tiện thanh toán các loại phí, lệ phí. Hình thức này không chỉ tiết kiệm thời gian cho người dân mà còn góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC”.

Anh Nguyễn Quang Nam, tổ 12, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đến Trung tâm Hành chính công tỉnh làm thủ tục, nộp lệ phí trước bạ nhà đất. Anh Nam chia sẻ: "Tôi không phải mang tiền mặt, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản ngân hàng. Sau khi làm thủ tục, biết lệ phí cần nộp thì quét mã QR trên điện thoại, nhập số tiền trên biên lai và thanh toán, rất nhanh gọn, thuận lợi và an toàn”.

Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai TTKDTM trong các cơ sở giáo dục; các khoản đóng góp, học phí đều chuyển sang trực tuyến. Những năm học trước, mỗi khi thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác đều mất khá nhiều thời gian của giáo viên, phụ huynh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái. Thực hiện chủ trương của ngành giáo dục đối với việc TTKDTM trong trường học, 3 năm qua, Trường Tiểu học Kim Đồng đã triển khai thực hiện 100% khoản thu, nộp của học sinh thông qua app SISAP và được phụ huynh đồng tình hưởng ứng.

Thầy Lê Thanh Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, TTKDTM, nhà trường đã triển khai việc thanh toán các khoản thu qua app SISAP và qua tài khoản ngân hàng. Việc TTKDTM giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian và việc đối soát, kiểm tra tiền học phí, tiền đóng góp của học sinh... đều được thực hiện tự động, tránh rủi ro phát sinh trong giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả...”.

Thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, nhiều nhóm dịch vụ công như: y tế, điện, nước, giáo dục, đất đai, chi trả dịch vụ an sinh xã hội… đã triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử.

Theo đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ công phối hợp với ngân hàng lắp đặt thiết bị thanh toán điện tử cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán. Cùng đó, cơ sở hạ tầng công nghệ được chú trọng đầu tư.

Đến nay, tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng 4G và điện thoại di động thông minh trên địa bàn tỉnh đạt 97%, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ di động bằng thiết bị thông minh đạt 83%; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có đường truyền băng rộng cáp quang; toàn tỉnh có 6 chi nhánh ngân hàng tham gia thanh toán dịch vụ công; các chi nhánh ngân hàng đã phối hợp với 78 cơ sở giáo dục và 20 cơ sở khám chữa bệnh thu hộ tiền học phí và viện phí; trong 11 tháng của năm 2023, thanh toán dịch vụ công, chi trả an sinh xã hội đạt gần 300.000 lượt giao dịch, giá trị giao dịch đạt trên 2.600 tỷ đồng.

Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song thực tế việc triển khai TTKDTM trong các dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn bởi hình thức này mới chỉ tập trung cho người dân, doanh nghiệp ở khu vực thành thị. Đối với người dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, do nhận thức và việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng cách thức TTKDTM chưa được nhiều.

Thời gian tới, để tăng tỷ lệ TTKDTM trong dịch vụ công, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp được các sở, ngành, đơn vị đẩy mạnh. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ TTKDTM; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.

Các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, tăng tốc độ thanh toán qua internet, đảm bảo tiện lợi trong giao dịch thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua mã QR…

Hồng Duyên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/304848/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tr111ng-cac-dich-vu-cong.aspx