Thanh toán điện tử giúp nâng cao hiệu quả dịch vụ công

Với những hiệu quả và lợi ích lớn, thanh toán điện tử đang rất cần sự phối hợp giữa các đơn vị để đưa ra những chính sách cụ thể, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP Quốc gia.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: H.Dịu

Đây là nhận định của các diễn giá trong nước và quốc tế tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2016 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 24-11 tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến 2020 nhưng còn hạn chế do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân.

“Hiện nay có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và các cơ quan công quyền phải cung cấp cho người dân. Nhưng đến lúc này có chưa đầy 1.200 dịch vụ được cung cấp ở cấp độ 4 (có sử dụng), tức là chưa tới 1%. Đây là một con số rất đáng suy ngẫm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá kết quả sau một năm triển khai Thỏa thuận liên Bộ Tài chính - Công Thương - NHNN tại VEPF 2015, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, liên Bộ đã có sự phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ và thương mại điện tử, triển khai hiệu quả dịch vụ thuế điện tử và đưa ra các giải pháp tích hợp thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến, hướng tới mục tiêu mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và bền vững.

Theo đó, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, về phía Bộ Công Thương, năm 2016 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công Thương và NHNN trong việc thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Tính đến cuối tháng 10-2016, 96,72% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan Thuế.

Tuy nhiên, theo ông Tiên, trong quá trình triển khai các nội dung tại Thỏa thuận hợp tác liên Bộ vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc kết nối hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước và hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước chưa thông suốt. Các ngân hàng thương mại tuy đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhưng nhìn chung hạ tầng phục vụ thanh toán phân bố chưa đều.

Chính vì thế, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, năm 2017, ngành thuế sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nộp thuế điện tử của doanh nghiệp thông qua cổng kết nối Napas và các ngân hàng, đồng thời từng bước triển khai thuế điện tử cá nhân.

Ngoài ra, năm 2017 ngành thuế cũng sẽ tập trung triển khai hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, ông Trí mong muốn, để thúc đẩy nộp thuế và hóa đơn điện tử cần nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp để triển khai được hiệu quả.

Trong khuôn khổ VEPF 2016, đối với lĩnh vực giao thông, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có báo cáo về việc triển khai thu phí tự động không dừng trên các tuyến quốc lộ.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, lĩnh vực giao thông có nhiều dịch vụ phải thanh toán. Với các trạm thi phí, Việt Nam phải nộp tiền, đảm bảo có tiền rồi thì barie mới mở cửa, rất mất thời gian. Nên phấn đấu đến năm 2019 sẽ nâng cấp lên hình thức mới.

“Trong tuần này Chính phủ đã họp bàn lần cuối về chính sách thu phí giao thông không dừng, có thể trong tháng 11 sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thu phí không dừng”, ông Trường cho biết thêm.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thanh-toan-dien-tu-giup-nang-cao-hieu-qua-dich-vu-cong.aspx